Công khai để dân góp ý kiến
Tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, thời gian này, một điểm chung nổi lên tại các đại hội điểm là vấn đề lựa chọn nhân sự có chất lượng cho nhiệm kỳ tới. Trao đổi với ĐĐK, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, những người được quy hoạch, lựa chọn vào trong bộ máy lãnh đạo các cấp cần phải được lấy ý kiến của nhân dân, hoặc lấy ý kiến của nhân dân thông qua Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội.
Ông Nguyễn Túc. Ảnh: Quang Vinh.
PV: Vừa qua khi đến dự các đại hội Đảng bộ điểm tại một số tỉnh, thành phố, các vị lãnh đạo đều nhắc đến vấn đề lựa chọn cán bộ xứng đáng cho nhiệm kỳ tới. Không phải ngẫu nhiên, vấn đề nhân sự cho đại hội lại được nhắc đến nhiều đến vậy, và ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Túc: Tại Hội nghị Trung ương 12 vừa rồi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ vấn đề công tác lựa chọn cán bộ là “một vấn đề cực kỳ quan trọng”. Chúng ta có báo cáo chính trị tốt, nhưng báo cáo đó có vào được cuộc sống hay không, phần quyết định là do cán bộ. Ta đã có đường lối, nhưng nếu không có đội ngũ cán bộ để thực hiện đường lối đó, cũng không thể vào được cuộc sống.
Lần này Bộ Chính trị phân công các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư đi dự các đại hội nhằm thực hiện cho được tư tưởng chỉ đạo mà Ban Chấp hành Trung ương vừa rồi quyết định, để làm sao những người được bầu vào cấp ủy các cấp đều phải là những người thực sự trung thành, vì dân, vì nước. Những người nào có biểu hiện vì lợi ích cá nhân, hoặc vì chức quyền, giàu nhanh bất thường không chứng minh được nguồn gốc tài sản cần phải đưa ra khỏi đội ngũ.
Từ những bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ qua khi công tác cán bộ còn những thiếu sót, theo ông chúng ta cần rút ra những bài học kinh nghiệm gì cho nhiệm kỳ này?
- Một trong những bài học kinh nghiệm thấy rất rõ trong thời gian qua là không thực hiện tập trung dân chủ. Hầu hết các vi phạm được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra đều là không thực hiện tập trung dân chủ. Thứ hai, lợi ích cá nhân đã làm cho nhiều người “mờ mắt” dẫn đến phạm tội. Thứ ba, là có những đồng chí giới thiệu người nhưng không kiểm tra, xem xét đến nơi đến chốn trước khi giới thiệu. Hầu như trong gần 100 người vi phạm vừa qua đều không lấy ý kiến của người dân qua hệ thống Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, mà chủ yếu vẫn do tổ chức cán bộ làm. Cho nên trong hướng dẫn mới nhất của Trung ương có nêu những người được lựa chọn quy hoạch lãnh đạo phải có uy tín, tín nhiệm cao trong Đảng, trong Nhà nước và thêm một yếu tố nữa là “trong nhân dân”.
Đảng lãnh đạo toàn xã hội, nếu không có tín nhiệm cao trong nhân dân thì không thể nào lãnh đạo nhân dân được. Vì vậy, tôi cho rằng để có tín nhiệm cao trong nhân dân thì phải lấy ý kiến của nhân dân, hoặc lấy ý kiến của nhân dân thông qua Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội như Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị đã quy định.
Thưa ông, thực tế đã có những quy định để Mặt trận tham gia góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Như vậy lần này dứt khoát càng phải phát huy vai trò đó của Mặt trận các cấp trong công tác lựa chọn cán bộ?
- Muốn xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh theo Quyết định 218 của Bộ Chính ban hành năm 2013 điều quan trọng nhất Mặt trận phải thông qua nhân dân, nhất là nhân dân ở địa bàn dân cư. Ai được quy hoạch cấp ủy phải được nhân dân ở địa bàn dân cư nơi sinh sống, nơi công tác trước đây nhận xét. Qua nhận xét của nhân dân, Mặt trận nắm được và tham gia đóng góp với cấp ủy. Nếu không lấy được ý kiến của nhân dân tại khu dân cư nơi đồng chí đó sinh sống vậy làm sao nắm được mặt mạnh, mặt yếu của họ?
Tổ chức cán bộ của Đảng thường hay nắm qua cơ quan người đó công tác. Nhưng phẩm chất, đạo đức của họ nhiều khi lại thể hiện rõ rệt nhất ở địa bàn dân cư nơi sinh sống. Quy chế Dân chủ ở cơ sở năm 1998 đã nêu rõ làm sao để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đối với những đồng chí cán bộ ở nơi sinh sống. Cho nên sự giám sát, nhận xét của nhân dân rất là quan trọng, là yếu tố chính.
Để chọn được người tài đức, vậy theo ông lần này chúng ta cần làm gì?
- Đại hội XII là một bước tiến trong vấn đề chấn chỉnh và sàng lọc đội ngũ cán bộ. Thời gian qua, riêng số cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý kỷ luật đã lên đến gần 100 người. Việc kỷ luật giúp cho chúng ta có bài học nhìn nhận cán bộ một cách toàn diện hơn. Đó cũng là cái để cho những người có “tham vọng không chính đáng” phải “chột dạ”, không dám làm điều sai trái mà Đảng đã quy định. Chính vì thế Đại hội XIII là đại hội được kỳ vọng sẽ đẩy lùi những thoái hóa biến chất ở trong đội ngũ cán bộ của chúng ta.
Muốn vậy, công tác tổ chức cán bộ của Đảng phải làm nghiêm chỉnh hơn. Bộ phận tổ chức cán bộ phải phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội để làm sao lấy được ý kiến của nhân dân đối với những đồng chí dự kiến vào Trung ương, hay cấp ủy sắp tới. Tôi cho rằng, cần công khai danh sách những đồng chí được lựa chọn để nhân dân đóng góp ý kiến.
Trân trọng cảm ơn ông!