Cùng trẻ em lên tiếng…
Tháng 6 - Tháng hành động vì trẻ em hằng năm được xem là dịp để các cấp chính quyền, gia đình, cộng đồng tiếp nhận và quản lý, giám sát trẻ em; tổ chức cho trẻ em một mùa Hè an toàn, giảm đuối nước, giảm thiểu các vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột.
Cũng trong tháng 6, nhìn nhận lại các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, mới thấy những việc mà các nhà quản lý, cả xã hội đã và đang làm cho trẻ em còn nhiều lắm gian nan.
Theo thống kê của Quốc hội thực hiện việc giám sát tình trạng xâm hại trẻ em trên cả nước: Từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác.
Trong các vụ xâm hại này, phổ biến nhất và để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em.
Cũng ngay lúc chúng ta đang hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, lên tiếng về thực trạng xâm hại trẻ em, thì ở ngay phố Ô Quan Chưởng (Hà Nội), hình ảnh cháu bé 18 tháng tuổi trần truồng, ngồi trong thùng xốp giữa cái nắng như thiêu đốt đi bán hàng cùng một người đàn ông, không phải là bố ruột, khiến ai nấy xót xa. Hay mới đây, vụ việc 4 nam sinh Trường THCS Phước Minh (Tây Ninh) tố thầy giáo dâm ô suốt mấy tháng liền cũng khiến dư luận xôn xao. Câu chuyện đau lòng không phải lần đầu xảy ra, trước nữa, từng có những học sinh bị xâm hại kéo dài 2 năm trong vụ thầy hiệu trưởng dâm ô hàng loạt nam sinh ở Phú Thọ...
Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh lạc quan, sự việc trên cũng có chút niềm tin, thế hệ trẻ sẽ tự biết lên tiếng bảo vệ chính mình. Em bé 18 tháng tuổi chưa nói được, nhưng đã có những người lên tiếng bảo vệ em. Và, nếu vụ dâm ô của thầy hiệu trưởng ở Phú Thọ bị kéo dài 2 năm, không một đứa trẻ nào dám vạch trần sự thật, thì trong vụ 4 học sinh ở Trường THCS Phước Minh (Tây Ninh), các em đã dũng cảm nói lên tiếng nói của mình. Làm sao để cả trẻ em và cộng đồng xã hội cùng lên tiếng bảo vệ trẻ em, đó là điều chính những người lớn và các em mong mỏi.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững MSD cho rằng: “Người lớn cũng đã từng là trẻ em, nhưng chúng ta thường quên mất trẻ em cũng có những suy nghĩ độc lập, chín chắn, hiểu biết, và có các giải pháp và quyết định rất hiệu quả. Chính vì thế chúng ta dù đang mải mê bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhân danh vì lợi ích của trẻ nhưng đôi khi quên mất lắng nghe và đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng vô cùng chính đáng của trẻ em, và quên mất trẻ em có thể khởi xướng và đưa ra các sáng kiến, giải pháp vô cùng hiệu quả. Đây là lúc chúng ta cần phải thay đổi”.