Mobie money là 'cứu cánh' giảm sử dụng tiền mặt?

Hồ Hương 04/06/2020 08:00

Sau nhiều chờ đợi, việc thanh toán bằng tài khoản viễn thông (Mobile money - “tiền di động”) chính thức được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm. Bên cạnh những kỳ vọng mà “tiền di động” có thể mang lại cho nền kinh tế, thì hình thức thanh toán mới này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mobie money là 'cứu cánh' giảm sử dụng tiền mặt?

Người sử dụng dịch vụ Mobile money có thể ngồi một chỗ để thanh toán bằng tài khoản viễn thông.

Chờ đợi ngày khai sinh

Mobile money được định nghĩa là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. Theo đó, người sử dụng dịch vụ Mobile money không phải di chuyển đến các điểm giao dịch của ngân hàng vào các ngày giờ hành chính, để chờ đợi làm các giao dịch với nhân viên tại đây, mà có thể thanh toán từ xa thông qua điện thoại di động (tiền điện, tiền nước, học phí, truyền hình cáp, mua vé…),

Hiểu nôm na, tài khoản viễn thông trước đây giống như cái ví có một ngăn (thanh toán cước dịch vụ viễn thông), thì nay giống ví hai ngăn - thêm một ngăn nữa đựng tiền thanh toán, chuyển khoản. TS Phùng Thế Hùng cho rằng, bản chất của dịch vụ Mobile money là chuyển đổi hình thức của tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1.

Theo đó, đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile money không phải là đơn vị phát hành tiền điện tử vì không tạo ra lượng tiền mới đưa vào lưu thông, không phát hành tiền, mà chỉ chuyển đổi hình thức của tiền mặt để khách hàng có thể sử dụng thanh toán theo một hình thức mới tương tự như thẻ ATM.

Được biết, các doanh nghiệp viễn thông Viettel, MobiFone, VNPT đã chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết và sẵn sàng cung ứng ngay dịch vụ Mobile money. Có thể, ngay trong tháng 6 này, dịch vụ tiền di dộng sẽ được khai sinh. Theo số liệu mới nhất của Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 4/2020, Việt Nam có 125,7 triệu thuê bao điện thoại di động. Về mặt lý thuyết, toàn bộ số thuê bao này đều có thể tham gia vào sử dụng dịch vụ Mobile money. Người dân có thể thanh toán, mua sắm mọi lúc, mọi nơi với thiết bị di động được kết nối internet mà không cần tiền mặt, quẹt thẻ hay chuyển tiền.

Với hạn mức tối đa cho dịch vụ thanh toán Mobile money là 10 triệu đồng/tháng, giả sử có 1/5 số thuê bao điện thoại di động hiện nay sử dụng dịch vụ và mức sử dụng trung bình chỉ cần 1 triệu đồng/tháng, dịch vụ này đã tạo ra một doanh số khoảng 25 nghìn tỷ đồng/ tháng. Nếu đạt con số lý tưởng hơn là 5 - 7 triệu hay tối đa 10 triệu/tháng thì doanh số lên tới hơn 500 nghìn tỷ/ tháng. Như vậy việc triển khai Mobile money cũng sẽ thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt. Do các nhà mạng có độ phủ sóng lớn, nhờ vậy vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân.

Tiềm ẩn rủi ro

Bàn về tính khả thi của “tiền di động”, nhiều chuyên gia cho rằng, đây sẽ là một kênh thanh toán đầy cạnh tranh. Bởi lượng thuê bao di động hiện nay lớn, và lượng người đăng ký sử dụng 3G, 4G nhiều. Song, kỳ vọng thường đi kèm thách thức, Mobile money cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Trong đó bảo mật dữ liệu khách hàng của nhà mạng kém hơn ngân hàng, do vậy khó kiểm soát được hoạt động giao dịch, nguy cơ mất tiền của khách hảng rất cao. Hình thức thanh toán này có thể bị lợi dụng cho các mục đích gian lận, bất hợp pháp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói, điều quan tâm nhất là cần có cơ chế giám sát để dòng tiền từ Mobile money không chảy vào các kênh phạm pháp như đánh bạc, rửa tiền, buôn lậu... Chuyên gia này cho biết, ông vẫn băn khoăn 1 điểm, đó là nhà mạng khi nhận tiền của người dân có bảo đảm được an toàn cho số tiền gửi của người dân, có bảo đảm được là các nhà mạng không sử dụng số tiền gửi của người dân cho những hoạt động đầu tư khác?

Anh Trần Thiện Anh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, anh có đọc thông tin về “tiền di động”. Theo anh, trong thời điểm hiện tại các thuê bao sử dụng dịch vụ di động rất hay bị quấy rầy bởi các cuộc điện thoại mời chào mua bán. Giờ đây nếu sử dụng thêm dịch vụ Mobile money thì tình trạng bị làm phiền bởi sim rác có tăng lên không? Bởi chỉ cần lộ ra bạn giao dịch nhiều, mua bán nhiều thì hàng chục cuộc điện thoại làm phiền ngay.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nêu quan điểm: “Công ty viễn thông định danh khách hàng thì dòng tiền trong Mobile money cũng nên có cơ chế giám sát và để các công ty này tự quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Song không chỉ dừng lại đó, nhiều băn khoăn còn đặt ra với “tiền di dộng”. Một số người thắc mắc, liệu rồi các nhà mạng có trừ tiền quản lý như các ngân hàng vẫn đang trừ phí dịch vụ hàng tháng, hàng năm? Khi mở tài khoản ngân hàng, và sử dụng thẻ, thấy bao nhiêu loại phí phải đóng. Một ngày đẹp trời ngân hàng trừ tiền chục, tiền trăm trong tài khoản với tin nhắn ngắn gọn “ trừ phí dịch vụ thường niên”.... Vậy khi sử dụng ứng dụng mới của nhà mạng, khách hàng có “bỗng nhiên bị trừ tiền” hay không?

Hồ Hương