Họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng: Sự tử tế đôi khi đơn giản rất nhẹ nhàng
Những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, bên cạnh vẻ đẹp của những đóa hoa biến ảo đầy màu sắc lung linh trong nắng mai vẫn còn nhiều cảnh tượng hoang mang nơi mộ huyệt. Trong hành trình nghệ thuật kéo dài hơn hai mươi năm, từ trình diễn, sắp đặt cho đến hội họa giá vẽ, anh không ngừng tìm kiếm, trở trăn về sự tử tế trong kiếp nhân sinh con người:
Họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng.
“Ngay khi một bông hoa đang nở thì cũng với nó sự héo tàn đang chực chờ và ngay khi một người vừa chết đi thì ở đâu đó có tiếng trẻ khóc chào đời...
Mọi luân chuyển của đời sống đều cần thiết và có ý nghĩa nào đó thông qua cách mà chúng tương tác và kết nối với nhau, ngay cả khi bạn nhận ra hay không nhận ra nó.
Tôi đã vẽ những bức tranh mà trong đó có cảnh tượng như đám tang hoặc quan tài, nhiều người nhìn vào đó có thể thấy sợ hãi... Nhưng với tôi khi nhìn vào nó, tôi thấy mình sáng suốt và bình an, nó giúp tôi trân trọng hơn từng khoảnh khắc được sống trọn vẹn trong thực tại.
“Hoài nghi”! Chính sự “hoài nghi” là yếu tố quan trọng nhất để tôi hình thành nên nghệ thuật của mình.
Mọi câu hỏi về nhân sinh trong toàn bộ tiến trình lịch sử của nhân loại hay đối với một sinh mệnh sống... thật kì lạ là luôn bị bỏ lửng ở một đoạn nào đó, và tôi chỉ việc “hoài nghi” về nó. Bằng sự “hoài nghi” ấy tôi nhận ra các ý tưởng, và cuối cùng thì chỉ là cách mà tôi hành xử đối với những ý tưởng đó như nào mà thôi! Tôi không cần phải cố gắng để gây ra sự ám ảnh nào đó qua các tác phẩm của mình, chúng đến với tôi và tôi đi qua chúng kiểu như một duyên nợ nào đó cần được hoá giải vậy! Xong là thôi, ai ám ảnh thì ám ảnh, ai không ám ảnh thì thôi, tôi khá nam tính đối với cuộc đời và với cả nghệ thuật của mình. Tôi là một đàn ông - vẽ!”
Cuộc đời thật nhàm chán và đơn điệu khi con người thiếu hụt những kết nối giao tiếp hay yêu thương, tôi lúc nào cũng nghĩ đến những kết nối đó, dù trong đau khổ hay sợ hãi vẫn che chở hay ôm siết lấy nhau chứ không chỉ gần gũi trong bình yên.
Đó là lý do tôi từng làm những tác phẩm kết nối con người với nhau, tình người với nhau.
Rất ít người trong chúng ta biết cách sống trọn vẹn từng khoảnh khắc của thực tại một cách sâu lắng nhất, do đó chúng ta luôn lằng nhằng giữa các khái niệm và mâu thuẫn trong tiếp nhận, nói chung quá đông và khó xử. Tôi chỉ có thể nhận ra sự tử tế của chính mình thông qua cái mà tôi có thể kiểm soát, như tình yêu đối với công việc, niềm vui và hạnh phúc đối với bạn bè và gia đình, những gì có thể chia sẻ và giúp đỡ nhau.
Qua đó ta nhận thấy, sự tử tế của một người không chỉ phụ thuộc vào cách anh ta “cho là”, mà còn tuỳ thuộc vào cách mà người khác “tin là”.
Ai đó mỉm cười khi thấy bạn, một cái bắt tay hay những câu chào hoặc lời hỏi han... đó là những tử tế sơ đẳng luôn cần trong biểu hiện của cuộc sống xung quanh, chẳng việc gì bạn phải từ chối nó, đôi khi sự tử tế không nhất thiết là một cái gì đó phải hệ trọng, mà đơn giản và rất nhẹ nhàng...
Tôi đề cao tính trung thực, đó là một đức tính cần thiết để bạn nhận biết về một người tử tế, thiếu đức tính này, bạn không sẽ không có được những tình bạn tốt đẹp hay một cuộc sống hạnh phúc. Một người trung thực với công việc sẽ đón nhận được uy tín tốt và triển vọng cao hơn trong công việc đó. Một người trung thực trong tình cảm sẽ nhận được nhiều hơn sự quan tâm và niềm vui nơi người khác...
