Người Việt tại Australia - ấm lòng trong đại dịch
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực cho đời sống kinh tế xã hội Australia. Những lao động nhập cư, du học sinh, người đi theo dạng thị thực ngắn hạn trở thành những đối tượng dễ bị tổn thương hơn khi sự hỗ trợ mà họ nhận được từ Chính phủ nước sở tại là rất hạn chế.
Trong bối cảnh khó khăn đó, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng người Việt tại Australia đã được lan tỏa mạnh mẽ và trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết thông qua các hoạt động thiết thực trải khắp các tiểu bang, vùng lãnh thổ trên đất nước Australia.
Nói về hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tại Australia, phải kể đến vai trò trước nhất của Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia (VBAA). Ngay từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, VBAA đã liên tục cập nhật tin tức và các quy định của chính phủ nước sở tại liên quan đến những hạn chế kinh doanh cho doanh nghiệp thành viên qua các kênh kết nối của Hội.
Ông Trần Bá Phúc – Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia. Nguồn ảnh: VBAA.
Đặc biệt, khi Chính phủ Australia công bố các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, VBAA đã nhiệt tình hướng dẫn các thành viên đủ điều kiện trong việc hoàn thiện thủ tục và đăng ký hồ sơ xin trợ cấp theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Hội còn tư vấn hoặc làm đại diện cho doanh nghiệp để thương lượng với các chủ đất, chủ cho thuê cơ sở kinh doanh, yêu cầu giảm tiền thuê và gia hạn thời gian trả tiền thuê, chỉ dẫn doanh nghiệp phương cách thương lượng với ngân hàng để hưởng những ưu đãi theo đúng quy định của Chính phủ Australia, hướng dẫn thủ tục rút sớm tiền trong quỹ hưu trí đầu tư với các thành viên có nhu cầu chi dụng và hỗ trợ về thủ tục pháp lý liên quan đến bảo lãnh thị thực cho lao động ngoại quốc làm việc trong doanh nghiệp trong giai đoạn hạn chế di chuyển.
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch VBAA cho biết, khi thực hiện các hoạt động hỗ trợ, Hội luôn ưu tiên các doanh nghiệp thành viên bị thiệt hại hoàn toàn do đại dịch, chủ yếu trong các lĩnh vực du lịch, khách sạn, giải trí, tiếp đó là tới các doanh nghiệp có doanh thu giảm nhưng vẫn còn khả năng duy trì hoạt động.
Ông Phúc chia sẻ, hiện nay, Australia đã cho phép các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực mở cửa trở lại, tuy nhiên chỉ nới lỏng từng phần các lệnh hạn chế và giãn cách xã hội, vì vậy trong thời gian sắp tới VBAA sẽ tiếp tục cập nhật cho doanh nghiệp thành viên về những quy định mới, đảm bảo doanh nghiệp nắm vững pháp luật nước sở tại, tránh những vi phạm đáng tiếc.
Cùng với việc tập trung giúp đỡ doanh nghiệp và người lao động, VBAA cũng cung cấp một số phần quà tài chính và lương thực cho những du học sinh Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các bang NSW, Victoria, Queensland,...
Đồng thời, vận động quyên góp được các vật dụng y tế thiết thực trong mùa dịch như khẩu trang, găng tay, xà phòng sát khuẩn để cung cấp cho một số thành viên Hội và cộng đồng.
Ông Phúc hy vọng, với những nỗ lực hỗ trợ của VBAA, các doanh nghiệp Việt Nam tại Australia sẽ có thêm động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn và nhanh chóng phục hồi.
Chủ tịch VBAA cũng mong muốn cộng đồng người Việt sẽ luôn thượng tôn pháp luật và hợp tác với cơ quan chức năng để duy trì hiệu quả trong hoạt động kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ nước sở tại, sớm đưa đời sống kinh tế xã hội trở lại ổn định.
Bên cạnh các doanh nghiệp, cộng đồng người Việt tại Australia nói chung cũng cảm nhận sâu sắc tấm lòng hảo tâm từ đồng bào thông qua các hoạt động thiện nguyện của nhiều hội, nhóm khác nhau.
Một địa điểm tập kết hàng cứu trợ của nhóm “Mẹ Việt tại Úc” ở Melbourne, tiểu bang Victoria. Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp.
Một trong những tổ chức có hoạt động tương trợ cộng đồng nổi bật trong giai đoạn vừa qua là nhóm facebook “Mẹ Việt tại Úc”. Với hơn 13.000 thành viên đến từ mọi miền Australia tham gia, “Mẹ Việt tại Úc” đã rất thành công khi triển khai chương trình “Giúp nhau mùa dịch”, cung cấp lương thực và nhu yếu phẩm cho những lao động người Việt ở Australia bị mất việc làm hoặc gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.
Chị Nguyễn Bảo Châu, quản trị viên của nhóm, cho biết, tính đến hiện tại, chương trình “Giúp nhau mùa dịch” đã hỗ trợ được hơn 500 trường hợp khó khăn ở nhiều tiểu bang và vùng lãnh thổ khác nhau. Khoảng 8.000 kg gạo, 500 thùng mỳ và một số sản phẩm thiết yếu khác đã được nhóm quyên góp, thu mua và phân phát cho các đối tượng của chương trình.
Tuy nhiên, chị Châu chia sẻ, kết quả ấn tượng nhất mà chương trình đạt được không phải những con số mà chính là “sự thắt chặt kết nối cộng đồng”. Chị hy vọng những hoạt động ý nghĩa này sẽ còn được duy trì ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Một điển hình doanh nghiệp Việt Nam tại Australia cũng rất tích cực trong hoạt động tương trợ cộng đồng là Công ty H&N Company Pty Ltd. Đây là một doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực, có trụ sở tại Lãnh thổ Thủ đô Úc. Không kể lao động thời vụ, công ty có 10 lao động chính, trong đó 8 lao động là người Việt Nam.
