Thanh Hoá: Doanh nghiệp mập mờ trong việc bán điện
Nhiều hộ dân xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) phản ánh về việc Chi nhánh II thuộc Cty CP quản lý kinh doanh điện Thanh Hoá (Cty QLKDĐ) “mập mờ” trong việc ký kết biên bản thoả thuận mua bán điện 3 pha, dẫn tới số tiền người dân phải trả bị đội lên so với thực tế sử dụng. Song các ý kiến thắc mắc không được phía Cty QLKDĐ kịp thời giải quyết.
Những hoá đơn tiền điện mà các chủ trang trại ở Tuy Lộc phải trả với hai mức giá khác nhau.
Vào năm 2019, nhiều hộ dân xã Tuy Lộc xây dựng trang trại chăn nuôi và buộc phải lắp đường điện 3 pha để chạy hệ thống quạt thông gió phục vụ sản xuất. Do không nắm rõ thông tin, nên khi đại diện Chi nhánh II thuộc Cty QLKDĐ yêu cầu ký hợp đồng mua bán điện kèm theo biên bản thoả thuận thì bà con chỉ biết ký để làm sao được lắp đặt hệ thống điện sớm nhất.
Theo đó, tại biên bản ký kết giữa bên bán điện và bên mua điện cho thấy: “Hai bên thoả thuận và thống nhất nội dung về tỷ lệ mục đích sử dụng điện để tính toán mức tiêu thụ điện theo từng mục đích sử dụng như sau: Đối với lượng điện phục vụ sản xuất là 45%, đối với lượng điện phục vụ kinh doanh là 55%”.
Song cũng có hộ, trên biên bản thoả thuận tỷ lệ lại đảo ngược, điện sản xuất 55%, điện kinh doanh 45%? Căn cứ vào biên bản trên, hàng tháng khi thanh toán tiền điện trên cùng một hoá đơn, các chủ hộ sản xuất phải trả hai mức giá khác nhau; mức giá điện sản xuất hiện tại là 1.685 đồng/kWh, mức giá điện kinh doanh là 2.666 đồng/kWh.
Câu chuyện sẽ chưa được phát hiện nếu như không có những người hiểu biết pháp luật về Tuy Lộc đầu tư mở trang trại. Một chủ trang trại xin giấu tên cho biết: “Gần đây có một gia đình ở nơi khác về thầu đất, mở trang trại họ được mua điện với một mức giá là điện sản xuất. Vậy nhưng thực tế trang trại của các hộ khác cũng chỉ hoạt động chăn nuôi giống trang trại kia nhưng lại phải trả tiền điện với hai mức giá khác nhau. Chưa kể trong biên bản thoả thuận, chúng tôi phải chấp nhận tỷ lệ điện phục vụ kinh doanh còn cao hơn tỷ lệ điện sản xuất, nhưng thực tế trang trại chả có máy móc hoạt động kinh doanh gì cả”.
Đơn cử như trường hợp hộ ông Nguyễn Văn Trường, thôn Trung Hà, xã Tuy Lộc, trên hoá đơn thu tiền điện từ ngày 25/4/2020 đến ngày 24/5/2020, trang trại của ông tiêu thụ hết 2.354kWh điện nhưng được chia tỷ lệ như sau: Điện sản xuất 1.295kWh, mức giá 1.517 đồng/kWh (tổng tiền 1.964.515 đồng); điện kinh doanh 1.059kWh, mức giá 2.399 đồng/kWh (tổng tiền là 2.540.541 đồng). Ông Trường thắc mắc: “Chúng tôi mua điện phục vụ sản xuất nhưng phải trả 45% tổng lượng điện sử dụng với mức giá điện kinh doanh là vô lý. Đúng ra, tôi chỉ phải trả tổng số tiền điện tiêu thụ từ các ngày 25/4-24/5 là 3.928.119 đồng, nhưng thực tế tôi lại phải nộp cho Cty QLKDĐ là 4.955.000 đồng (gồm cả VAT), vượt 1.027.441 đồng”.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Xuyên- Giám đốc Cty QLKDĐ cho biết: Tại biên bản thoả thuận ghi rõ hai nội dung về giá điện sản xuất và giá điện kinh doanh. Trường hợp bên mua điện không hoạt động kinh doanh nữa thì có văn bản kiến nghị gửi Cty để ký kết lại thoả thuận mới. Nhưng vì lý do các chủ trang trại ở Tuy Lộc chỉ thắc mắc với tổ trưởng quản lý điện của Cty QLKDĐ tại địa phương, ông tổ trưởng lại không báo cáo về nên Cty không thể biết rõ sự việc để giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Tuy nhiên căn cứ vào hợp đồng mua bán điện của Cty QLKDĐ và các chủ trang trại cho thấy, cách phân chia tỷ lệ lượng điện sử dụng khá tuỳ tiện. Có hợp đồng được chia tỷ lệ 55% điện phục vụ sản xuất, 45% điện phục vụ kinh doanh; có hợp đồng lại chia 55% điện phục vụ kinh doanh, 45% điện phục vụ sản xuất? Hơn thế, các chủ trang trại ở Tuy Lộc khẳng định rằng: “Họ chỉ hoạt động sản xuất chứ không dùng điện vào việc kinh doanh, nhưng phải trả trên dưới một nửa trong tổng số tiền điện phải trả hàng tháng với mức giá điện kinh doanh là trái với quy định của pháp luật, trái với Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương”.
Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, ông Nguyễn Văn Xuyên khẳng định: “Sau khi nhận được phản ánh của các chủ trang trại ở Tuy Lộc, chúng tôi sẽ cho phòng chức năng tiến hành kiểm tra lại. Việc này sẽ được làm một cách nhanh chóng và được xử lý rốt ráo. Trên cơ sở nếu phản ánh của chủ trang trại đúng thì phải ký lại biên bản thoả thuận. Tuy nhiên, Cty QLKDĐ sẽ không khấu trừ tiền điện khách hàng phải trả không đúng với thực tế mục đích sử dụng điện các tháng trước vì tính tới thời điểm này biên bản thoả thuận vẫn còn hiệu lực”.
Qua sự việc này cho thấy, Cty QLKDĐ cần phải chấn chỉnh lại cung cách làm việc của các phòng ban chức năng, các chi nhánh để đảm bảo quyền lợi của khách hàng không bị xâm hại. Đừng lợi dụng sự tin cậy của người dân để “mập mờ” trong việc đặt lợi nhuận kinh doanh lên trên hết.