Nuôi cá trong lòng hồ
Hồ Cần Đơn nằm trên địa phận huyện biên giới Bù Đốp (Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) và tiếp giáp Campuchia. Hồ là nơi tích trữ nước của sông Bé, sông Măng, sông Đăk Quýt và hàng chục con suối lớn nhỏ. Với diện tích mặt nước 19,2 km2, trong những năm qua hàng chục hộ dân đã nuôi cá lồng bè, có được lợi nhuận kinh tế cao.
Nuôi cá lòng hồ thu lợi nhuận cao.
Nhiều hộ nuôi cá trong lòng hồ Cần Đơn cho biết, nuôi cá thu được nhiều lợi nhuận hơn so với đánh bắt cá trong tự nhiên. Ví dụ, với 5 lồng bè cá lăng (9 m2/lồng), sau hơn 1 năm có thể thu lãi gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, vốn bỏ ra để đầu tư lồng bè, cá giống… là khá lớn, nhiều bà con phải vay ở nhiều nguồn khác nhau.
Được biết, nuôi cá trong lồng có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, nuôi đạt mật độ cao; đặc biệt nguồn nước luôn lưu thông nên thuận lợi cho cá phát triển. Nhờ tận dụng nguồn thức ăn có trong tự nhiên nên người nuôi cá cũng giảm được nhiều chi phí.
Cũng ở Bình Phước, nhiều hộ gia đình sống ven lòng hồ Thác Mơ (thị xã Phước Long) cũng đã tiến hành nuôi cá lồng bè từ nhiều năm nay. Một gia đình nuôi cá ở đây cho biết, đã phát triển được 45 lồng cá (9 m2/lồng) các loại gồm cá lóc, lăng, chép… Mỗi năm, anh Giàu xuất ra thị trường hàng chục tấn cá thương phẩm với nhiều lợi nhuận trang trải tốt cho cuộc sống.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, để phát huy hết tiềm năng, ngành nông nghiệp địa phương sẽ tiếp tục tập trung quy hoạch vùng thủy sản, chú trọng phát triển, khuyến khích người nuôi xây dựng vùng nuôi tập trung, thay đổi tập quán nuôi thủy sản nhỏ lẻ theo lối quảng canh, bán thâm canh sang đầu tư thâm canh, từ các loại cá truyền thống sang các loại cá thương phẩm có giá trị. Đồng thời sẽ đẩy mạnh các chương trình tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay cho người nuôi cá để họ đầu tư, mở rộng diện tích nuôi thả.
Tại xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn), người dân cũng có nhiều hình thức nuôi cá, trong đó có hộ vào tận trong rừng làm trang trại, làm ao nuôi cá. Ao nước vốn ban đầu chỉ là một khe nước, nhưng được đắp đập giữ nước, từ đó mà thành ao. Từ đó đầu tư để ngày một mở rộng thêm: ao nhỏ thì để ương cá giống, ao lớn nuôi cá thương phẩm. Xung quanh ao trồng cây ăn quả, một công đôi việc nên có lãi lớn.
Ở tỉnh Tây Ninh với hai hệ thống sông lớn là Vàm Cỏ Đông và Sài Gòn chảy qua, nên việc nuôi cá lồng cũng khá thuận lợi. Dọc theo 2 bên tuyến kênh TN17 đoạn chảy qua địa phận huyện Châu Thành (Tây Ninh), nước xanh ngắt, nhiều hộ dân làm bè nuôi cá. Chỉ tính riêng ở ấp Suối Nguồn, xã Thái Bình có đoạn kênh chảy qua xã dù rất ngắn, nhưng đã có hơn 10 hộ nuôi cá.
Một hộ nuôi cá ở ấp Suối Nguồn (xã Thái Bình, huyện Châu Thành) cho biết, trước đây người dân trong ấp chủ yếu làm ruộng 1 vụ/năm nhưng hiệu quả không cao vì thiếu nước. Từ khi có kênh thủy lợi TN17 chảy qua, bà con bắt đầu nuôi cá. Loại cá nhiều người nuôi nhất là cá rô đầu vuông, loài cá dễ nuôi, nhanh lớn và có thể nuôi được với mật độ dày, thời gian nuôi ngắn, trung bình 4 tháng là có thể xuất bán. Thịt cá rô này dai, thơm ngon, lại chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn như bún cá, canh, miến hay bánh đa không kém gì rô đồng nên được thị trường ưa chuộng...