Những lần gặp không thể nào quên
LTS: Đầu tháng 5 vừa qua, tập hồi ký “Những người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã được xuất bản bằng tiếng Việt (dịch giả: Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Văn Minh, hiệu đính: Nguyễn Xuân Hòa). Tập hồi ký do Giáo sư - Tiến sĩ V.P. Buianov - Chủ tịch Hội Hữu nghị Liên bang Nga – Việt Nam, làm Tổng chủ biên, bao gồm 17 hồi ký của các tướng lĩnh, những nhà hoạt động cách mạng, những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của nước Nga, những người đã từng được làm việc, gặp gỡ, tiếp xúc và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của Người.
Dưới đây chúng tôi trích đăng một phần hồi ức trong cuốn sách, tác giả của bài viết này, ông Evgheni Glazunov – nguyên là tuỳ viên Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Hữu Nghị Nga – Việt, ông đã qua đời năm 2019.
Tôi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu là vào tháng tám năm 1962, ngay trong năm đầu tiên tôi tới Việt Nam trong buổi gặp gỡ giao lưu quốc tế với các chuyên gia nước ngoài, đang làm việc tại Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong thời gian đó.
Cuộc gặp gỡ diễn ra tại Câu lạc bộ Quốc tế (thời đó Câu lạc bộ này đã có, nằm không xa quảng trường Ba Đình dành cho các chuyên gia nước ngoài làm việc ở Việt Nam gặp gỡ). Buổi gặp này nhân dịp kỷ niệm 17 năm Cách mạng tháng Tám thành công và khai sinh nước Việt Nam độc lập. Đã thành lệ, những cuộc gặp như vậy là một truyền thống tốt đẹp được diễn ra hàng năm, và thường có mặt đông đủ các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Đại diện của cơ quan ngoại giao lúc đó hãy còn chưa đông lắm.
…Hồ Chí Minh ngồi ở hàng ghế Đoàn Chủ tịch. Các cơ quan ngoại giao chúc mừng các nhà lãnh đạo nhà nước và nhân dân Việt Nam nhân dịp ngày lễ. Nhiều người phát biểu bằng tiếng nước mình thông qua phiên dịch, nói thêm dăm ba từ tiếng Việt, được đón chào bằng những tràng vỗ tay và tiếng tán thưởng trong phòng.
Và một trong những cử tọa, một chuyên gia Xôviết quyết định trình làng bằng khả năng ngôn ngữ của mình, nói lời chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng sai ngữ điệu (mà đó là điều rất quan trọng trong tiếng Việt). Những người nước ngoài thì không biết tiếng nhưng đoán được ý người phát biểu muốn nói, vỗ tay hoan hô, nhưng phần đông những người Việt có mặt tại đó bật cười .
Hồ Chí Minh đứng dậy khỏi ghế và bước tới cử tọa đang đứng ở bục phát biểu, vui vẻ nói bằng tiếng Nga “Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa muốn ngủ”. Nhiều người nước ngoài ngồi trong phòng biết tiếng Nga cười vui vẻ, và vỗ tay nồng nhiệt. Nhân đây cũng phải trình bày thêm để bạn đọc hiểu được những gì đã diễn ra. Chuyện ở chỗ, là trong tiếng Việt nhiều âm điệu, và khi phát âm không chuẩn về âm ngữ đưa đến hiểu sai ý của từ hoặc câu nói. Ở đây vận vào trường hợp đó. Khi nói từ “muôn năm” phát âm không chuẩn, lệch sang từ “muốn nằm”, mà Hồ Chí Minh đã pha chút tiếu lâm dí dỏm bình luận.
Như vậy, tôi lần đầu tiên được mục kích điều mà trước đây tôi đã đọc hoặc nghe các đồng chí Việt Nam nói - Hồ Chí Minh thực sự là một con người lôi cuốn hấp dẫn, thích những chuyện đùa vui, giản dị trong giao tiếp với mọi người và đồng thời luôn tôn trọng người đối thoại. Về điều này tôi được chứng kiến không chỉ một lần trong những buổi gặp gỡ trực tiếp cùng Hồ Chủ tịch.