H&N Company sản xuất và phát khẩu trang cho người dân quanh khu vực. Nguồn ảnh: H&N Company.
Anh Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc H&N Company, cho biết mặc dù tình hình kinh tế đình đốn vì Covid-19, công ty vẫn tạo mọi điều kiện để người lao động làm việc trực tuyến tại nhà và hỗ trợ lương từ 50% đến 70% tuỳ vị trí. Điều này giúp cho các nhân viên duy trì ổn định cuộc sống ngay trong những thời điểm khó khăn nhất.
Không những vậy, H&N Company còn mở rộng quy mô hỗ trợ ra cộng đồng với các hoạt động tự sản xuất và phát khẩu trang cho người dân quanh khu vực, đồng thời liên kết với các tổ chức người Việt từ Sydney và Melbourne cung cấp nhu yếu phẩm như gạo, mỳ ăn liền cho những người Việt có thị thực ngắn hạn bị mắc kẹt tại Úc và các du học sinh.
Qua đại dịch Covid-19 lần này, các Hội Thanh niên và Sinh viên Việt Nam ở nhiều tiểu bang cũng phát huy vai trò quan trọng trong các hoạt động hỗ trợ tập trung cho du học sinh – nhóm đối tượng chiếm đa số trong cộng đồng người Việt tại Australia.
Tại New South Wales, một trong những tiểu bang thu hút nhiều du học sinh Việt Nam nhất, trong thời gian từ đầu tháng 3, Tổng hội du học sinh Việt Nam toàn bang NSW (UAVS) đã kết nối và cập nhật thông tin về các gói hỗ trợ tài chính, hỗ trợ thực phẩm từ 5 trường đại học lớn của bang và một số công ty đến với 7.000 du học sinh đang học tập tại Sydney.
UAVS khởi xướng các hoạt động trực tuyến hỗ trợ cập nhật và phân tích thông tin cho du học sinh Việt Nam. Nguồn ảnh: Facebook UAVS.
Hội cũng mời những chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực kế toán – tài chính, marketing, tuyển dụng, chia sẻ những phân tích, đánh giá về tình hình việc làm tại Australia trong thời điểm kinh tế khó khăn. Chủ tịch UAVS, bạn Harry Nguyên, cho biết những hoạt động này không chỉ nhằm mục tiêu cung cấp thông tin mà còn giúp các sinh viên có sự chuẩn bị tốt nhất để tìm kiếm việc làm sau đại dịch.
Ở một địa phương khác, Hội sinh viên Việt Nam tại Tasmania (ViSATas) là một trong những tổ chức thanh niên hoạt động đặc biệt năng nổ bất chấp những rào cản của Covid-19. Chương trình lớn nhất do Hội triển khai mang tên “Sharing is caring” đã lan tỏa mạnh mẽ tinh thần chia sẻ trong cộng đồng du học sinh Việt Nam. Chương trình hiện đã hoàn thành được 5 đợt hỗ trợ, với 150 phần quà gồm gạo, mì gói và cá hộp dành cho các du học sinh ở hai thành phố chính là Hobart và Launceston.
ViSATas đã kết nối được với các nhà hảo tâm, các nhà hàng Việt tại Tasmania để tặng hơn 500 suất ăn, cùng với các món quà khẩu trang, nước rửa tay, khăn ướt diệt khuẩn giúp bảo vệ sức khỏe cho các sinh viên trong mùa dịch. Chương trình dự kiến sẽ tặng thêm 150 suất ăn nữa trong đợt ôn thi sắp tới cho sinh viên, nhằm hỗ trợ tiếp sức mùa thi.
Theo bạn Cẩm Nhung, Phó chủ tịch ViSATas, không chỉ đời sống vật chất mà cả yếu tố tinh thần của các du học sinh Việt Nam cũng được Hội quan tâm với việc xây dựng chương trình “Radio online – Cassettle yêu thương”, phát động phong trào chia sẻ về tình yêu, con người, cuộc sống ở Australia thông qua các bài viết, video, hình ảnh.
“Sharing is caring”, chương trình hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm của ViSATas. Nguồn ảnh: Facebook ViSATas.
Có thể thấy, với những người nhập cư, những lao động mất việc làm, những du học sinh với nhiều lo toan về gánh nặng chi phí nơi đất khách quê người, sự hỗ trợ đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, từ chính những cộng đồng người Việt không chỉ là điều thiết thực nhất giúp họ duy trì cuộc sống mà còn mang lại sự động viên tinh thần to lớn vào thời điểm họ dễ bị tổn thương nhất.
Còn với những tổ chức, doanh nghiệp và các nhóm cộng đồng đang không ngừng nỗ lực trợ giúp đồng bào, bản thân họ cũng gặp phải nhiều khó khăn trong các hoạt động tương trợ.
Đó có thể là sự gia tăng của giá cả lương thực và các nhu yếu phẩm phục vụ công tác thiện nguyện, là kết quả hạn chế trong việc kêu gọi quyên góp và hỗ trợ tài chính cho các hoạt động trong bối cảnh toàn xã hội đều gặp khó khăn, có thể là những thiếu thốn về phương tiện di chuyển, về nhân lực thực hiện, nhưng với sự thấu cảm, tin tưởng và chia sẻ, họ đã nỗ lực hết mình để những người Việt xa xứ luôn cảm thấy ấm lòng, để không ai bị bỏ rơi, và để lan tỏa một tinh thần Việt Nam đoàn kết, nhân ái, tương trợ lẫn nhau rất đáng trân quý.