Doanh nghiệp Việt ở châu Âu xoay xở sau dịch
Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có các doanh nghiệp, doanh nhân Việt tại châu Âu. Trên cương vị là Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, ông Hoàng Đình Thắng đã chia sẻ cùng PV Đại Đoàn Kết về những khó khăn của các doanh nghiệp Việt cũng như một số giải pháp hỗ trợ của nước sở tại để vực dậy “sức khỏe” cho các doanh nghiệp.
Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu thăm Nghị viện châu Âu.
PV:Thưa ông, các số liệu kinh tế ảm đạm được công bố mới đây đã cho thấy sức tàn phá kinh khủng của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt ở châu Âu chắc chắn sẽ bị tác động không nhỏ?
Ông Hoàng Đình Thắng: Phần lớn các doanh nghiệp người Việt ở châu Âu tham gia vào lĩnh vực buôn bán hàng hóa, kinh doanh nhà hàng quán ăn và các dịch vụ… nên chịu ảnh hưởng nặng nề khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở các nước châu Âu. Các nước đều ban bố “Tình trạng khẩn cấp” và thực hiện “Giãn cách xã hội” nên đa số các doanh nghiệp phải dừng hoặc hạn chế hoạt động. Ngay cả các doanh nghiệp được phép hoạt động như kinh doanh hàng thực phẩm, vật dụng thiết yếu hay đồ ăn mang về thì doanh thu cũng giảm đáng kể vì biên giới đóng cửa nên không có khách du lịch cũng như sự qua lại mua bán giữa người dân các nước lân cận với nhau.
Không chỉ đối mặt với chi phí thuê mặt bằng cao, các nhà hàng Việt Nam còn phải nỗ lực để giữ chân nhân viên, thúc đẩy việc đặt hàng qua Internet trong bối cảnh hàng quán chưa được mở cửa hoạt động…
Không chỉ là Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, ông còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Saparia -Trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt tại Séc, nơi đã và đang tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động người Việt ở Séc và người dân bản xứ. Vậy thưa ông, hoạt động kinh doanh của Trung tâm hiện nay đang diễn ra như thế nào?
- Hồi tháng 3, khi chính phủ Séc ban bố “Tình trạng khẩn cấp” do đại dịch Covid-19, tuy Trung tâm thương mại Sapa không bị đóng cửa hoàn toàn (trong Trung tâm còn có nhiều doanh nghiệp không thuộc diện bắt buộc phải ngừng hoạt động) nhưng nhìn chung tình hình kinh doanh rất kém. Ngay cả các cửa hàng, tổng kho được phép mở cửa thì doanh thu cũng giảm đáng kể vì thị trường tiêu thụ mất hẳn đi mảng khách du lịch và khách các nước láng giềng qua lại.
Sau khi khống chế được sự lây lan của dịch Covid 19, Chính phủ Séc tiến hành các bước nới lỏng theo từng giai đoạn và cho hoạt động bình thường vào ngày 25/5/2020 vừa qua. Trong quá trình đó các doanh nghiệp kinh doanh trong Trung tâm thương mại bắt đầu công tác chuẩn bị và hoạt động như hướng dẫn của Chính phủ. Hiện nay Trung tâm thương mại đã hoạt động bình thường nhưng hiệu quả kinh doanh còn kém.
Vậy Chính phủ Séc có hoạt động gì hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng không, thưa ông?
- Chính phủ Séc đã đề ra chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tiền thuê mặt bằng kinh doanh trong đại dịch Covid - 19, theo đó các cơ sở kinh doanh bắt buộc phải đóng cửa trong thời gian vừa qua thì Chính phủ sẽ hỗ trợ 50% tiền thuê, chủ cho thuê sẽ hỗ trợ 30%, doanh nghiệp đi thuê chịu 20%. Thời gian hỗ trợ là 3 tháng. Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Saparia cũng quyết định giảm 1 tháng tiền thuê cho tất cả các công ty và cá nhân ký hợp đồng thuê, kể cả các doanh nghiệp không bắt buộc phải ngừng hoạt động.
Sự hỗ trợ kịp thời này đã giảm đáng kể khó khăn cho các doanh nghiệp, giúp họ hồi phục “sức khỏe” và tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Hoàng Đình Thắng.
Hiện nhiều nước châu Âu bắt đầu nới lỏng phong tỏa, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. Động thái này có mở ra tia hy vọng mới cho các doanh nghiệp vốn đang chao đảo vì sức càn quét của dịch Covid-19 không, thưa ông?
- Hậu quả để lại của đại dịch Covid-19 là rất lớn, tuy vậy khi được mở của trở lại nền kinh tế tôi rất tin vào sự cần cù, năng động, sớm thích nghi để vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp Việt tại châu Âu. Với các doanh nghiệp đầu tư bài bản và đã có tích lũy tốt chắc chắn sẽ vẫn trụ được và phát triển.
Ông có cho rằng việc Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa ký Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) thế hệ mới sẽ là một cú hích để bà con đầu tư về quê hương hay tạo điều kiện đưa hàng Việt ra nước ngoài?
- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết là một thành công lớn, hứa hẹn mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Đây là thời cơ để bà con cộng đồng người Việt ở châu Âu đầu tư về quê hương và đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài bởi vì so với các doanh nghiệp người bản địa, doanh nghiệp Việt ở châu Âu sẽ hiểu hơn về phong tục, tập quán, đối tác kinh doanh, nguồn gốc hàng hóa, thị trường…Việt Nam. Tuy nhiên, có chớp được thời cơ để phát triển thành công hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào định hướng, tìm kiếm đối tác tin cậy và các bước đi đúng của doanh nghiệp Việt. EVFTA sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề thách thức.
Trong thời đại hiện nay để các doanh nghiệp đạt thành công rất cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp. Thị trường EU bao gồm 27 quốc gia, dân số 450 triệu người, GDP hằng năm đạt khoảng 16.000 tỷ USD cho thấy sự rộng lớn và sức hấp dẫn với Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng tốc xuất khẩu qua thị trường này. Tôi cho rằng nếu có sự phối hợp tốt của các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp người Việt ở châu Âu thì hiệu quả kinh doanh và đầu tư chắc chắn sẽ tốt hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!