Xác định vị trí việc làm: Nâng cao chất lượng đội ngũ, tinh giản biên chế

Nguyên Khánh 04/06/2020 07:30

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức. Theo đó, đây là cơ sở để xác định chỉ tiêu biên chế, xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong quản lý biên chế và thực hiện tinh giản biên chế.

Đồng thời đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp có năng lực yếu qua việc phân loại, đánh giá hàng năm, góp phần giảm quy mô công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Xác định vị trí việc làm: Nâng cao chất lượng đội ngũ, tinh giản biên chế

Xác định vị trí việc làm một cách rõ ràng là thiết thực để giảm biên chế, gia tăng chất lượng công việc.

Căn cứ pháp lý để xác định vị trí việc làm trên phạm vi toàn quốc

Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, vị trí việc làm được phân loại theo khối lượng công việc; theo tính chất, nội dung công việc. Cơ quan, tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bộ, ngành, địa phương) căn cứ vào quy định trên và văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về vị trí việc làm để xây dựng đề án vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức mình, gửi cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức cán bộ của bộ, ngành, địa phương thẩm định và trình cấp có thẩm quyền quyết định. Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý.

Nghị định nêu rõ, biên chế công chức được xác định căn cứ vào: Vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm. Mức độ hiện đại hóa về trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin. Thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao. Đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương, ngoài căn cứ vào những điều ở trên còn phải căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Như vậy, việc ban hành Nghị định 62 này là để thống nhất việc xác định vị trí việc làm trên phạm vi toàn quốc, tránh chuyện địa phương làm, địa phương không làm. Ý nghĩa của công việc này nhằm sắp xếp lại đội ngũ công chức, viên chức; phát hiện những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các vị trí việc làm, các cơ quan, tổ chức; phục vụ hiệu quả cho hoạt động tuyển dụng, bố trí sử dụng, đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức, đánh giá quy hoạch cán bộ. Muốn xác định vị trí việc làm không chỉ xác định qua khối lượng, số lượng công việc phải thực hiện ở một vị trí nhất định trong tổ chức bộ máy mà quan trọng hơn là phải xác định được đặc điểm, đặc thù, tính phức tạp và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cần thiết để thực hiện công việc đó

Không thể tùy tiện xin thêm biên chế

Nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Lê Quốc Cường cho rằng, bản chất của việc xác định vị trí việc làm là xem xét trong một cơ quan, đơn vị có bao nhiêu vị trí việc làm và cần bao nhiêu người để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đó. Điều này sẽ giúp tuyển đúng người cho công việc. Vị trí việc làm có thể có một hoặc nhiều công việc, có tính thường xuyên, lặp đi lặp lại chứ không bao gồm những công việc thời vụ, tạm thời.

Việc xác định vị trí việc làm là một bước chuyển quan trọng trong công tác quản lý công chức, viên chức, từ hệ thống quản lý theo chức nghiệp sang quản lý trên cơ sở kết hợp tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm. Đây là một trong những điểm rất quan trọng, vì thông qua đó, chúng ta mới xóa bỏ hoàn toàn các cơ chế xin-cho biên chế, đồng thời phân định rõ ai là người làm việc tốt, ai làm chưa tốt. Qua đó, giúp cho việc tuyển dụng tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

Trả lời câu hỏi liệu xác định vị trí việc làm có giúp làm giảm biên chế đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hay không ông Cường cho biết, đích của xác định vị trí việc làm không chỉ dừng ở giảm biên chế, bởi khi mới xác định vị trí việc làm sẽ có đơn vị giảm biên chế nhưng cũng có đơn vị tăng. Tuy nhiên, về lâu dài biên chế sẽ giảm đi vì sẽ không có chuyện tùy tiện xin thêm biên chế vì đơn vị của anh đã ổn định với những vị trí cụ thể rồi, nếu muốn xin thêm người phải trả lời được câu hỏi vì sao. Đặc biệt khi đã có vị trí, có việc cụ thể rồi sẽ xác định được rất rõ ai là người không hoàn thành nhiệm vụ, đây là cơ sở để tinh giản biên chế cũng như yêu cầu chính công chức ấy phải tự nâng cao năng lực của mình để đáp ứng nhiệm vụ.

Thật vậy, sở dĩ trước đây biên chế cứ phình ra là bởi chưa xác định được khối lượng việc cụ thể ở mỗi đơn vị và có thể xảy ra việc xin và cho biên chế khiến người hưởng lương từ ngân sách tăng thêm. Sẽ không còn chuyện này trong tương lai khi mà Nghị định nêu rõ: Việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức được xem xét trong 2 trường hợp: Thứ nhất, cơ quan, tổ chức có thay đổi. Thứ hai, thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện. Do đó, sẽ không có chuyện biên chế tăng lên mà không có lý do chính đáng.

Nguyên Khánh