Ai đã từng làm việc ở vùng nhiệt đới, không phải một tuần hai tuần, mà là một hai năm hoặc hơn nữa, không có điều hoà chỗ làm việc, trong nhà, trong xe (nếu đóng cửa xe thì ngột ngạt, nếu mở cửa xe thì gió không mát mẻ gì mà hun như gió lào khô nóng, thì người ấy sẽ nhớ mãi những cảm giác nặng nề trong lò hấp cả ngày đêm, liên tục trong cả thời kỳ nóng bức khoảng nửa năm (với kiểu tính đếm đầy lạc quan). Những ngày đó thì áo com lê, áo sơ mi đều chẳng ai muốn mặc. Vì vậy nên suốt trong những ngày tháng đó những người châu Âu thường chỉ mặc quần sooc và áo sơ mi trắng cộc tay.
Trong điều kiện như vậy nên chúng tôi rất vui mừng và tri ân sâu đậm khi vào mùa xuân năm 1963 nhận quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thay đổi phục sức trong ngoại giao tại sở tại. Bắt đầu từ ngày mồng một tháng tư đến ngày mồng một tháng mười sẽ thực thi phong cách ăn mặc đơn giản hơn, đối với các nhà ngoại giao trong cuộc sống thường ngày và trong cả các buổi lễ trọng, kể cả cấp nhà nước lúc gặp Hồ Chủ tịch, những cán bộ ngoại giao có thể mặc áo sơ mi ngắn tay cổ bẻ, áo để ngoài quần. Cách ăn vận đơn giản dành cho cả phụ nữ, không thành quy tắc bắt buộc là phải mặc váy đầm trong các buổi gặp gỡ chính thức.
Bình luận về quyết định này của Hồ Chủ tịch, một số nhà ngoại giao phương Tây giải thích rằng, bởi sự nghèo túng của những cán bộ Việt Nam, những người có trách nhiệm phải có mặt trong các buổi chiêu đãi ngoại giao, không có điều kiện sắm sửa cho mình dù là một bộ quần áo đúng kiểu. Cũng có thể đó là nguyên nhân của sắc lệnh, tôi không rõ nữa, nhưng chỉ nhớ một điều là các nhà ngoại giao châu Âu cũng cảm ơn Hồ Chí Minh về quyết định đầy tính dân chủ, một quyết định thấu tình người, khắc phục những khó khăn cho họ. Thật vậy, quan tâm đến con người luôn là một nét đặc biệt của Hồ Chí Minh.
Về quyết định này của Hồ Chủ tịch tôi bỗng nhiên nhớ lại, vào tháng bảy năm 1996 tôi đi công tác đến Việt Nam cùng với các đồng chí Việt Nam long trọng kỷ niệm 15 năm tiến hành thành công của Liên doanh khai thác dầu khí “Việt Xô PETRO”. Thả bộ dưới ánh mặt trời nóng bỏng nửa ngày trên đường phố Vũng Tàu, trong tâm tưởng tôi một lần nữa nói lời tri ân to lớn với Hồ Chí Minh vì quyết định của ông. Áo sơ mi trắng mỏng khi có gió nhè nhẹ đã mang lại sự mát mẻ lạ lùng.
Năm 1962 hay 1963 (bây giờ tôi không nhớ nữa, còn trong sổ tay, chỉ ghi ngày mồng 2 tháng chín, không ghi năm) tại vườn cây Phủ Chủ tịch tổ chức chiêu đãi trọng thể cấp nhà nước, nhân ngày Quốc khánh. Tại đó, nếu tôi nhớ không nhầm thì buổi chiêu đãi như vậy tổ chức chỉ có một lần.
...Khách mời nhiều, bàn ghế soạn đặt ngay dưới tán cây trong vườn. Đúng giờ, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đứng đầu là Hồ Chủ tịch xuất hiện tại bàn chính, theo sau là các nhà lãnh đạo của các cơ quan ngoại giao.
Hồ Chí Minh mời khách khứa ngồi vào bàn. Ông nói với khách bằng tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, ngay lập tức tạo nên một không khí hữu nghị, thoải mái.
Sau những lời mời rượu chính thức các nhà lãnh đạo Việt Nam cầm cốc và theo truyền thống dân tộc đi chúc tụng từng bàn một.
