Hà Nội: Đề nghị xử lý dứt điểm dự án chậm tiến độ

Nguyên Khánh 06/06/2020 08:32

Sáng 5/6, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về tình hình thực hiện Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND ngày 6/12/2018 của HĐND thành phố về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay. Tại phiên giải trình, các ĐB HĐND TP Hà Nội đề nghị xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ.

Hà Nội: Đề nghị xử lý dứt điểm dự án chậm tiến độ

Nhiều nhà máy trong nội thành Hà Nội cần được di dời.

Chậm tiến độ cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên do đâu?

ĐB Phạm Đình Đoàn (Quận Hoàng Mai) đặt câu hỏi, cụm công nghiệp Bình Minh-Cao Viên thuộc huyện Thanh Oai đã được tỉnh Hà Tây cũ cấp giấy chứng nhận từ năm 2007 nhưng việc triển khai đến nay rất chậm, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết nguyên nhân chậm trễ và biện pháp thúc đẩy xây dựng, phát triển cụm làng nghề trong thời gian tới.

Về việc chậm triển khai cụm công nghiệp Bình Minh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, đơn vị này được tỉnh Hà Tây trước đây cho phép đầu tư xây dựng cụm công nhiệp Bình Minh - Cao Viên. hiện đã bàn giao một phần đất cho DN tại xã Bích Hòa, diện tích đất còn lại nằm trên địa giới hành chính 2 xã Cao Viên và Bình Minh chưa giải phóng mặt bằng, hiện trạng chủ yếu vẫn là đất sản xuất nông nghiệp. Phần đất được bàn giao, đến nay chưa được đầu tư xây dựng.

Đến ngày 16/3/2018 DN có văn bản đề nghị tiếp tục giải phóng mặt bằng. Đến nay, theo chủ đầu tư báo cáo, đang liên hệ với Sở Kế hoạch- Đầu tư, Sở Công thương để điều chỉnh dự án đầu tư và quyết định thành lập cụm theo hướng dẫn các sở, ngành. Như vậy, trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư trong việc phối hợp, chứng minh năng lực, cung cấp hồ sơ để báo cáo cấp sở ngành thẩm quyền phê duyệt.

Trả lời thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai đã có báo cáo về quá trình, tiến độ triển khai thực hiện dự án nhưng hiện nay dự án vẫn còn vướng phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Nội dung này, theo Nghị định 68 của Chính phủ, Sở Công thương là cơ quan đầu mối lấy ý kiến của các sở ngành để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thẩm định trên cơ sở đó báo cáo UBND TP để xem xét điều chỉnh dự án này, phấn đấu năm 2020 sẽ hoàn thành xong thủ tục để tiếp tục triển khai dự án theo tiến độ.

Sử dụng đất sai mục đích dự án dịch vụ thương mại Mỹ Đình

ĐB Phạm Thị Thanh Hương (Ứng Hòa) nêu câu hỏi, trên cơ sở kiến nghị của cử tri, HĐND TP Hà Nội đã giám sát vào tháng 7/2018 và kiến nghị kiểm tra, đôn đốc xử lý các vi phạm đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm luật đất đai, hiện nhiều diện tích đất ở dạng thu hồi vẫn tiếp tục chưa được xử lý dứt điểm còn tiếp tục sử dụng sai mục đích và chưa có phương án sử dụng hiệu quả như khu dịch vụ thương mại Mỹ Đình thuộc phường Mỹ Đình 2, phường Nam Từ Liêm vậy đâu là nguyên nhân?

Về dự án chậm triển khai khu dịch vụ thương mại Mỹ Đình, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho biết, diện tích khu vực trên là 10.200m2, trước đây thuộc dự án Khu dịch vụ thương mại Mỹ Đình đã được UBND huyện Từ Liêm phê duyệt, TP có quyết định cho UBND xã Mỹ Đình cho thuê đất từ năm 2002.

Song sau khi được bàn giao đất, UBND xã có vi phạm, giao đất cho HTX Mỹ Đình triển khai thực hiện. HTX đã cho một số công ty thuê lại, sử dụng sai mục đích, vi phạm Luật Đất đai.

Năm 2014, dự án này đã được Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường thanh tra, kết luận có vi phạm; trên cơ sở đó, UBND TP đã có quyết định thu hồi đất vi phạm, giao Trung tâm Quỹ đất quận Nam Từ Liêm quản lý và đề xuất phương án sử dụng đất đảm bảo quy định, giao UBND quận Nam Từ Liêm chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại đây.

Theo quyết định của TP, UBND quận đã chỉ đạo, các cơ quan của quận kịp thời triển khai. Tuy nhiên, do nhận thức không đúng của việc triển khai xã hội hóa trước đây dẫn đến tại khu vực này tồn tại một số công trình gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện thu hồi lại.

Để giải quyết, quận đã xin ý kiến tháo gỡ của Sở Tài chính, đồng thời xác định phải giải quyết từng bước. Năm 2015, quận đã cùng các sở ngành TP kiến nghị điều chỉnh quy hoạch phân khu, để triển khai các dự án trường học.

Trong đó năm 2015, quận đã thực hiện một phần là 4.800 m2 (trong tổng số 10.200 m2) thực hiện dự án 1 trường mầm non; còn lại 5.400 m2, quận xác định sẽ đề xuất TP triển khai tiếp 1 dự án trường học.

Trong số diện tích này, quận đã thu hồi 1.700 m2, còn lại 3.700 m2 sẽ triển khai ngay khi được TP chấp thuận cho triển khai dự án trường học. UBND quận cùng Sở Quy hoạch Kiến trúc đã báo cáo TP cho phép triển khai dự án trường học, đồng thời thu hồi nốt phần đất còn lại. Đúng là thời gian qua quận có lúng túng, tới đây sẽ bám sát, dự kiến sẽ đưa ra tiến độ trong quý 3/2020.

Tại phiên giải trình nhiều ĐB cho rằng, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri của một số quận nội thành nhiều lần kiến nghị với TP về di dời các cơ sở công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành.

Cử tri đã kiến nghị di dời kho xăng dầu Đức Giang,quận Long Biên, di dời cơ sở sản xuất thuộc Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, do các cơ sở này gây ô nhiễm cao hoặc không thuộc quy hoạch chung Thủ đô ra khỏi vị trí nêu trên để xây dựng quỹ đất, đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, trường học trên địa bàn TP, nhưng từ khi có kết quả rà soát đối với các cơ sở nêu trên từ năm 2016 đến nay vẫn chưa có phương án di dời, kiến nghị của cử tri như vậy là chưa được giải quyết, do vậy, cử tri đề nghị cần nhanh chóng di dời các cơ sở gây ô nhiễm này ra khỏi khu vực nội đô, tránh bức xúc trong dư luận.

Nguyên Khánh