Đội vốn 10 ngàn tỷ, đường sắt trên cao vẫn chỉ 'chạy trên tivi'
Đội vốn hơn 10 ngàn tỷ đồng; tiến độ chậm 10 lần và đang phải trả lãi mỗi năm 650 tỷ đồng nhưng đường sắt trên cao vẫn chỉ chạy trên tivi. Trách nhiệm đến nay thì chưa rõ thuộc về ai.
Theo thông cáo báo chí mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phát ra ngày 2/6, Tổng thầu EPC Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông - Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc chỉ kiến nghị “Chủ đầu tư thanh toán cho Tổng thầu 50 triệu USD trước khi thực hiện vận hành thử toàn hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao chính thức dự án”. Đây là giá trị đã hoàn thành mà tổng thầu đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị chủ đầu tư tiếp tục giải ngân thanh toán trong phần giá trị còn lại của hợp đồng EPC, không phải là chi phí phát sinh tăng thêm của Hợp đồng.
Ban QLDA Đường sắt đã thanh toán cho tổng thầu khoảng 80% giá trị hợp đồng EPC, phần còn lại khoảng 20%. Ban QLDA Đường sắt cho rằng, việc tổng thầu đề nghị thanh toán 50 triệu USD là chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của Hợp đồng EPC và các Phụ lục hợp đồng đã ký. Trên đây là ý kiến của Bộ GTVT về việc Tổng thầu EPC “đòi 50 triệu USD để vận hành hệ thống và phải thanh toán luôn”. Nhưng không tính việc Tổng thầu Trung Quốc đòi thêm 50 triệu USD thì đọc qua thông tin về Dự án này, một người bình thường có thể hóa bệnh nhân đau tim: Đội từ 552 triệu USD lên 868,04 triệu USD; tiến độ chậm 10 lần và đang phải trả lãi mỗi năm 650 tỷ đồng.
Trên mạng xã hội ngập những chỉ trích dành cho đối tác - công ty Trung Quốc. Nhưng có vẻ dư luận quên rằng, nếu không có sự lơ là hay nói đúng hơn là vô trách nhiệm của chủ đầu tư Việt Nam thì đối tác nào dám làm bừa.
Lại nói chuyện dự án, Bộ GTVT đã 2 lần đề xuất giảm vốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam từ 118.716 tỷ đồng xuống 102.513 tỷ đồng rồi còn 99.493 tỷ đồng. Vậy mà nhiều bộ, ngành vẫn bày tỏ lo ngại về mức độ chính xác của tổng vốn đầu tư dự án. Báo Tuổi Trẻ dẫn suất vốn đầu tư được Bộ Xây dựng công bố hồi tháng 1/2020, và cho rằng nếu tính theo suất vốn đầu tư này thì nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam hiện nay có vốn được phê duyệt vênh lên hàng ngàn tỷ đồng.
“Vênh lên hàng nghìn tỷ đồng” tức là có nguy cơ nhiều đồng tiền thuế của anh ngư dân, chị tiểu thương bị “hóa vàng” không thương tiếc.
Trong khi đó, Bộ GTVT cho biết đang tích cực phối hợp cùng… “để giải quyết những vấn đề thủ tục, cũng như những vướng mắc, sớm đưa nhân sự của Tổng thầu EPC và các đơn vị tư vấn quay lại Việt Nam nhằm triển khai các phần việc còn lại để hoàn thành Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông”. Còn bao giờ tàu chạy thì Bộ trưởng Bộ GTVT cũng chưa biết dù Bộ trưởng đã 2 lần đi thử và còn khen: “Đường sắt Cát Linh - Hà Đông êm hơn đường sắt quốc gia”, rồi cho biết: Người dân Hà Nội sẽ có tuyến đường sắt “rất tốt và hiện đại”.
Và rồi đường sắt trên cao mới chỉ chạy trên tivi.
Ngóng tàu hỏa trên cao “rất tốt và hiện đại” mãi cũng mệt, giờ cử tri cả nước chỉ còn quan tâm vậy thì trách nhiệm trong những dự án BOT đặt sai chỗ, đường sắt đội vốn… thuộc về ai. Không thể đổ lỗi cho “cơ chế” khi hàng chục nghìn tỷ đồng đã hoặc sẽ “chôn vùi” theo các dự án giao thông.