Phát triển bền vững kinh tế biển

Thanh Tùng 08/06/2020 07:00

Chủ đề Ngày Đại dương thế giới (8/6/2020) được Liên hợp quốc lựa chọn là “Đổi mới vì một đại dương bền vững”, khuyến khích các quốc gia xây dựng, đề xuất ý tưởng, giải pháp đổi mới về những lĩnh vực tiêu biểu như công nghệ, cơ sở hạ tầng, quản lý tài nguyên trong phạm vi lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.

Hưởng ứng chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2020 của LHQ, Việt Nam chọn chủ đề cho ngày kỷ niệm này là “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”. Chủ đề được đặt ra nhằm cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết (số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ) về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, sẽ xây dựng Việt Nam thành quốc gia mạnh về biển trên nền tảng của những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến.

Phát triển bền vững kinh tế biển

Bờ biển Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Tùng.

Ngoài các yêu cầu chung nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế biển, xây dựng thương hiệu biển, tạo bứt phá về khai thác, sử dụng hiệu quả và hợp lý các vùng biển ven biển và hải đảo, bảo đảm tính khả thi trong huy động và sử dụng nguồn lực phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước; Nghị quyết 26/NQ-CP đặt mục tiêu hàng đầu là bảo đảm thực thi đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế về biển (đặc biệt là Công ước năm 1982 của LHQ về Luật Biển - UNCLOS). Trên cơ sở các yêu cầu, mục tiêu quan trọng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khởi xướng nhiều khẩu hiệu cho Tuần lễ biển và hải đảo (hưởng ứng chủ đề Ngày Đại dương thế giới 2020 của LHQ) như: Quyết tâm giữ gìn, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; Hoàng Sa - Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam; Tất cả vì biển, đảo quê hương, vì biên cương Tổ quốc; Ngăn chặn ô nhiễm nhựa và khuyến khích các giải pháp đổi mới vì một đại dương khỏe mạnh; Giảm rác thải nhựa, tăng màu sóng xanh; Kinh tế xanh cho sự phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam; Hãy hành động vì sự phát triển bền vững của đại dương và hệ sinh thái biển. Do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nên hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới cùng Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 đến ngày 8/6) không diễn ra đều khắp tại các địa phương như mọi năm nhưng khẩu hiệu tuyên truyền vẫn có sức lan tỏa lớn đối với các cấp ngành quản lý từ Trung ương đến địa phương và với từng người dân.

Nghị quyết 26/NQ-CP cùng sự hưởng ứng tích cực của các cấp ngành, địa phương với Ngày Đại dương thế giới hàng năm, thể hiện quyết tâm chính trị to lớn về sự chung tay đổi mới vì một đại dương bền vững và xây dựng thương hiệu biển Việt Nam trên cơ sở thúc đẩy đồng bộ các lĩnh vực bảo vệ chủ quyền, an ninh hàng hải, môi trường, phát triển kinh tế biển, tạo bứt phá về khai thác, sử dụng hiệu quả và hợp lý các vùng biển ven biển và hải đảo. Nghị quyết 26/NQ-CP cũng đồng thời là định hướng bền vững cho quy hoạch, phát triển kinh tế (khai thác tài nguyên, đánh bắt, dịch vụ - du lịch) ven biển và dọc chiều dài 3.260 km bờ biển Việt Nam (qua 28 tỉnh, TP) sau rất nhiều thập kỷ manh mún theo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Theo một số liệu được công bố: Quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước. Đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, dịch vụ cảng biển, du lịch.

Nhìn vào số liệu được công bố trên đây sẽ dễ dàng nhận thấy GDP ven biển và dải bờ biển dài hơn 3.260 km của Việt Nam đang chiếm tỷ trọng hết sức nhỏ bé (so với đóng góp chung của các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển).

Điều này có nguyên nhân từ quy hoạch phát triển thiếu bền vững đối với vùng ven biển và bờ biển của các địa phương. Hơn hai thập kỷ qua, nhiều tổ chức, chuyên gia môi trường lên tiếng cánh báo về tình trạng resort, khách sạn cao tầng án ngữ bờ biển ở một số địa phương miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn. Không chỉ cấp (hoặc cho thuê) đất dài hạn làm resort, khách sạn cao tầng, nhà hàng; Đà Nẵng còn tạo điều kiện để chủ đầu tư san lấp hàng chục ha mặt biển để làm Khu đô thị quốc tế Đa Phước đầy tai tiếng. Từ năm 2018 đến nay, chính quyền TP Đà Nẵng đã có những động thái tích cực khắc phục sai lầm quy hoạch ven biển trong quá khứ nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi.

Trong khi Đà Nẵng rốt ráo thương thảo với doanh nghiệp, chủ đầu tư “mua” lại từng m2 đất làm lối đi xuống biển cho dân thì từ tháng 6/2019, chính quyền tỉnh Bình Định cũng đưa ra quyết định di dời 3 khách sạn (từ 2 đến 4 sao) ở tuyến đường An Dương Vương (TP Quy Nhơn) trả lại không gian thoáng đãng cho cộng đồng. Sự tăng tốc phát triển hạ tầng đô thị dựa trên lợi thế biển và bờ biển từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, đã biến TP Đà Nẵng và Quy Nhơn, Nha Trang thành địa chỉ thu hút du khách đến từ khắp nơi tuy nhiên do quy hoạch thiếu căn cơ, bền vững nên GDP biển và ven biển của các địa phương này vẫn còn thấp so với tiềm năng lợi thế được thiên nhiên ưu đãi.

Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam còn được các chuyên gia kinh tế biển nhìn nhận ở chiến lược kết nối giao thông, liên kết 28 tỉnh, TP vùng duyên hải từ Móng Cái đến Cà Mau bằng tuyến đường bộ cao tốc. Nhìn nhận này hoàn toàn có cơ sở bởi giao thông là huyết mạch quan trọng của kinh tế biển trong bối cảnh quy mô kinh tế biển Việt Nam chỉ đạt trên dưới 10 tỷ USD, trong tổng thể kinh tế biển của thế giới vào khoảng 1.300 tỷ USD.

Thanh Tùng