Số phận của G7
Ngày 6/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo tới Quốc hội nước này kế hoạch rút tối đa 15.000 binh sĩ khỏi Đức (trong tổng số 35.000 binh sĩ hiện đồn trú tại Đức). Theo tờ Spiegel, nguyên nhân là ông Trump không hài lòng khi Thủ tướng Đức Angela Merkel khước từ lời mời tới Washington dự Hội nghị thượng đỉnh G7.
Tổng thống Mỹ Donald Trump rời cuộc họp báo tại G7 tháng 8/2019 (Biarritz, Pháp). (Nguồn: AP).
Trước đó, ngày 30/5, ông Donald Trump bất ngờ tuyên bố: G7 (nhóm 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu) giờ không đại diện chính xác cho những gì đang diễn ra trên thế giới. Nói như ông Trump thì G7 là một nhóm quốc gia rất lỗi thời. Vì thế, ông Trump đã quyết định lùi ngày tổ chức thượng đỉnh của nhóm này và có ý định mời thêm các cường quốc khác tham gia. Cụ thể, ông Trump muốn Úc, Nga, Hàn Quốc và Ấn Độ tham gia thượng đỉnh G7 mở rộng.
Theo kế hoạch ban đầu, thượng đỉnh G7 được dự kiến tổ chức tại Mỹ vào cuối tháng 6 nhưng ông Trump muốn dời thượng đỉnh đến tháng 9, thậm chí là đến sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, mà ông hy vọng sẽ tái đắc cử.
Cũng cần nhắc lại rằng, thông báo của Tổng thống Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel (ngày 29/5) chính thức từ chối lời mời đến Mỹ họp thượng đỉnh. Tương tự, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng từ chối vì những nguy cơ về y tế (Covid-19). Còn Tổng thống Pháp cho biết có thể đến Mỹ dự thượng đỉnh G7 nếu tất cả các lãnh đạo G7 có mặt.
Tất cả những động thái trên khiến người ta đặt câu hỏi: Vậy thực chất G7 có vai trò gì? Đầu tiên G6 được hình thành năm 1975 trên cơ sở của nhóm G5 không chính thức (Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Anh và CHLB Đức). Năm 1976, Canada gia nhập nhóm. Năm 1997, Nga cũng gia nhập, tuy nhiên năm 2014 đã bị “mời” rút khỏi khối, sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Người ta đã từng kỳ vọng cũng như “ghen tị với nhóm nhà giàu G7”, nhưng rồi theo thời gian, xuất hiện nhiều vấn đề mới như trật tự kinh tế tự do và chống khủng bố... cỗ máy G7 mất dần hiệu quả- theo phân tích của ông Pascal Boniface, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp. Tương tự, giới quan sát cho rằng khối G7 không còn phản ánh đúng tình hình thế giới hiện nay khi mà khối 7 nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới hiện nay chiếm 45% GDP toàn cầu, thấp hơn hẳn so với 62% GDP thế giới năm 1975 và chỉ chiếm 10% dân số.
Trong khi đó, sự trỗi dậy của khối G20, được thành lập năm 1999, câu lạc bộ thu hẹp G7 dần mất ảnh hưởng. Khối G20 hiện chiếm đến 85% GDP thế giới (nhưng không gồm một số quốc gia trong số 20 nước giàu nhất thế giới, như Thụy Sĩ hoặc Iran). Chỉ riêng 3 nền kinh tế Trung Quốc - thứ hai thế giới, Ấn Độ - nước đứng thứ 7 và Brazil, quốc gia xếp thứ 9, đã chiếm 21% tài sản toàn cầu.
Giáo sư Christian Lequesne (Trường Khoa học Chính trị Pháp) cho rằng về mặt quan hệ quốc tế, G20 là một cơ cấu chính đáng hơn và phù hợp hơn so với G7.
Nhìn nhận thực tế diễn ra trong vòng 5 năm qua, người ta nhận thấy G7 dù vẫn là những nước giàu có nhưng chưa hẳn đã đoàn kết để giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Ví dụ như khi Italy khủng hoảng kinh tế thì nước này cũng không nhận được sự giúp đỡ cả những người bạn giàu. Trong việc phối hợp giải quyết ô nhiễm môi trường, lập trường của họ cũng khác nhau, nhất là nước Mỹ với ông Donald Trump. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 hoành hành thì việc “thiếu liên kết” trong nhóm G7 lại càng lộ rõ. Người Italy, người Pháp, người Anh, và cả người Mỹ cũng đều thân ai người ấy lo trong khi thế giới rất cần sự liên kết từ họ. Trong cuộc đua tìm kiếm vaccine, thuốc điều trị và kể cả thiết bị y tế phòng, chống Covid-19, trong nhóm các quốc gia này đã “thiếu sự gương mẫu” khi không thực sự bắt tay.
Tương lai của G7, G7+4 và kể cả G20 sẽ ra sao? Xét trên thực tế thì đó là một tương lai không mấy sáng sủa.