Nga - Mỹ tăng tốc chạy đua vũ trang

Đình Tú 04/06/2020 08:00

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh phê chuẩn chính sách nhà nước về phòng thủ chiến lược cho phép giáng trả bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào vào nước này. Các chuyên gia lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang mới giữa 2 siêu cường Mỹ - Nga.

Nga - Mỹ tăng tốc chạy đua vũ trang

Các chuyên gia cảnh báo về một chạy đua vũ trang mới giữa Nga và Mỹ.

Nga tăng cường răn đe

Theo Hãng tin Sputnik, sắc lệnh của Tổng thống Putin được phê chuẩn với tên gọi đầy đủ “Sắc lệnh phê chuẩn các nguyên tắc cơ bản của chính sách nhà nước về phòng thủ chiến lược” . Sắc lệnh đã trao quyền cho quân đội nước này giáng trả bất cứ cuộc cuộc tấn công hạt nhân nào vào nước này, cũng như có thể tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân trong trường hợp có nguy cơ đối với sự tồn vong của chính quyền nhà nước (tức bên ngoài lãnh thổ Nga).

“Nga coi vũ khí hạt nhân chỉ là một biện pháp răn đe, là biện pháp cuối cùng và bắt buộc; và Nga đang thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để giảm mối đe dọa hạt nhân và ngăn chặn sự leo thang của các mối quan hệ liên quốc gia có thể kích động quân sự, bao gồm cả hạt nhân và xung đột”- Reuters dẫn nguồn tin từ điện Kremlin .

Trong sắc lệnh này, chính sách phòng thủ chiến lược của Nga ngoài mục đích nhằm đảm bảo sự bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhà nước nó còn nhằm mục đích để những đối thủ nhận thức được sự trả đũa không thể tránh khỏi trong trường hợp gây hấn với Nga và các đồng minh.

Trong khi đó, bình luận của truyền thông Nga cho rằng với chính sách răn đe hạt nhân, Nga sẽ tính đến việc triển khai vũ khí siêu thanh và laser, máy bay không người lái mang tên lửa và máy bay không người lái tấn công, các “lá chắn” tên lửa và vũ khí hạt nhân, cũng như các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

“Cũng theo sắc lệnh, Nga coi việc thiết lập và triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa và các hệ thống tấn công trong không gian là mối đe dọa, và để hóa giải điều này đòi hỏi phải có khả năng răn đe hạt nhân” – Sputnik bình luận.

Cuộc đua giữa “các vì sao”

Trước khi Nga thực hiện các sắc lệnh của Tổng thống Putin, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đang dần rút khỏi hầu hết các hiệp ước và quân sự hoá không gian bằng học thuyết phòng thủ tên lửa kiểu “chiến tranh giữa các vì sao”. Các chuyên gia cảnh báo chiến lược về quân sự và quốc phòng mới của Mỹ sẽ ép Nga đưa ra các biện pháp tương tự dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Đầu tiên phải kể đến Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố chiến lược phòng thủ tên lửa mới (NMD 2019), xây dựng các giải pháp đặc biệt về an ninh quốc phòng nhằm nâng cao năng lực ngăn chặn các mối đe dọa tên lửa hành trình, tên lửa siêu thanh từ các đối thủ chính và trực diện là Nga.

Mỹ cũng cho xem xét bố trí lại các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 và THAAD, cũng như các tàu hải quân có trang bị hệ thống phòng thủ Aegis với các tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA có năng lực đánh chặn tên lửa đạn đạo để đối phó với các mối đe dọa mới.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, từ năm 2013 đến nay, Quốc hội nước này đã phê chuẩn gói tài chính trị giá hàng chục triệu USD giúp đánh giá khả năng triển khai căn cứ phòng thủ tên lửa ở bờ Đông nước Mỹ. Khu vực dự kiến đặt căn cứ là Fort Drum, bang New York. Mỹ đang triển khai 2 căn cứ phòng thủ tên lửa là Fort Greely (bang Alaska) và Vandenberg (bang California) với lý do phòng ngừa khả năng bị tấn công từ Triều Tiên.

Truyền thông phương Tây dẫn một báo cáo mới của Chiến dịch quốc tế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN - Úc) cho biết chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã chi khoảng 72,9 tỉ USD cho các kho vũ khí của nước mình trong năm 2019. Dù được ước tính có nhiều đầu đạn hạt nhân hơn Mỹ nhưng Nga chỉ chi khoảng 8,5 tỉ USD cho nguồn vũ khí này vào năm 2019, bằng 1/4 chi tiêu hạt nhân của Mỹ. Với tổng cộng 35,4 tỉ USD, Mỹ đứng đầu và chiếm gần một nửa trong tổng số tiền mà các quốc gia bỏ ra. Diễn biến này đến sau khi Mỹ rời khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào tháng 8 năm ngoái.

Theo các thông tin đã được công bố của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự toàn cầu của Mỹ chiếm tới 38% của thế giới trong năm 2019. Đồng thời Mỹ sẽ chi tới 1.200 tỷ USD trong 30 năm tới để duy trì và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.

“Một cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc đang diễn ra. Nó đặc biệt đáng lo ngại khi các loại vũ khí hủy diệt nhân loại được phát triển để đe dọa lẫn nhau và đe dọa thế giới” - Alicia Sanders-Zakre, nhà nghiên cứu của ICAN nhận định.

Đình Tú