Chúng tôi, cán bộ Sứ quán, tác giả những dòng này, và phóng viên thường trú TACC tại Việt Nam, một người đàn ông cao lớn, một gã thợ săn có hạng (tôi được biết, anh ấy là người nước ngoài duy nhất được cho phép theo chu kỳ đến vùng núi rừng Tam đảo, cách Hà nội gần 100 km, để đi săn một loại gà rừng rất đẹp, kêu “kokoko” chạy lẩn giữa những đám cỏ cao). Chúng tôi đứng cạnh bàn, phần thì trong tầm nhìn của đại sứ, khi ông ra hiệu thì phải đến ngay chỗ ông ấy, phần thì nghe chuyện đi săn từng trải của người này. Cuối chiều mát mẻ, tiệc chiêu đãi vui cũng đã gần kết thúc. Các cốc rượu đã cạn đặt trên bàn. Chúng tôi đang đợi hiệu lệnh kết thúc buổi tiệc, bỗng nhiên Hồ Chí Minh cùng các cán bộ bước tới bàn chúng tôi.
Chúng tôi, nói thật, hơi bối rối, nhưng cũng cầm cốc lên để đón lời mời rượu. Hồ Chí Minh cầm cốc rượu vang đến chỗ chúng tôi, chào hỏi, quan tâm đến công việc của chúng tôi và đề nghị uống rượu mừng chiến thắng của cách mạng Tháng Tám, vì tình hữu nghị Việt-Xô. Tôi rơi vào tình trạng khó xử, bởi vì cốc của tôi đã cạn. Phát hiện ra điều đó, Chủ tịch nói đùa rằng các thanh niên luôn luôn nóng vội, và đề nghị san sang cốc tôi một phần từ cốc của ông. Ban đầu tôi chối từ. Hồ Chí Minh hỏi tôi:
- Chức vụ của anh tại đại sứ quán là gì?
- Là nhân viên mới ạ!
- Còn tôi, ông nói – là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Mà anh thì cần phải tuân lệnh của Chủ tịch nước (xin nhấn mạnh, toàn bộ câu chuyện nói bằng tiếng Nga).
Tôi thật sự ngỡ ngàng, và trong những tiếng cười của những người đi theo Hồ Chủ tịch và những người đồng hương, tôi đưa cốc ra. Hồ Chí Minh san sang cốc tôi một ít và tất cả đều cạn chén vì Đại lễ của Việt Nam, vì sức khoẻ của Hồ Chủ tịch.
Ngày hôm sau cả Đại sứ quán được biết về tình tiết đó, và ngài Đại sứ của chúng tôi X.A. Tovmaxan (thời điểm đó tôi ngồi ở phòng khách của Đại sứ ghi chép) còn cười trêu tôi mãi, và phóng viên thường trú TACC hứa hẹn sẽ chuyển về Matxcova câu chuyện giữa tôi và Hồ Chủ tịch. Mà Hồ Chí Minh trong những lần gặp sau đó, khi tôi tháp tùng Đại sứ đến gặp, đôi khi cũng đùa về chuyện này.
Còn tôi lúc đó và bây giờ vẫn cho rằng, thật sự, cần phải nghe lời và thực hiện ý kiến của vị Chủ tịch nước anh minh.
Trong những năm tháng xa xôi đó, trong phòng khách của Sứ quán Liên Xô có điện thoại nối trực tiếp với văn phòng Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (toà Sứ quán toạ lạc trên đường Trần Phú, cách không xa quảng trường Ba Đình). Không ít khi tiếng chuông điện thoại reo từ dinh văn phòng Chủ tịch nước, điều đó đối với chúng tôi có nghĩa là, Hồ Chí Minh đề nghị mời ngài Đại sứ Liên Xô tới gặp. Tiếng chuông reo có thể ban ngày có thể buổi chiều. Khi có điện thoại (thường là trợ lý của Hồ Chủ tịch, đồng chí Vũ Kỳ gọi), tôi ngay lập tức báo với Đại sứ, và ông dừng ngay các công việc khác, đến Phủ Chủ tịch đúng giờ.
