Khẩn cấp bảo vệ môi trường
Hôm nay là ngày 5/6 - Ngày Môi trường thế giới. Ngày Môi trường thế giới đã đề cập đến cuộc khủng hoảng sức khỏe Covid-19 toàn cầu và nhấn mạnh rằng với dân số tăng gấp đôi trong 50 năm qua và nền kinh tế toàn cầu tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ, sự cân bằng tự nhiên đã bị phá vỡ, tạo điều kiện lý tưởng cho mầm bệnh, như Covid-19 lây lan. Vì vậy các hành động thay đổi cần được tiến hành khẩn cấp để bảo vệ môi trường và nhân quyền.
Hàng tấn rác thải tại biển Thái Bình Dương.
Chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm nay được Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc chọn là Hành động vì thiên nhiên. Hành động vì thiên nhiên có ý nghĩa quan trọng trong cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước – không chỉ với riêng hơn 150 quốc gia hưởng ứng ngày kỷ niệm này (kể từ khi khởi phát tại Stockholm, Thụy Điển vào ngày 5/6/1972) mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Một lời cảnh báo đanh thép đã từng được nêu ra tại Hội nghị đa dạng sinh học của Liên hiệp quốc năm 2020 tại Côn Minh (Trung Quốc) cho thấy: "Gần 1/3 diện tích Trái đất phải cần được bảo vệ trong vòng 10 năm tới và giảm ô nhiễm ít nhất ½ Trái đất để cứu số động vật hoang dã còn lại, nếu không chúng ta bước vào kỷ nguyên tuyệt chủng thứ sáu của hành tinh".
Theo nghiên cứu lịch sử, Trái đất từng trải qua 5 thời kỳ tuyệt chủng là: Tuyệt chủng Ordovic - Silur; Tuyệt chủng Devon; Tuyệt chủng Permi - Trias; Tuyệt chủng Trias - Jura và Tuyệt chủng Creta - Paleogen.
Khái niệm Thời kỳ tuyệt chủng thứ 6 không phải là điều mới mẻ, nhưng rất nhiều người trong chúng ta cảm nhận nó là "điều hoang tưởng" hoặc "cái gì đó xa vời" còn lâu mới đến. Thực tế, trong nhiều năm, các nhà khoa học đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo rằng chúng ta đang ở giữa một cuộc tuyệt chủng hàng loạt - cuộc tuyệt chủng thứ sáu trong lịch sử của hành tinh và là lần đầu tiên gây ra bởi chính con người.
Băng tan nghiêm trọng tại Bắc Cực. Chú gấu trong ảnh đang cố gắng níu giữ lại tảng băng cuối cùng trên biển.
Thống kê của Liên hiệp quốc năm 2019 cho thấy cả thế giới có tổng cộng 8 triệu loài sinh vật thì có tới 1 triệu loài hiện đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ trong vòng 10 năm, nguy cơ tuyệt chủng này đã tăng nhanh và mạnh gấp hàng trăm lần so với mức trung bình của cả 10 triệu năm.
Các mối đe dọa lại đến từ chính con người. Từ việc xây dựng công trình, thu hẹp môi trường sống, khai thác tài nguyên thiên nhiên, sản xuất công nghiệp dẫn tới biến đổi khí hậu và ô nhiễm. Kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, chúng ta đã làm biến đổi 75% đất đai của Trái đất và 66% hệ sinh thái biển dưới nhiều hình thức khác nhau, gần 600 loài thực vật đã bị xóa sổ trong 250 năm qua.
Một trong những nguyên nhân chính của vấn đề nằm ở sự gia tăng dân số. Đông dân thì nhu cầu càng gia tăng và nguồn tài nguyên càng cạn kiệt. Đa dạng sinh học suy giảm khiến nền nông nghiệp cũng lâm vào tình trạng bị đe dọa. Việc thiếu các giống vật nuôi và cây trồng sẽ khiến tình trạng thiếu lương thực gia tăng.
Nhưng sự bùng nổ dân số sẽ không kết thúc sớm. Các chuyên gia ước tính rằng dân số thế giới hiện tại là 7,6 tỉ người, dự kiến sẽ đạt mức 8,6 tỉ vào năm 2030 và 9,8 tỷ vào năm 2050.
Bức ảnh con kangaroo bé bỏng chết cháy ở Úc gây chấn động thế giới. Đã có hơn 1tỷ động vật bị chết như vậy trong các đợt cháy rừng ở Australia.
