Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền: Gọi xa xôi thức dậy
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền mới chơi Facebook. Một khuya thật khuya, tôi thấy chị online, chia sẻ những bài thơ mà nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết cho chị: “Phố Hạ Hồi hôm ấy mưa rơi/ Đá xa vắng trên mặt đường ướt lạnh/ Tóc em rối và áo em đỏ thắm/ Những bức tranh nổi gió ở trên tường…”. Những bài thơ tình của một thời, thời ấy là những năm 1970. Rồi chị chia sẻ những câu chuyện về cha mình - nhà văn Kim Lân. Chị cũng không quên nhắc nhớ về những người bạn của cha mà chị đã có duyên hạnh ngộ, như nhà văn Nguyên Hồng, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm… Những câu chuyện và những bức tranh chị chia sẻ trên mạng xã hội như một cuốn phim gọi ký ức xa xôi thức dậy.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vừa hoàn thành mấy tác phẩm vẽ trong “mùa” Covid. Chị bảo, những ngày ở nhà tránh dịch, chị nghĩ nhiều đến tình thương yêu. “Chưa bao giờ toàn thế giới đứng trước một đại dịch mà nó có thể lấy đi mạng sống của bất kỳ ai trong chúng ta... Một thử thách lớn lao của nhân loại. Tôi ngồi một mình trong ngôi nhà của mình và suy gẫm rất nhiều về điều này. Chúng ta đã tận hưởng quà tặng của thiên nhiên, của thượng đế - không khí, rừng cây, hoa, cỏ, những mỏ đá quý, muông thú, biển trời bao la… như một sự tất nhiên. Chúng ta đã quên mất lời cảm ơn và trân trọng trái đất này, chúng ta đã tàn phá rừng cây, giết muông thú, khai thác tận cùng những mỏ đá, quặng quý trời cho, chúng ta đã làm ô nhiễm sông hồ, biển cả, và chúng ta đã làm ô nhiễm bầu trời, khí quyển nơi đã nuôi dưỡng, bao bọc chúng ta trên trái đất này”- họa sĩ Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.
Với đại dịch này, theo chị, thượng đế đã đánh một tiếng chuông thức tỉnh để chúng ta bình tĩnh suy nghĩ lại nếp sống, và việc làm của từng người, từng gia đình và mọi quốc gia. Và những bức tranh với chủ đề Tình yêu mà chị hoàn thành mới đây đã truyền đi những thông điệp ấy.
Tôi biết, đây chỉ là những bức tranh chị “chen ngang” để vẽ, như người ta ngồi xuống ghi lại những dòng nhật ký về những ngày dịch bệnh ám ảnh vừa qua. Còn một dự án dài hơi hơn, mà chị đang theo, đó là vẽ bộ tranh chân dung để chuẩn bị cho triển lãm dự kiến vào cuối năm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha chị - nhà văn Kim Lân. Chị bảo, thích vẽ chân dung con người từ khi mới bắt đầu học vẽ, bởi chị thích vẻ đẹp của hình thể con người, vẻ đẹp tâm hồn và những bí mật ẩn chứa bên trong tâm hồn của họ.
- Từ những năm cuối 70 đầu 80 của thế kỷ trước, tôi được các Đại sứ quán, chuyên gia, Liên hiệp quốc… mời tôi vẽ chân dung cho họ và tôi đã vẽ khoảng 300 bức chân dung cho người nước ngoài trong thời gian này. Thế rồi các bác Nguyễn Tuân, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông… gặp tôi đều nói cháu vẽ chân dung cho người nước ngoài nhiều thế, cháu phải vẽ cho bác một bức chân dung. Tôi đã hứa “Vâng ạ” và cứ nghĩ tôi và các bác còn nhiều thời gian, vậy mà bố mẹ tôi, các bác bạn của bố tôi, anh Trịnh Công Sơn, rồi các bạn của tôi cũng lần lượt ra đi, tôi còn nợ lời hứa với chính mình và với các bác. Lời hứa đó cứ đi theo suốt năm tháng bôn ba thăng trầm của mình. Cho đến một lúc chính tôi cũng đã đi sang phía chân núi bên này. Không thể nào khác được, tôi phải hoàn thành lời hứa của mình, phải vẽ bộ tranh chân dung bạn bè và những người cùng thời - những người bạn của cha tôi - nhà văn Kim Lân, và cả những người bạn của tôi mà tôi quý trọng nữa.
- Vậy ai là người đưa chị bước chân vào nghệ thuật?- tôi hỏi.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền không giấu giếm: Cha tôi chính là người thầy đầu tiên đưa tôi vào con đường nghệ thuật. Ông đã đưa tôi đến học các bác Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao, Sỹ Ngọc… Ông là người đã chỉ cho tôi biết con đường nghệ thuật vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng cũng tràn đầy niềm đam mê tự hào trong sáng tạo và lao động nghệ thuật - con đường dũng cảm để đi tìm chính mình, để cống hiến cái riêng của mình trong cái chung.
