Học phí Đại học Y Dược TP HCM lên tới 70 triệu đồng/năm: Do tự chủ tài chính?
Tuần qua, thông tin Trường ĐH Y Dược TP HCM công bố mức học phí năm học 2020-2021, trong đó nhiều ngành học có mức tăng gấp 4-5 lần so với năm học trước đã gây xôn xao dư luận.
Trường ĐH Y Dược TP HCM.
Nắm được thông tin, đại diện Bộ Y tế cho biết sẽ có văn bản gửi Bộ GDĐT để làm rõ về lộ trình tăng học phí của các trường. Bởi mức tăng gấp 4-5 lần sau 1 năm là quá cao, nếu tăng cần có lộ trình phù hợp. Về phía nhà trường, cần có báo cáo, giải trình cụ thể xem mức học phí đã phù hợp hay chưa...
Tăng gấp nhiều lần năm 2019
Cụ thể, Đại học Y Dược TP HCM vừa công bố đề án tuyển sinh 2020, theo đó đưa ra mức học phí dự kiến cho khóa tuyển sinh năm nay. Theo bảng thông báo về học phí của trường, mức học phí cao nhất là ngành Răng - Hàm - Mặt với 70 triệu đồng/năm, ngành Y khoa là 68 triệu đồng/năm, Kỹ thuật phục hình răng là 55 triệu đồng/năm, Dược học là 50 triệu đồng/năm... Trường cũng dự kiến học phí mỗi năm tiếp theo sẽ tăng thêm 10%. Trong khi mức học phí hiện tại của trường chỉ là 1,3 triệu đồng/tháng, tương đương 13 triệu đồng/năm.
Trả lời báo chí về việc tăng học phí này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP HCM cho biết: Năm học tới trường sẽ thực hiện tự chủ tài chính, không còn được Nhà nước cấp ngân sách, nên phải thu mức học phí mới như công bố mới đủ chi phí đào tạo. “Với mức học phí 13 triệu đồng/năm sẽ không đào tạo được. Các lớp cũ vẫn theo lộ trình cũ”- ông Khôi cho hay.
Còn về mức tăng cao nhất của ngành Răng-Hàm-Mặt, ông Khôi trả lời, ngành này từ trước đến nay nhà trường luôn phải bù lỗ rất nhiều. Do đó, dù năng lực đào tạo rất lớn nhưng trường không dám tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Các vật dụng, nguyên vật liệu thực hành ngành này khá nhiều và không thể tận dụng lại được, chỉ sử dụng được một lần rồi bỏ, nên chi phí rất lớn…
Sẽ có biện pháp hỗ trợ sinh viên
Được biết, ngày 3/6 vừa qua, Trường ĐH Y Dược TP HCM đã có cuộc họp về việc hỗ trợ sinh viên khi tăng học phí.
Theo đó, ở năm đầu tiên tăng học phí, trường quyết định trích 15% kinh phí từ nguồn thu đưa vào quỹ học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên. Những sinh viên tuyển sinh năm 2020 sẽ được nhận học bổng khuyến khích học tập dựa trên hoàn cảnh. Theo đó, nhà trường dự tính, có gần 800 trong số 2.312 sinh viên tuyển sinh năm 2020 được nhận học bổng ngay từ năm thứ nhất. Số lượng sinh viên nhận học bổng sẽ được phân chia cho từng khoa riêng. Có 4 mức học bổng là: 100%, 70%, 50% và 25% học phí. Học bổng này xét dựa trên hoàn cảnh sau khi các em vào trường. Tuy nhiên, sau khi được hỗ trợ ở năm thứ nhất, các em phải chứng tỏ năng lực bản thân, học giỏi ở những năm tiếp theo để duy trì học bổng. Nhà trường cũng cam kết không có một sinh viên nào nghèo, học giỏi bị bỏ lại…
Ở các năm tiếp theo, Trường ĐH Y Dược TP HCM sẽ trích 10% kinh phí nguồn thu (theo quy định là 8%) để cấp học bổng khuyến khích học tập. Ngoài ra sinh viên của trường có thể tiếp cận nguồn học bổng từ các đơn vị, cá nhân khác. Trên website của Trường ĐH Y dược TP HCM có mục “học bổng” cập nhật các đơn vị, cá nhân cấp học bổng cho sinh viên của trường. “Nhà trường muốn những bạn khó khăn, học giỏi được hỗ trợ, sau này ra trường sẽ đi làm với một trách nhiệm cao” – đại diện nhà trường chia sẻ.
Về việc tăng học phí, đại diện Trường ĐH Y Dược TP HCM khẳng định: Đào tạo y khoa muốn chất lượng cao thì phải đi với chi phí đào tạo. Tăng học phí thì một phần để tái đầu tư nâng cao chất lượng chứ không phải kinh doanh.
Cần báo cáo, giải trình cụ thể
Về việc Trường ĐH Y Dược TP HCM vừa công bố mức học phí dự kiến từ 30-70 triệu đồng/năm, ông Ngô Vũ Thắng-Trưởng phòng Tài chính sự nghiệp, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, mới chỉ nắm được thông tin trường đại học này tăng học phí qua báo chí. Ngay sau đó, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế đã làm công văn yêu cầu đơn vị báo cáo, giải trình cụ thể việc này.
Theo ông Thắng, Trường ĐH Y Dược TP HCM là 1 trong 11 trường đào tạo y, dược trực thuộc Bộ Y tế. Đây là đơn vị duy nhất bắt đầu thực hiện tự chủ từ năm 2020. Tuy nhiên, thời điểm trường công bố mức học phí mới, Bộ không hề nhận được thông báo. Việc xây dựng học phí cần xin ý kiến bộ, ngành về thẩm quyền tăng học phí như thế nào.
Bộ Y tế đánh giá, việc ĐH Y Dược TP HCM tăng học phí gấp 5 là cao song chưa rõ xây dựng trên cơ sở nào, chưa thể đánh giá mức học phí như vậy có hợp lý không.
Vị này cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ GDĐT để làm rõ xem các trường được tự chủ chi thường xuyên xây dựng học phí thế nào, có cần khống chế mức trần không? “Tăng một lúc quá nhiều sẽ khiến rất nhiều học sinh thuộc nhóm đối tượng không đến mức nghèo để được hỗ trợ bị chơi vơi, không có cơ hội học tập. Với mức học phí 70 triệu đồng/năm, mỗi học sinh sẽ phải mất ít nhất hơn 10 triệu đồng/tháng để sống tối thiểu, chưa tính tiền mua sắm tài liệu, giáo trình”- ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng thông tin thêm, hiện các cơ sở giáo dục xây dựng giá học phí theo Thông tư 14 của Bộ GDĐT, quy định chi tiết định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo. Trong đó có 2 loại hình: Thứ nhất, các trường sử dụng ngân sách nhà nước, sẽ áp theo định mức kĩ thuật do Bộ GDĐT ban hành, trên cơ sở đó các trường xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình nhưng không được vượt quá mức trần. Thứ hai, các trường thực hiện tự chủ chi thường xuyên sẽ tự xây dựng mức giá trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do trường ban hành. Khi đó, nhiều trường tự chủ dù cùng ngành học nhưng có thể sẽ có nhiều mức học phí khác nhau do cách đào tạo, cơ sở vật chất… khác nhau.