Cái chết của một người da đen và biểu tình ở nước Mỹ
Những ngày qua, “nước Mỹ nổ bùng giận dữ” vì cái chết của George Floyd, 46 tuổi, một người Mỹ gốc Phi trong một cuộc can thiệp của cảnh sát.
Các cuộc biểu tình bạo lực xung quanh các chết của George Floyd nổ ra trên khắp nước Mỹ. (Ảnh: Reuters).
Các cuộc biểu tình dần dẫn đến bạo loạn diễn ra tại hơn 70 thành phố lớn nước Mỹ. Kết quả giám định pháp y cho thấy nạn nhân George Floyd tử vong do “ngạt thở vì bị chèn ép ở cổ và gáy, dẫn đến thiếu máu lên não”. Floyd bị sỹ quan cảnh sát ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, dùng đầu gối chèn lên cổ suốt hơn 8 phút. Lời cuối cùng mà người đàn ông xấu số nói trước khi tử vong là: “Tôi không thở được”. Anh ta đã chết ngay tại hiện trường vụ bắt giữ.
Xe cứu thương lúc này chỉ có tác dụng như xe tang- Ben Crump, luật sư của gia đình Flyod nói trong một cuộc họp báo. Sau đó không lâu, vào cuối ngày 1/6, văn phòng giám định pháp y của hạt Hennepin ra thông cáo nêu rõ cái chết của Flyod “là một vụ giết người”. Các chuyên gia nói Floyd vẫn ở trong tình trạng sức khỏe tốt trước khi chết.
Sỹ quan cảnh sát Derek Chauvin (da trắng) là người trực tiếp dùng đầu gối chèn cổ Floyd. Anh ta đã bị sa thải và đối mặt với cáo buộc giết người. 3 sỹ quan khác có mặt tại hiện trường hôm đó cũng bị sa thải nhưng chưa bị truy tố.
Cái chết của George Floyd, một người Mỹ gốc Phi ngay lập tức đã thổi bùng ngọn lửa chia rẽ “đen - trắng” về màu da, sắc tộc tại nước Mỹ. Những tưởng sau bao nhiêu đấu tranh, bao nhiêu dằn vặt thì sự chia rẽ đó không còn. Nhưng không, nó vẫn âm ỉ trong lòng nước Mỹ được cho là quốc gia “dẫn đầu của thế giới tự do, nơi không còn phân biệt chủng tộc”. Nói như Maya Santamaria với Reuters, một người dân Minneapolis, thì nạn phân biệt chủng tộc vẫn là “đường ranh” chia rẽ nước Mỹ. “Nó quả thực là một đống than hồng chỉ chờ một cơn gió nhẹ cũng đủ để bùng cháy. Cái chết của Floyd chỉ là việc quá rõ ràng không che đậy được, còn thì biết bao nhiêu người da màu vẫn bị miệt thị hàng ngày, trong khi họ đóng góp rất nhiều cho sự thịnh vượng nước Mỹ”.
“Tôi không thở được”
Theo CNN, có 3 video quan trọng ghi lại những giây phút cuối cùng trên cõi đời của Floyd, “trước khi bị cảnh sát giết chết”. Theo đó, tối 25/5, cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota được một cửa hàng báo cáo nghi ngờ George Floyd sử dụng tờ 20 USD giả.
Lập tức, hai cảnh sát Thomas Lane và J.A. Kueng được phái đến. Lúc đó, Floyd đã ngồi trong ô tô với hai hành khách khác. Lane nói chuyện với Floyd rồi rút súng nhắm thẳng vào vào “đối tượng tình nghi” đồng thời buộc anh ta giơ hai tay lên. Sau đó, Floyd bị kéo ra khỏi ô tô, bị còng tay.
Tiếp theo, 2 sĩ quan cảnh sát khác là Derek Chauvin và Tou Thao cũng đến hiện trường. Đáng chú ý, Chauvin đã làm công việc liên quan tới cảnh sát 17 năm và đã từng 19 lần bị khiếu kiện do có hành vi hành hung các nghi phạm.
4 cảnh sát đã tìm mọi cách đưa Floyd vào xe tuần tra, nhưng bất thành. Thế là 8 phút 46 giây đầy ám ảnh của nước Mỹ bắt đầu. Đó chính là khoảnh khắc cuối cùng của người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì chết. Chauvin đã kéo Floyd đến bên hông xe, đặt nghi phạm trong tư thế hướng mặt xuống đất và vẫn luôn bị còng tay. 2 viên cảnh sát khác đã cố định chân của Floyd.
Đến lúc 8h19’, Chauvin đặt đầu gối bên trái lên phía sau gáy của Floyd. Floyd kêu lên “Tôi không thở được”, “Mẹ ơi” và “Làm ơn”. Video ghi lại vào lúc 8h24’, Floyd ngừng cử động. 3 phút sau, lúc 8h27’, Chauvin bỏ đầu gối ra khỏi gáy của Floyd. Xe cứu thương được gọi đến hiện trường nhưng thần chết đã mang Floyd đi. “Floyd, 46 tuổi, cao gần 2 mét, được bạn bè đùa là “người khổng lồ thân thiện” đã chấm dứt cuộc đời phải chăng do anh là người da màu”, truyền thông Mỹ đặt câu hỏi.
Câu nói cuối cùng của Floyd “Tôi không thở được” đã vang dội khắp nước Mỹ, nó xuất hiện trong tất cả các cuộc biểu tình dẫn tới bạo loạn ở nước Mỹ suốt nhiều ngày. Dẫn tới tình trạng giới nghiêm và khả năng can thiệp cứng rắn của quân đội- điều không người dân Mỹ nào muốn chứng kiến.
