Xử lý hàng giả, hàng nhái: Vẫn 'bắt cóc bỏ đĩa'

Minh Phương 08/06/2020 14:00

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường liên tục phát hiện, xử lý nhiều sản phẩm hàng hóa các loại làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Ngay tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), lực lượng chức năng cũng vừa “bóc trần” hàng loạt sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Vậy vai trò của lực lượng chức năng ở đâu khi vẫn để hàng giả, hàng nhái nhởn nhơ hoành hành?

Xử lý hàng giả, hàng nhái: Vẫn 'bắt cóc bỏ đĩa'

Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng giả, hàng nhái. Ảnh: Quang Vinh.

Bạt ngàn hàng giả

Ngày 4/6, Đội QLTT số 8 và 14 (Cục QLTT Hà Nội) đồng loạt ra quân kiểm tra 7 điểm tại 2 chợ Phú Điền và Sơn Long (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện các điểm kinh doanh quần áo, phụ kiện thời trang có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam, tạm giữ 4.697 sản phẩm hàng hóa. Trong đó có 3.277 sản phẩm quần áo, dây lưng giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Lacoste, Adidas, Louis Vuitton, Versace, Puma, Gucci, DG, LV, Burberry và 1.420 sản phẩm hàng hóa nhập lậu...

Trước đó, ngày 22/5/2020, tổ công tác về thương mại điện tử (Tổ 368, Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng Cục QLTT, Bộ Công thương) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), Cục QLTT TP Hồ Chí Minh... đồng loạt ra quân và tiến hành kiểm tra 6 tụ điểm kinh doanh có dấu hiệu vi phạm thuộc quận 1 và quận 10. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện hàng chục nghìn mặt hàng có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu lớn đã được bảo hộ ở Việt Nam như Gucci, D&G, LV...

Ngay tại quận Hoàn Kiếm, quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, địa bàn có trụ sở chính của Tổng cục QLTT “đóng chân”, mới đây cũng đã bị phanh phui hàng nghìn sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, làm giả các thương hiệu lớn. Trong ngày 21/5, cơ quan quản lý thị trường đã vào cuộc và phát hiện hơn 2.000 sản phẩm giả thương hiệu nổi tiếng thế giới được bày bán công khai tại nhiều tuyến phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Theo đó, kiểm tra cửa hàng TMQ 23 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm), lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ 565 sản phẩm bao gồm áo, quần, mũ, dép, áo sơ mi của các nhãn hiệu Burrbery, Lacost, Fendi, Nike, Adidas, Gucci.

Tiếp tục kiểm tra tại cửa hàng SIS Mai Linh số 3 Hàng Điếu, đoàn kiểm tra đã tạm giữ 171 sản phẩm bao gồm túi, ví, áo, phụ kiện thời trang, thắt lưng giả các nhãn hiệu Burberry, Gucci, Chanel, LV, Hermes,. Dior, Valentino, Ferragamo…

Xử lý hàng giả, hàng nhái: Vẫn 'bắt cóc bỏ đĩa' - 1

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra và xử lý hàng loạt sản phẩm vi phạm.

Dẹp xong lại tái phát

Có thể thấy, những điểm bán hàng bị phanh phui không ở đâu xa mà nằm ngay gần trụ sở chính của Tổng cục QLTT (Bộ Công thương), cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề hàng giả hàng nhái của cả nước. Chính bởi vậy, dư luận xã hội đặt câu hỏi: Vai trò của cơ quan chức năng ở đâu khi vẫn để hàng giả, hàng nhái nhởn nhơ trên thị trường, lừa dối người tiêu dùng?

Trả lời câu hỏi này, ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, thực tế, tất cả những cửa hàng tại địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa được kiểm tra đều là các cửa hàng đã ký cam kết từ đầu năm là không buôn bán hàng giả, hàng nhái. Theo ông Viện, trong các đợt ra quân, việc kiểm tra kiểm soát hàng giả, hàng nhái được lực lượng chức năng làm tới cùng, “đến nơi đến chốn”. Song, cứ bắt giữ, xử lý xong mấy hôm sau lại tái diễn.

Theo lực lượng quản lý thị trường, khi bị phát hiện và tịch thu những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, cơ quan chức năng đã xử phạt số tiền khá lớn, bằng trị giá số lượng hàng tịch thu (lên tới nhiều chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng – PV), thế nhưng tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến hết sức phức tạp, dẹp xong một thời gian lại tái phát.

Nêu lên nguyên nhân của thực trạng này, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, do lợi nhuận cao, trong khi nếu bán hàng “xịn 100%”, các thương nhân rất khó có thể bán được với mức thu nhập của người dân hiện nay. Trong khi đó, bản thân nhiều người tiêu dùng với tâm lý “sính hàng hiệu” nhưng lại không muốn bỏ một khoản tiền lớn ra để mua. Chính bởi vậy, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu lớn vẫn len lỏi vào thị trường.

Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng khiến hàng giả, hàng nhái vẫn có thể tồn tại, đó là một số cán bộ, công chức thực thi công vụ thoái hóa biến chất, dung túng, bảo kê, mắt nhắm mắt mở không xử lý triệt để các chủ cửa hàng vi phạm. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý còn những lỗ hổng, chế tài yếu nên không đủ sức răn đe hành vi làm giả, làm nhái cũng như vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Minh Phương