Các buổi nói chuyện với Hồ Chí Minh thường bắt đầu hay kết thúc bằng việc xem bộ phim thời sự ngắn, hoặc đi cùng với các trẻ em Việt Nam. Cũng thường có buổi uống trà tâm sự. Trong trường hợp thứ nhất chúng tôi thường xem phim thời sự quốc tế hoặc những thước phim về đời sống Việt Nam với trẻ em bao quanh chúng tôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu trẻ em. Trẻ em thường là khách thường xuyên của Hồ Chủ tịch. Trong trường hợp thứ hai, chúng tôi uống trà cũng với những cộng sự hoặc trợ lý của Hồ Chí Minh. Thường thì có đồng chí Phạm Văn Đồng, cùng với Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam, phụ trách mảng quan hệ với Liên Xô (nếu tôi nhớ không lầm tên ông ấy là Hoàng Lượng) và trợ lý của Bác, người bạn vong niên của tôi, Vũ Kỳ.
Về một buổi thưởng trà như vậy tôi muốn kể ở đây. Lần này thì bữa mời trà không phải tại Phủ Chủ tịch, nơi thường tiến hành các cuộc chiêu đãi chính thức các quan chức cao cấp ngoại giao, mà tại ngôi nhà nhỏ trong công viên, trước đây là nhà của một thợ làm vườn, còn bây giờ thì Hồ Chí Minh sống tại đó. Nghe chừng những câu chuyện chính đã xong, sau bữa trưa là những câu chuyện tâm tình của mọi người. Họ bàn luận về tình hình Miền Nam và quan hệ Xô- Việt. Người phiên dịch lúc đó gọi là quay như chong chóng, chuyển tải câu hỏi và câu trả lời từ người này đến người khác.
Thỉnh thoảng, dừng câu chuyện, những thực khách chú ý vào đĩa thức ăn của mình. Hồ Chí Minh quay sang tôi và hỏi bằng tiếng Việt rằng, tôi học tiếng Việt ở đâu.
Tôi theo thói quen dịch câu hỏi cho Đại sứ. Nhưng Hồ Chủ tịch ngưng tôi lại và bảo câu hỏi này dành cho tôi và sau ông sẽ trực tiếp dịch cho Đại sứ.
Tôi trả lời ông, là tôi học tiếng Việt tại MGIMO (Trường Quan hệ Quốc tế Matxcova) thuộc Bộ ngoại giao. Chủ tịch ra câu hỏi thứ hai. Tôi trả lời, nhưng cũng lo lắng khi thấy ngài Đại sứ, không hiểu gì, nên lúc thì nhìn tôi, lúc nhìn Hồ Chủ tịch; còn các đồng chí Việt Nam khác thì nghe câu chuyện và vui cười. Hồ Chí Minh còn hỏi tôi vài câu nữa, tôi trả lời, nhưng thầm nghĩ rằng, hôm nay Đại sứ sẽ cạo tôi vì câu chuyện giữa tôi với Chủ tịch nước một quốc gia.
Chủ tịch đùa hỏi tôi thêm câu gì nữa, sau đó quay sang Đại sứ và nói bằng tiếng Nga:
- Đừng giận, đồng chí Đại sứ ạ, đơn giản tôi ra bài thi nho nhỏ cho phiên dịch của anh thôi.
- À ra thế - với sự thoải mái, Đại sứ trả lời - Kết quả thế nào? Theo ông trình độ tiếng Việt của anh ấy ra sao?
- Không tồi, không tồi! Nhưng điểm năm thì chắc tôi không cho. Đọc sách tiếng Việt chưa nhiều, và đúng thế, cách phát âm tiếng Việt chúng tôi đóng vai trò rất quan trọng, người châu Âu rất khó nắm bắt. Nhưng người phiên dịch cần hoàn thiện khả năng của mình - quay sang tôi, Hồ Chí Minh kết luận.
Tôi cảm thấy không thoải mái lắm, nhưng đón nhận nhận xét của Hồ Chí Minh như là nhận điểm cao của kỳ thi.
Trên đường về nhà, Đại sứ nói với tôi trong xe, như người ta nói, để phòng trừ ý kiến nhận xét của mình, nhưng cũng hơi lạ, rằng Hồ Chí Minh chưa kiểm tra trình độ tiếng Việt của một ai trong số phiên dịch Liên Xô. Chắc là hôm nay ông tinh thần phấn chấn, có nghĩa là, buổi gặp gỡ chuyện trò hôm nay kết quả tốt. Ta sẽ viết như vậy gửi về Matxcova.
Đại sứ viết gì thì tôi không được biết, nhưng lần kiểm tra của Hồ Chí Minh về kiến thức tiếng Việt của tôi thì tôi suốt đời không quên.