Người biểu tình đeo khẩu trang với dòng chữ “I can’t breathe” - “Tôi ngạt thở”, câu nói cuối cùng của George Floyd. (Ảnh: Reuters).
Nạn nhân và “kẻ giết người”
Trong tình thế sôi sục của những cuộc biểu tình nhiều yếu tố bạo lực lan tràn khắp nước Mỹ, truyền thông nước này đã “lật lại hồ sơ” của người bị chết (Floyd) cũng như của viên cảnh sát được coi là nghi phạm giết người (Chauvin). Người ta đặt vấn đề: Liệu George Floyd có mối liên hệ nào với viên cảnh sát chẹt cổ anh cho tới chết?
Đáng ngại là trong quá khứ, Floyd từng phải ngồi tù và là “đồng nghiệp” với cảnh sát Chauvin.
Theo tờ Sky News, George Floyd sinh ra ở bang Bắc Carolina, sống tại thành phố Houston, bang Texas trước khi chuyển tới thành phố Minneapolis. Được mọi người gọi với biệt danh “Big Floyd” vì thân hình to lớn, người đàn ông 46 tuổi có con gái 6 tuổi tên là Gianna - hiện sống cùng mẹ tại thành phố Houston. Theo mẹ vợ của Floyd, bà Roxie Washington, thì Floyd là một người cha tốt khi vẫn cùng vợ nuôi con dù cả hai không còn sống cùng nhau.
“Big Floyd” khi còn ở trường là một tài năng về bóng đá và bóng rổ. Donnell Cooper, một bạn học cũ của Floyd, cho biết: “Cậu ấy là một người trầm lặng và hiền lành”. Floyd bỏ dở việc học hành và bắt đầu sáng tác nhạc với một nhóm nhạc hip hop. Sau khi chật vật tìm việc ở Houston, Floyd chuyển tới Minneapolis. Tại đây, Floyd làm 2 công việc: Tài xế xe tải và nhân viên an ninh tại nhà hàng Conga Latin Bistro.
Tuy nhiên, “Big Floyd” từng phải ngồi tù. Năm 2007, Floyd từng bị buộc tội cướp có vũ khí trong một cuộc đột nhập. 2 năm sau, thẩm phán kết án Floyd 5 năm tù.
Maya Santamaria, chủ cũ của quán bar El Nuevo Rodeo, tại thành phố Minneapolis, cho biết có một mối liên hệ giữa Floyd và Derek Chauvin- viên cảnh sát gây ra cái chết cho Floyd, khi cả 2 cùng được thuê làm nhân viên an ninh tại quán bar này. Chauvin làm thêm tại quán bar này khi không phải làm nhiệm vụ cảnh sát. Cụ thể thì Chauvin làm việc bên ngoài quán bar còn Floyd được cắt cử đứng phía trong.
Như vậy là hai người có quan hệ với nhau và hiện Chauvin đang bị nghi ngờ “hành xử quá đáng” với Floyd để “đòi lại một món nợ nào đó”.
Vì sao biểu tình bùng phát thành bạo loạn?
Đó là câu hỏi làm nhức nhối nước Mỹ suốt những ngày qua.
Trước đó, nước Mỹ đã có nhiều cuộc biểu tình liên quan tới phân biệt sắc tộc, tuy nhiên lần này nó có quy mô lớn hơn nhiều. Giới quan sát đánh giá nó là sự kiện chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ đương đại. Nhiều kẻ lợi dụng tình thế “biểu tình ôn hòa” để cướp bóc. Người ta cho rằng, nguyên nhân quan trọng là chính quyền đã “cưng chiều” cảnh sát một cách quá đáng, trong đó có chuyện làm ngơ khi nhiều cảnh sát có khuynh hướng dùng bạo lực với những đối tượng sai phạm. Chính vì thế, nhiều cảnh sát đã không e ngại sử dụng bạo lực kể cả khi không thật cần thiết.
Một người dân bê đồ đạc đi qua cảnh hoang tàn của một cửa hàng phụ tùng ô tô gần sở cảnh sát số 3 Minneapolis. (Ảnh: AP).
Một nguyên nhân khác cũng được nêu lên là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc tới kinh tế nước Mỹ, khiến nhiều người mất việc, giảm thu nhập, lâm vào cảnh sống khó khăn. Cho nên, khi xảy ra một vụ gây tổn thương xã hội như thế thì sự tức giận của người dân bùng lên.
Nói chung lại là trong lòng nước Mỹ có sự dồn nén quá lâu, nên rất dễ bị phát từ biểu tình sang bạo loạn. Tất nhiên là loại trừ những kẻ lợi dụng tình thế để cướp bóc.
Có một điểm đáng chú ý: Chưa còn 1 tháng nữa là cuộc vận động tranh cử Tổng thống nước Mỹ sẽ bắt đầu. Theo các hãng thăm dò dư luận của Hoa Kỳ hôm 6/5, sự ủng hộ đối với ông Donald Trump chỉ còn 40%. Ngược lại cựu Phó Tổng thống Joe Biden, từ 53% đến 54%, tức là hơn ông Donald Trump khá nhiều. Trong ngày 2/6, ông Joe Biden đã giành đủ số phiếu để trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ sau khi có 1.991 phiếu đại biểu bầu làm đại diện cho đảng tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Ủy ban toàn quốc đảng Dân chủ sẽ tổ chức đại hội vào giữa tháng 8 tới. Tại đây, ông Biden sẽ được chính thức công bố trở thành ứng viên của đảng Dân chủ tham gia cuộc tổng tuyển cử; cũng có nghĩa là cuộc đấu tay đôi với ông Donald Trump đã chính thức bắt đầu. Trong khi ông Trump đang “mắc kẹt” giữa dịch Covid-19 và làn sóng biểu tình đang lan tràn khắp nước Mỹ.