Đồng bộ vì một 'Việt Nam an toàn'
Ngành du lịch đang nỗ lực mở cửa trở lại các dịch vụ, từ hàng không đến khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, mở thêm những tour tuyến để thực hiện chiến lược phục hồi nền kinh tế ngay trong và sau đại dịch Covid-19. Song song với điều này, nhều hội nghị, hội thảo đã được tổ chức để tìm ra những giải pháp kích cầu du lịch nội địa, phục hồi du lịch quốc tế.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.
Cụ thể, ngày 22/5, hội nghị “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19” đã được tổ chức. Trước đó, ngày 16/5, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) và Tổng cục Du lịch đã phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức hội nghị “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt”; ngày 21/5, Tổng cục Du lịch tiếp tục phối hợp cùng Ban IV và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tổ chức hội nghị “Các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19”.
Tại các hội nghị này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần 4-6 tháng để ngành du lịch phục hồi. Nhưng ngay từ bây giờ, cần tiến hành đồng thời nhiều biện pháp. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng chia sẻ, 80% khách của ngành hàng không là khách du lịch. Theo ông Tùng, riêng thị trường nội địa, chúng ta nói nhiều về giảm giá, cam kết... nhưng mọi người phải đồng hành với nhau để không ai quá thiệt thòi. Bởi các doanh nghiệp nhỏ sẽ dễ phá sản nếu giảm giá sâu. Bên cạnh đó, ngành hàng không được coi là xương sống của ngành du lịch. “Chúng tôi luôn trông chờ vào hàng không. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm là lựa chọn ra trọng điểm, đối tượng cần hỗ trợ nhất để kiến nghị với Chính phủ. Chúng ta nên hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể thay đổi thị trường. Ngoài ra, những trường hợp đặc biệt cũng có thể báo cáo với Chính phủ”- ông Tùng cho biết.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được khống chế nhưng ngành du lịch vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để phục hồi ngành du lịch, theo ông Khánh, có rất nhiều việc cần phải làm. Riêng đối với thị trường du lịch nội địa, cần có tiếng nói và sự kết nối đồng bộ hơn nữa giữa các địa phương, điểm đến, các hãng hàng không, các công ty lữ hành, các chuỗi khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí để các chương trình kích cầu nội địa thực sự hiệu quả, hấp dẫn và mang lại tính cộng hưởng, lan tỏa rộng rãi đến với nhu cầu của khách du lịch.
Tổng cục trưởng cho rằng, đây là thời điểm mà các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nên chủ động thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường thông qua khởi tạo liên kết kích cầu du lịch nội địa với những gói sản phẩm khép kín, hấp dẫn, với giá ưu đãi, nhưng cũng rất linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu thường xuyên thay đổi của du khách. “Sự bắt tay hợp tác của các doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch chắc chắn tạo cú hích mạnh hơn, hiệu quả hơn, góp phần định hướng và khôi phục thị trường du lịch trong nước thời gian tới”- ông Khánh nhấn mạnh.
Đối với thị trường du lịch quốc tế, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một trong những quốc gia kiểm soát thành công dịch Covid-19 sớm nhất, được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Đến nay, đã hơn 30 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng và được truyền thông quốc tế thường xuyên nhắc tới, vì vậy ngành cần tranh thủ hiệu ứng truyền thông để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.
Khách du lịch xuống tàu tham quan vịnh Nha Trang.
Kích cầu du lịch biển
Trong tuần qua, nhiều địa phương đã tổ chức những chương trình kích cầu du lịch với nhiều thông điệp rõ ràng, hấp dẫn. Cụ thể, ngày 23/5, Sở Du lịch TP Đà Nẵng chính thức công bố Chương trình kích cầu du lịch “Đà Nẵng tri ân-Danang Thank You 2020”. Theo đó, chương trình diễn ra từ tháng 5 đến tháng 12 với các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi hấp dẫn, đảm bảo chất lượng nhằm mang lại nhiều hơn giá trị tăng thêm cho du khách với các nhóm dịch vụ gồm tour tham quan; lưu trú; ăn uống; mua sắm; vui chơi giải trí - khu điểm du lịch; chăm sóc sức khỏe; vận chuyển.
Cùng với việc tổ chức chương trình kích cầu du lịch, TP Đà Nẵng đưa vào hoạt động chính thức Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch TP Đà Nẵng, đây là hoạt động quan trọng của ngành du lịch, tạo động lực để thúc đẩy tăng tưởng, phát triển mạnh mẽ của du lịch thành phố sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trước đó, ngày 22/5, Sở Du lịch Khánh Hòa phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Du lịch Nha Trang-Khánh Hòa cũng đã công bố chương trình kích cầu ngành du lịch Khánh Hòa năm 2020. Chương trình kích cầu bao gồm các nội dung: Triển khai gói kích cầu du lịch; tổ chức gặp mặt kết nối các doanh nghiệp tham gia kích cầu du lịch tại Hà Nội và Hải Phòng; tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Nha Trang biển gọi” vào tháng 7; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về thương hiệu du lịch Nha Trang-Khánh Hòa; tổ chức chuỗi hội thảo về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tỉnh...
Được biết, hiện có 74 doanh nghiệp tham gia gói kích cầu ngành du lịch tỉnh với nội dung chung là giảm giá từ 20-50% cho du khách nhưng vẫn bảo đảm chất lượng dịch vụ, sản phẩm.
Minh Trang