Đại khái, muốn làm người tử tế và mong được nhận lại sự tử tế, trước hết bạn phải là người trung thực.
Tôi yêu công việc và gia đình của mình, tôi cũng luôn trân trọng những mối quan hệ bạn bè, luôn vui vẻ và gần gũi nhưng cũng có lúc hơi bột phát và bực tức vì có lúc mới quen ai đó, chưa hiểu được nhau nên dễ sinh ra các mâu thuẫn, đó cũng là chuyện bình thường, biết vậy nên tôi cũng dễ quên và bỏ qua...
Những người làm cha làm mẹ cũng phải học cách cư xử tử tế với con cái, bằng cách đó họ trở thành tấm gương mà qua đó con cái cũng phải học cách cư sử tử tế lại với họ. Chẳng hạn, khi đón con đi học về, thay bằng hỏi chúng hôm nay được điểm tốt không thì tôi sẽ hỏi: “Hôm nay học có vui không”. Rất hiếm khi tôi hỏi con tôi về điểm học, bởi ở lứa tuổi đang phát triển về thể chất một cách toàn diện, những áp lực học hành cũng chỉ là một phần trong sự phát triển đó, nó không phải là tất cả, chúng cần được vui vẻ và khỏe mạnh nữa...
Có nhiều khi sự tử tế ấy có bị chạm vào những nghi ngờ. Sự nghi ngờ là bản tính sẵn có trong mỗi con người, với bất kì ai, chẳng qua chỉ là nhiều hay ít. Về cơ bản, bạn không thể làm hài lòng được tất cả mọi người!
Đặc biệt trong nghệ thuật, có những tác phẩm nhận được những lời đồng tình ngay lập tức, nhưng có những tác phẩm cần có thời gian để mọi người có thể hiểu về nó, bạn không thể lúc nào cũng muốn người khác có thể hiểu ngay về chúng... Đôi khi bạn còn phải hứng chịu những lời chỉ trích hay nặng hơn là lăng mạ, bạn cũng phải hết sức bình tĩnh tìm cách giải thích hợp lý nhất có thể, những xung đột bộc phát thường sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt đẹp cho lắm,... tôi phần nào có được nhiều những bài học về điều đó. Thật khó để có thể nhận ra một ai đó là hoàn hảo bởi chúng ta đa phần vẫn còn những tự ái cá nhân và chấp trước khi phải đối diện với cuộc sống và công việc hàng ngày! Hạn chế được phần nào hay phần đó!
Trong môi trường nghệ thuật, sự đố kị hay ghen tị hoặc bất đồng quan điểm nghệ thuật và hơn nữa là sự “bạc bẽo” không hề ít cho bất cứ hành trình nghệ thuật của một nghệ sĩ nào. Nhưng nói chung là tôi cũng rất dễ quên vì tôi biết rằng những gì tôi đang làm còn quan trọng hơn và còn bao nhiêu những người đáng để tôi quan tâm hơn là cứ giận một ai đó mãi.
Nếu nói cuộc đời là một hành trình thì những gì bạn trải qua cũng giống như một bức tranh, không phải lúc nào bạn cũng có được những bức tranh hay, đôi khi để có được những bức tranh hay, bạn phải chấp nhận phá huỷ hay vứt bỏ và trải qua những bức tranh dở, con người cũng vậy, để có được những người tốt quanh bạn, đôi khi bạn phải đấu tranh với những người xấu hoặc bỏ qua họ... Sau mỗi lần đó bạn cũng sẽ tự tin, mạnh mẽ và trưởng thành hơn!
Để sự tử tế ngày càng nhiều hơn trong cuộc sống của chúng ta, mỗi người hãy sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc thực tại của họ thông qua từng hành động cụ thể, và quan trọng hơn là: can đảm, yêu thương và biết cách tha thứ!
Người Việt thường có thói quen xấu là che đậy và lẩn tránh, sự tử tế từ đó sẽ lu mờ. Cách tốt nhất là muốn sự tử tế ngày càng nhiều hơn thì phải thẳng thắn hơn, trung thực hơn. Tôi gọi đó là: “Dám nghĩ, dám làm, dám nói thẳng, không sợ hãi và dám nhận sai, cũng như luôn phải biết tha thứ”.