Cẩn trọng khi thực hiện hợp đồng với đối tác phá sản

M.Phương 08/06/2020 14:20

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), Bộ Công thương, cho biết, thời gian gần đây đã ghi nhận một số thông tin về việc quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng do các công ty, doanh nghiệp (DN) thực hiện thủ tục phá sản.

Cụ thể là, khi hợp đồng giữa người tiêu dùng và công ty, DN vẫn còn hiệu lực và đang trong thời gian thực hiện, công ty, DN thông báo phá sản, đơn phương thay đổi nội dung hợp đồng hoặc ngừng cung cấp sản phẩm, dịch vụ đã ký kết.

Trong trường hợp này, người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ, khiếu nại tới công ty hoặc bị công ty hứa hẹn kéo dài thời gian giải quyết, trả lời dứt điểm. “Trong nhiều trường hợp không xử lý dứt điểm, hợp đồng giữa người tiêu dùng và công ty, DN có thể bị mất giá trị hoặc quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm do công ty, DN không còn đủ nguồn lực để giải quyết”, Cục CT&BVNTD nhận định.

Để phòng tránh những vụ việc tương tự xảy ra, Cục CT&BVNTD khuyến cáo người tiêu dùng cần lưu ý và thường xuyên theo dõi hoạt động của công ty, DN là đối tác đang thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp phát hiện phía đối tác là công ty, doanh nghiệp có thông báo phá sản, để đảm bảo quyền lợi, người tiêu dùng cần nhanh chóng liên hệ, khiếu nại tới công ty theo các hình thức có lưu vết (email, gửi thư qua bưu điện hoặc đến trực tiếp trụ sở) để thống nhất phương án xử lý giữa hai bên và chủ động, thường xuyên đôn đốc công ty trong quá trình xử lý vấn đề.

Trường hợp công ty, DN đã chính thức thực hiện thủ tục phá sản (ví dụ, nộp đơn xin phá sản ra tòa án), người tiêu dùng cần nhanh chóng xác định tòa án nơi công ty nộp đơn và chủ động nộp đơn yêu cầu giải quyết, bảo vệ quyền lợi đến tòa án tương ứng trong thời gian sớm nhất có thể.

M.Phương