Những cuộc tập trận làm rung chuyển châu Âu
Hàng loạt cuộc tập trận quy mô lớn với hàng ngàn binh sỹ và trang thiết bị quân sự đang được triển khai khắp châu Âu. Theo các chuyên gia quân sự, “châu Âu đang bước vào thời kỳ hoạt động quân sự sôi động, chứa đựng nhiều nguy cơ tranh chấp và xung đột nhất kể từ sau thập niên 2000”.
Binh lính Mỹ trong một cuộc tập trận với NATO.
Mỹ - NATO dồn dập
Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang chuẩn bị cho sự kiện tập trận thường niên Các chiến dịch Baltic (BALTOPS) có quy mô lớn với sự tham dự của hải quân 19 quốc gia. Theo thông tin từ Các lực lượng Hải quân Mỹ đặc trách khu vực châu Âu - châu Phi, cuộc tập trận sẽ diễn ra từ ngày hôm qua 7/6 đến ngày 16/6 với 29 đơn vị hàng hải, 29 máy bay và 3.000 quân nhân đến từ 17 quốc gia thuộc khối NATO và 2 quốc gia đối tác.
“Các quốc gia tham dự gồm có: Canada, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ý, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ”- theo thông cáo báo chí của NATO. “Sự kiện BALTOPS mang đến cơ hội cho khối NATO và các quốc gia đối tác được hành quân cùng nhau, chia sẻ thực tiễn tốt nhất nhằm cải thiện các chiến dịch trong thực tế”- Phó Đô đốc Lisa Franchetti, Tư lệnh Lực lượng tấn công và hỗ trợ thuộc Hải quân NATO và Hạm đội 6 của Mỹ nói với truyền thông châu Âu.
Theo quan chức NATO này, cuộc tập trận thể hiện cam kết của NATO nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực thông qua việc triển khai các lực lượng để phản ứng nhanh trong thời điểm khủng hoảng.
“Mặc dù chúng tôi sẽ tiến hành tổ chức sự kiện năm nay toàn bộ ở trên biển, BALTOPS 2020 sẽ chứng tỏ sự cam kết không ngừng nghỉ của chúng tôi đối với an ninh khu vực và củng cố tính linh hoạt vốn có của lực lượng hải quân đã được phối hợp của chúng tôi, nhằm cùng nhau hoạt động dưới bất kỳ tình huống nào”- Phó Đô đốc Lisa nói.
Trong khi đó, chỉ 2 ngày trước, ngày 5/6, quân đội Mỹ và Ba Lan đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung với quy mô lớn đầu tiên ở châu Âu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Cuộc tập trận mang tên “Tinh thần đồng đội” (Allied Spirit) sẽ diễn ra từ ngày 5 đến ngày 19/6. Allied Spirit sẽ diễn ra tại Khu huấn luyện Drawsko Pomorskie ở Tây Bắc Ba Lan với sự tham gia của 4.000 binh sĩ Mỹ và 2.000 binh sĩ Ba Lan, bao gồm cả kỵ binh, bộ binh, thiết giáp, cơ giới và không quân, cùng hơn 230 phương tiện chiến đấu.
Thông báo của Lầu Năm Góc cho hay, cuộc tập trận “Tinh thần đồng đội” được xem là cuộc tập dượt cho cuộc tập trận Người Bảo vệ châu Âu - Defender Europe - với quy lớn nhất trong hơn 1/4 thế kỷ qua của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Nga đáp trả
Việc Mỹ - Ba Lan triển khai cuộc tập trận Tinh thần đồng đội có thể được xem là sự đáp trả cụ thể nhất đối với đề nghị của Moscow về việc Nga và NATO cùng dừng tập trận để tập trung vào đối phó với đại dịch Covid-19. Cuối tháng 5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đề nghị với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng, hai bên tạm ngưng các cuộc tập trận như một giải pháp “mang tính xây dựng” trong bối cảnh đại dịch hoành hành.
Trước đó, người đứng đấu ngành ngoại giao Nga cũng cho biết quân đội Nga đang thực hiện việc “cắt giảm quy mô tập trận và không có kế hoạch tổ chức bất kỳ sự kiện quân sự nào gần với biên giới NATO”. Moscow luôn nhìn nhận việc Mỹ-NATO tăng cường các hoạt động quân sự - nhất là các cuộc tập trận - gần biên giới Nga không chỉ là mối đe dọa đối với an ninh của nước Nga, mà còn làm suy yếu sự ổn định ở châu Âu.
Để đáp trả , Nga đang chuẩn bị cho cuộc tập trận ở Bắc Cực. Hạm đội phương Bắc của Nga cũng tiết lộ rằng, hải quân nước này sẽ tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn vào cuối tháng 6 tại vùng biển Barents và Na Uy. Cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của khoảng 30 tàu mặt nước, một số tàu ngầm, tàu phụ trợ và hơn 20 máy bay chiến đấu. Đây là năm thứ ba liên tiếp Nga đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn của Hạm đội phương Bắc ở vùng biển phía Bắc.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko, nhu cầu khôi phục các hợp tác quân sự giữa 2 bên đã bị NATO cắt giảm. NATO đã không đưa ra một phản ứng có ý nghĩa đối với các sáng kiến của Nga nhằm cải thiện tình hình an ninh quân sự ở châu Âu bằng cách di chuyển các cuộc tập trận quân sự ra khỏi đường dây liên lạc giữa Nga và NATO. “Điều này đang đe dọa an ninh chung của châu Âu”- ông Grushko nói.