Hiện nay, Trái đất đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng chưa từng thấy sau những sự kiện sông băng tan, cháy rừng Amazon và gần đây nhất là vụ cháy ở Australia. Các hệ sinh thái bị đe dọa và hậu quả nghiêm trọng rất lớn đối với sự sống còn của loài người.
Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, Liên Hợp Quốc cũng đã chỉ rõ mối liên kết giữa sức khỏe của hành tinh và sức khỏe con người và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ đa dạng sinh học, hệ thống hỗ trợ sự sống.
Ít nhất 70% các bệnh truyền nhiễm như Covid-19 đang lây lan từ động, thực vật sang người và “các hành động thay đổi cần được tiến hành khẩn cấp để bảo vệ môi trường và nhân quyền”. Đây là thông điệp của Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền và môi trường David Boyd trước Ngày Môi trường thế giới năm nay.
Ông Boyd cho rằng các quốc gia nên hành động khẩn cấp để bảo vệ môi trường và ngăn chặn sự gián đoạn khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm độc hại và các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người.
Rác thải nhựa chất đống ở Thái Lan khi nỗ lực chống Covid-19 đã phải gạt cuộc chiến chống ô nhiễm sang một bên.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết: “Thiên nhiên đang gửi đến chúng ta một thông điệp rõ ràng. Chúng ta đang phá hủy thế giới tự nhiên, gây thiệt hại cho chính chúng ta”.
Ông Guterres nhấn mạnh: “Suy thoái môi trường sống và mất đa dạng sinh học đang gia tăng, gián đoạn khí hậu đang trở nên tồi tệ hơn… Để chăm sóc nhân loại, chúng ta phải chăm sóc thiên nhiên”.
Ngày Môi trường thế giới năm 2020 đề cập đến cuộc khủng hoảng sức khỏe Covid-19 toàn cầu và nhấn mạnh rằng với dân số tăng gấp đôi trong 50 năm qua và nền kinh tế toàn cầu tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ, sự cân bằng tự nhiên đã bị phá vỡ, tạo điều kiện lý tưởng cho mầm bệnh, như Covid-19 lây lan.
Khi các quốc gia mở cửa và chính phủ phê duyệt các gói kích thích để hỗ trợ tạo việc làm, giảm nghèo, phát triển và tăng trưởng kinh tế, Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) đang thúc giục các nước này “tái xây dựng tốt hơn”.
Điều này liên quan đến việc nắm bắt các cơ hội đầu tư xanh - như năng lượng tái tạo, nhà ở thông minh, mua sắm công cộng xanh và giao thông công cộng – theo hướng dẫn của các nguyên tắc và tiêu chuẩn của sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Việt Nam vẫn đang nỗ lực kiểm soát và ngăn chặn việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.
Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng sinh hoc cao trên thế giới. Nhưng những năm gần đây, sự phát triển kinh tế xã hội, gia tăng dân số và biến đổi khí hậu đã tạo sức ép lớn đến đa dạng sinh học.
Yêu cầu bảo vệ bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đã được thể chế trong văn bản cao nhất là Hiến pháp tại Điều 63 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định, “Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học”; cùng với đó là các chủ trương của Đảng như Nghị quyết số 24, Nghị quyết sô 39 về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; đồng thời được quy định trong các Luật, Chiến lược, quy hoạch để tổ chức thực hiện.
Để tiếp tục thúc đẩy công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đại diện Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc trước hết là sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng các quy định về bảo vệ các cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm các tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội tới đa dạng sinh học. Coi đầu tư vào vốn tự nhiên là giải pháp để thực hiện phát triển bền vững.
Thứ hai, lập quy hoạch quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn đến năm 2030;
Thứ ba, tăng cường giải pháp quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động tới các hệ sinh thái và đa dạng sinh học nói chung.
Thứ tư, tăng cường quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái đất ngập nước, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; thực hiện chương trình bảo tồn loài nguy cấp; quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen.
Thứ năm, thúc đẩy các hoạt động quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.
Thứ sáu, tiếp tục thúc đẩy hợp tác của các bên liên quan, bao gồm các đối tác quốc tế, sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học từ trung ương đến địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đa dạng sinh học.
Cũng theo Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm nay, do bối cảnh toàn cầu đang phải chống đại dịch Covid-19, do đó thay cho việc tổ chức ra quân hưởng ứng, sự kiện năm nay sẽ được truyền thông lan toả và truyền cảm hứng tới cộng đồng thông qua các phương tiên truyền thông đa phương tiện, với các nội dung về chủ đề về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phát triển bền vững kinh tế biển, các hành động cụ thể trong giảm thiểu rác thải nhựa, ngăn chặn buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã...để thay đổi vì một cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn.