Tự chủ đại học: Không có nghĩa là tăng học phí phi mã

Thu Hương 08/06/2020 13:00

Hoạt động dựa vào học phí đang là tình trạng chung của nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hiện nay ở nước ta. Điều này khiến các trường chăm chăm tuyển sinh hoặc khi tự chủ mà vẫn muốn giữ chất lượng đầu vào thì phương án tăng học phí được tính đến... đầu tiên.

Tự chủ đại học: Không có nghĩa là tăng học phí phi mã

Ảnh minh họa.

“Học phí không dành cho con nhà nghèo...”

Đây là ý kiến chung của nhiều người khi nhìn vào mức học phí tăng gấp nhiều lần so với các năm học trước của khối trường y dược phía Nam. Đơn cử, ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, học phí dự kiến năm 2020 của ngành Y khoa là 68 triệu đồng/năm, ngành Răng - Hàm - Mặt 70 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 50 triệu đồng/năm. Mức học phí này tăng từ 2-5 lần so với mức học phí cũ, cao hơn cả mức trần học phí theo quy định trong Nghị định 86/2015 đối với các trường tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên. Bên cạnh đó, dự kiến học phí mỗi năm tiếp theo sẽ được trường tăng 10%.

Khoa Y - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng thông báo mức học phí dự kiến tăng cao nhất tới 88 triệu đồng/năm cho các ngành chất lượng cao Răng-Hàm-Mặt, Y khoa 60 triệu đồng/năm, Dược học 55 triệu đồng. Trước đó, năm 2019, trường cũng tuyển sinh 3 ngành Y khoa, Răng-Hàm-Mặt, Dược học chất lượng cao với học phí từ 50-80 triệu đồng/năm. Như vậy, tính trung bình mỗi HS học các ngành này sẽ phải mất ít nhất hơn 10 triệu đồng/tháng để sống tối thiểu, chưa tính tiền mua sắm tài liệu, giáo trình, chi phí học thực hành... Với những gia đình lao động nghèo, đây là một con số có phần quá sức nếu không muốn nói là không thể trang trải.

Nếu đặt bài toán đi làm thêm để có tiền theo học, những ai học trường y đều biết khối lượng kiến thức ở các trường này rất nặng nên nếu không muốn bị tụt lại phía sau thì chỉ có cách cày ngày cày đêm...

Cách thứ hai là vay ngân hàng để đi học có thể tính đến nhưng với mức học phí cao như vậy, liệu sau này khi ra trường đi làm, các em có ngay lập tức tìm được công việc với mức lương đủ để vừa trả nợ, vừa lập nghiệp ở thành phố, lo cho sức khỏe bố mẹ ở quê đã già yếu? Những lo lắng này khiến cả thí sinh và phụ huynh đều hết sức cân nhắc, thậm chí phải từ bỏ nguyện vọng vào trường, xem xét đăng ký xét tuyển vào trường có học phí thấp hơn.

Thu phải đủ chi phí đào tạo

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh - cho biết năm học 2020-2021 trường sẽ thực hiện tự chủ tài chính, nghĩa là không còn được Nhà nước cấp ngân sách. Mức học phí 13 triệu đồng/năm sẽ không đào tạo được. Các lớp cũ vẫn theo lộ trình cũ còn khóa mới phải thu mức học phí mới như đã công bố mới đủ chi phí đào tạo.

PGS Khôi chia sẻ trước nay khi đào tạo ngành răng hàm mặt, nhà trường luôn phải bù lỗ rất nhiều. Nguyên nhân là vì các vật dụng, nguyên vật liệu thực hành ngành này khá nhiều và không thể tận dụng lại được nên chỉ sử dụng được một lần rồi bỏ, do vậy chi phí rất lớn.

Bộ Y tế đã yêu cầu trường giải trình về mức học phí “khủng” này trong đó có căn cứ việc xây dựng mức học phí này, bao gồm bảng định mức kinh tế khi xây dựng giá từng ngành học. Trước đó, do trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh là trường được phép tự chủ về chi thường xuyên, vì thế trường không cần phải báo cáo Bộ Y tế khi xây dựng mức thu học phí.

Hiện các cơ sở giáo dục xây dựng giá học phí theo Thông tư 14 của Bộ GDĐT, quy định chi tiết định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo. Trong đó có 2 loại hình: Thứ nhất, các trường sử dụng ngân sách nhà nước, sẽ áp theo định mức kĩ thuật do Bộ GDĐT ban hành, trên cơ sở đó các trường xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình nhưng không được vượt quá mức trần. Thứ hai, các trường thực hiện tự chủ chi thường xuyên sẽ tự xây dựng mức giá trên cơ sở định mức kinh tế kĩ thuật do trường ban hành. Khi đó, nhiều trường tự chủ dù cùng ngành học nhưng có thể sẽ có nhiều mức học phí khác nhau do cách đào tạo, cơ sở vật chất… khác nhau.

Đa dạng hóa nguồn thu

Đến thời điểm này, ĐH Y Hà Nội vẫn chưa có thông báo về mức học phí dự kiến cho năm học này. Nhưng do trường chưa thực hiện tự chủ tài chính nên vẫn sẽ nhận được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Trên thực tế, nhiều chuyên gia cũng thừa nhận việc đào tạo ngành y rất tốn kém. Số tiền thu học phí hiện nay chỉ đảm bảo một phần chi phí đào tạo. Khi thực hiện tự chủ tài chính, việc tăng học phí là tất yếu song tăng phi mã như thông báo của một số trường quả thực phải đặt câu hỏi về lộ trình tăng học phí đối với các trường thực hiện tự chủ được quy định ra sao? Mức trần học phí có được quy định?

Và không chỉ khối ngành sức khỏe, các trường đào tạo ngành kinh tế, kỹ thuật, luật, sau thời gian thí điểm tự chủ cũng rục rịch tăng học phí, như trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Luật TP Hồ Chí Minh,...

Còn nhớ từ khi lấy ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, nhiều ý kiến đã bày tỏ lo ngại về câu chuyện tăng học phí sau tự chủ. Cách nào để tránh việc “tận thu”, cơ chế giám sát ra sao để học phí không “tăng phi mã”, khiến con em của các gia đình khó khăn không có cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH? Nhiều giải pháp đã được đề xuất trong đó, đa số đồng tình với quan điểm các trường cần chủ động hơn nữa trong việc đa dạng hóa các nguồn thu. Không thể mãi trông chờ vào học phí là kinh nghiệm tự chủ của nhiều trường ĐH trên thế giới đã thực hiện, các trường Việt Nam cũng cần nghiên cứu và áp dụng hiệu quả để không dồn tất cả gánh nặng lên vai người học.

Thu Hương