Nhiều kiến nghị sau giám sát được tiếp thu, phản hồi
Thực hiện chức năng phản biện xã hội theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, trong những năm qua MTTQ các cấp huyện Gia Bình (Bắc Ninh) đã tham mưu cho Huyện uỷ ban hành các văn bản, chỉ thị về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc hai quyết định này.
Đến nay, công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã có chuyển biến và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp hoạt động giám sát, phản biện xã hội, của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, đặc biệt đã quan tâm xây dựng cơ chế, điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát, phản biện.
Theo ông Hoàng Văn Chinh- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Gia Bình, thông qua giám sát, phản biện, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thể hiện rõ nét hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện đã tổ chức giám sát 21 cuộc, trong đó Mặt trận cấp huyện chủ trì giám sát 8 cuộc, các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát 13 cuộc; Mặt trận các xã, thị trấn chủ trì giám sát 63 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề nóng trong đời sống xã hội như việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về thực hiện nếp sống văn hóa; chi trả chế độ chính sách xã hội với người có công, người nghèo, người khuyết tật; các khoản thu chi theo quy định của nhà trường…
Bên cạnh đó, trong hoạt động phản biện xã hội Ủy ban MTTQ huyện cũng chủ trì tổ chức 7 cuộc, các đoàn thể chính trị - xã hội 12 cuộc, Mặt trận các xã, thị trấn chủ trì tổ chức phản biện 23 cuộc. Nhiều văn bản kiến nghị sau giám sát, sau phản biện xã hội có chất lượng tốt được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi nhất là các kiến nghị sau giám sát, đem lại hiệu quả thiết thực từ đó đã nâng cao vị thế của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, bảo đảm quyền lợi ích chính đáng của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Chinh cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội còn không ít khó khăn, hạn chế. Nhiều nơi còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội; chưa đưa ra được tiêu chí để lựa chọn nội dung phù hợp; kết quả giám sát và phản biện xã hội chưa đều.
“Qua thực tế triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội, một số nơi làm hình thức, thụ động, còn biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm. Việc theo dõi thực hiện sau giám sát và phản biện nhiều nơi làm chưa rốt ráo”- ông Chinh chia sẻ.