Hành trình điều trị bệnh nhân 91: Kỳ tích của y khoa Việt Nam
Với nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ, điều kỳ diệu đã đến với bệnh nhân 91 (phi công người Anh mắc Covid-19). Trải qua gần 80 ngày điều trị, đến nay bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, khả năng phục hồi khoảng 50%. Nhiều người cho rằng, điều này là một kỳ tích của y khoa Việt Nam.
Các y bác sĩ đã nỗ lực chiến đấu và chiến thắng đại dịch Covid-19.
Bệnh nhân đặc biệt
Ngày 4/6, Tiểu ban Điều trị và Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã tổ chức cuộc hội chẩn 3 miền trong cả buổi sáng và buổi chiều để tiếp tục có phương án điều trị tốt nhất cho nam bệnh nhân 91.
Bệnh nhân 91 là bệnh nhân mắc Covid-19 trong tình trạng nặng, nguy kịch duy nhất ở nước ta hiện nay. Nam phi công này có yếu tố béo phì, bị phản ứng miễn dịch dữ dội, rối loạn đông máu nặng, các bác sĩ đã phải đặt mua thuốc từ nước ngoài về điều trị. Bệnh nhân cũng từng được Hội đồng chuyên môn dự định cho ghép phổi. Bệnh nhân đã trải qua quá trình điều trị tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18/3- 22/5; sau đó chuyển qua Khoa Hồi sức tích cực –BV Chợ Rẫy từ chiều muộn ngày 22/5 đến nay.
Nhớ lại những ngày đầu điều trị, Điều dưỡng trưởng Phạm Thị Tuyến- Khoa Nhiễm D, BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh nhân 91 khá đặc biệt bởi thời điểm mới nhập viện bệnh nhân tỏ ra khó chịu, không ăn uống, không chịu hợp tác với đội ngũ y bác sĩ. Bệnh nhân từ chối không sử dụng suất ăn bệnh viện cung cấp do đồ ăn Việt Nam có nhiều gia vị, nhân viên y tế BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh phải tìm đủ mọi cách như giảm bớt gia vị, đặt đồ ăn bên ngoài… nhưng bệnh nhân này vẫn không chịu ăn, kể cả uống sữa.
“Mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân 91 rất khó khăn. Dù lấy mẫu phết mũi hay lấy máu, bệnh nhân đều không hợp tác. Chúng tôi phải thuyết phục rất nhiều lần”- chị Tuyến kể lại.
Sau những cố gắng của các nhân viện y tế, bệnh nhân bắt đầu cởi mở hơn, hợp tác hơn với công tác của các y bác sĩ, thì cũng là lúc tình trạng bệnh nhân trở nặng.
Bệnh nhân 91 đã có thể mỉm cười chào bác sĩ.
Giành giật sự sống
Bác sĩ chuyên khoa II (BSCKII) Nguyễn Thanh Trường- Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Bệnh nhân rối loạn đông máu, tràn khí màng phổi, kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 lúc âm tính, lúc dương tính, đảo chiều liên tục. Không ít đêm các y bác sĩ phải thức trắng. Chưa có bệnh nhân nào, bệnh viện phải 3 lần thay màng ECMO…
BS Nguyễn Thanh Phong- Trưởng Khoa Nhiễm D, BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh nhớ lại, trong quá trình điều trị, có quá nhiều tình huống xảy ra liên tiếp trên cùng một bệnh nhân ở một khoảng thời gian ngắn khiến các y, bác sĩ không ít lần “đứng tim”.
“Tất cả những kỹ thuật hiện đại nhất, tối tân nhất của hồi sức cấp cứu đều được áp dụng cho bệnh nhân này chỉ với một mục đích duy nhất: Không để bệnh nhân tử vong”- BS Nguyễn Thanh Phong cho hay.
Khi nguy hiểm nhất, phổi của bệnh nhân 91 bị tổn thương tới 90%. Tại cuộc hội chẩn liên viện về trường hợp của bệnh nhân này diễn ra chiều ngày 12/5, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ giao cho Trung tâm Ghép tạng quốc gia, BV Hữu nghị Việt Đức làm các thủ tục để chuẩn bị tiến hành ghép tạng cho bệnh nhân. Ông Nguyễn Trường Sơn thống nhất với ý kiến của các chuyên gia về bệnh nhân 91 có chỉ định ghép phổi vì tổn thương phổi của bệnh nhân đã chiếm 90%. Tuy nhiên, để có thể ghép được, bệnh nhân phải được đánh giá lại tình trạng nhiễm trùng; nuôi cấy, xác định sự tồn tại của virus SAR-CoV-2 trong cơ thể. Khi khẳng định “sạch” virus, bệnh nhân sẽ được chuyển sang BV Chợ Rẫy để chuẩn bị ghép phổi.
Bệnh nhân phục hồi hơn 50 %
Trong 10 ngày liên tiếp tính đến ngày 22/5, với sự nỗ lực hết sức mình của các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, sức khoẻ bệnh nhân 91 được cải thiện một cách không ngờ với các dấu hiệu sinh tồn ổn định, 30% phổi được hồi phục.
Cây “gậy” trong cuộc chạy đua được chuyển giao cho các bác sĩ tại BV Chợ Rẫy khi bệnh nhân 91 được chuyển sang điều trị tại đây vào chiều ngày 22/5. Kỳ tích vẫn được viết tiếp khi sáng ngày 4/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn- Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo, hiện nay bệnh nhân 91 tỉnh, phản xạ ho mạnh hơn, sức cơ chi trên 3/5, chi dưới 1/5, cơ hoành phải hoạt động mạnh hơn; chức năng thận đã dần hồi phục. Bệnh nhân đã ngưng sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo) sáng ngày 3/6. Đến thời điểm này khả năng phục hồi phổi của bệnh nhân đã đạt khoảng 50%.
Niềm vui nhân lên, khi chiều ngày 4/6, tại cuộc họp hội chẩn 3 miền mới nhất về tình hình sức khoẻ của bệnh nhân 91, đại diện BV Chợ Rẫy thông tin, kết quả chụp XQ phổi của bệnh nhân 91 tiếp tục được cải thiện. Vùng sáng (thông khí) cải thiện nhiều, đặc biệt phổi trái đã thông khí hơn 50%, phổi phải hơn 8%. Kết quả CT-ngực và bụng cho thấy các tổn thương bình thường. Bệnh nhân hiện đang thở máy áp lực.
Thông tin từ BV Chợ Rẫy cũng cho hay, sau 2 tuần được điều trị tích cực tại đây, điều kỳ diệu là phi công người Anh cho đến hiện tại đã thực hiện tốt nhiều y lệnh, đang học cầm ly nước uống, rất hợp tác khi được điều trị vật lý trị liệu, thậm chí phi công người Anh đã có thể mỉm cười, gật đầu, lắc đầu và giao tiếp với các bác sĩ và nhân viên y tế tại Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy.
Về hướng điều trị trong những ngày tới, BV Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia cepacia (một trong những tác nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm) và phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới.
BSCKII Trần Thanh Linh- Phó khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy chia sẻ: Bệnh nhân sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp. Dinh dưỡng cũng phải đảm bảo để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục. Đồng thời cân bằng đầy đủ rối loạn nước điện giải để tránh nguy cơ tổn thương thận có thể tái phát.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị cho rằng, với những bệnh nhân khác thì những tiến triển nhỏ về sức khoẻ đó là bình thường nhưng với bệnh nhân 91 là một nỗ lực lớn, là sự tiến bộ lớn của cả “team” điều trị và Hội đồng chuyên môn cũng như các chuyên gia đã cố gắng chăm sóc, điều trị, đưa ra phương án điều trị bệnh nhân phù hợp với từng giai đoạn sức khoẻ.
“Đây là một nỗ lực phi thường, bởi chúng ta đã có những lúc bi quan, nhưng đến hôm nay bệnh nhân đã có những ánh mắt, nụ cười như một lời động viên, khích lệ các thầy thuốc, các chuyên gia tiếp tục cố gắng, cống hiến sức lực để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất. Cái gì tốt nhất cho người bệnh thì chúng ta cố gắng triển khai và làm tốt nhất”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Hàng chục ngày tháng nỗ lực vì người bệnh- như lời của BS Nguyễn Thanh Phong: “Có khi tôi không để ý hôm nay là thứ mấy, ngày mấy vì hầu như ai cũng phải làm thêm giờ, túc trực bệnh viện thường xuyên, bất kể cuối tuần, hay buổi đêm”, và mặc dù chưa thể lạc quan quá mức về tình trạng sức khoẻ của người bệnh, song đối với các y bác sĩ của BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và BV Chợ Rẫy, họ luôn tâm niệm rằng việc cứu sống bệnh nhân và nhìn thấy bệnh nhân được bình phục từng ngày là mong muốn, cũng là niềm vui lớn nhất. Điều đó còn hơn cả những đóa hoa hay lời cảm ơn từ bệnh nhân mà các y bác sĩ nhận được.