Xem những chân dung họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẽ, tôi nhận ra chị không vẽ theo lối trực họa, những tác phẩm trong bộ tranh này được vẽ bằng ký ức, kỷ niệm, thậm chí bằng lòng trân trọng. Điều đó gây khó khăn hay lại giúp chị thăng hoa hơn khi vẽ?
Đáp lại những thắc mắc của tôi, chị nói: Tôi đã chuẩn bị cho bộ tranh này từ rất lâu, tìm tài liệu, chọn lọc, sắp xếp, suy nghĩ… Bộ tranh này không giống như khi tôi vẽ một bức chân dung đơn lẻ, mà nó là một tổng thể - cứ y như là chuẩn bị viết bộ tiểu thuyết dài vậy. Trên 100 bức chân dung, phải tìm mỗi người mỗi dáng vẻ khác nhau, không trùng lặp, mỗi người gắn kết với một phông nền khác nhau mà tôi cảm thấy có điều gì gần gũi với họ. Mới đầu tôi định vẽ 100 bức, giờ tôi rất khó để khoanh vùng lại con số đó, nên tôi nghĩ nó sẽ là bộ tranh “Chân dung bạn bè và những người cùng thời +++”.
Tác phẩm “Cung đàn” với những câu thơ của nữ sĩ Anh Thơ.
Là con gái cưng của nhà văn nổi tiếng, một lẽ tự nhiên, Nguyễn Thị Hiền có nhiều kỷ niệm với bạn văn của nhà văn Kim Lân. Chị thừa nhận mình là người may mắn và hạnh phúc vì có những năm tháng ấy:
- Mỗi người thấy sự may mắn của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau, riêng tôi luôn nghĩ mình là người may mắn khi từ lúc lọt lòng cho đến khi lớn lên bước chân vào đời tôi đã được sống gần gũi với những người bạn của cha tôi – người đưa mẹ tôi đến nhà hộ sinh để sinh ra tôi là cha tôi và nhà văn Nguyên Hồng. Người dắt tôi đi thi vào lớp học đầu tiên trong đời là bác Nguyễn Công Hoan. Những tác phẩm văn học đầu tiên tôi được nghe, được đọc của các nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố… Âm nhạc đầu tiên tôi được nghe là của các bác Đỗ Nhuận, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi... Những nét vẽ đầu tiên tôi đứng dòm qua khe cửa xem là của bác Nguyễn Tư Nghiêm, bác Trần Văn Cẩn. Vở kịch đầu tiên tôi được xem bố tôi diễn của bác Hoàng Cầm… Trên quả Đồi Cháy ở ấp Cầu Đen (Nhã Nam, Yên Thế, Bắc Giang) thời kháng chiến chống Pháp - mà tôi gọi là “Quả đồi Mộng mơ”, cánh cửa đầu tiên mở ra một thế giới ánh sáng của nền văn học nghệ thuật nước nhà mà đứa bé lúc ấy là tôi được sống trong hơi thở đó. Hòa bình lập lại bố cho tôi theo các bác về Hà Nội. Khi sống ở 51 Trần Hưng Đạo, tôi lại được gặp thêm bao người khác: bác Nguyễn Sáng, bác Bùi Xuân Phái, bác Dương Bích Liên, bác Nguyễn Xuân Khoát… Suốt cả tuổi thơ của tôi được sống cùng bố trong môi trường thấm đẫm văn hóa nghệ thuật của những con người làm nên lịch sử văn hóa của dân tộc như vậy, tôi thật sự là người may mắn, hạnh phúc.
Sinh năm 1946, đến giờ, ở “dốc bên kia cuộc đời”, nhìn lại con đường hội họa của mình, đâu là chặng đường khó khăn nhất mà chị đã vượt qua và đâu là thời gian chị cảm thấy thăng hoa, sung sức nhất? - tôi tò mò hỏi họa sĩ Nguyễn Thị Hiền như vậy. Một cách chân tình nhất, chị kể: Khi tôi còn là học sinh trong trường Mỹ thuật, tôi là một học sinh giỏi nhưng tôi không được ưu tiên như các bạn học cùng, bởi ngoài học ở trường tôi còn được cha tôi cho theo học các bác Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Văn Cao… Lúc đó, nhà trường không ủng hộ điều đó, vì thế dù học giỏi, dù rất ngoan, riêng một mình tôi không được vào Đoàn và bị phân công công tác về một huyện đi làm không có lương. Mỗi cuộc triển lãm tôi đều vẽ tranh mới để tham dự, nhưng có những lúc cả tập thể thầy cô giáo, Bộ Văn hóa và cả Thành ủy Hà Nội đã có những cuộc họp để phê bình tôi vì đã vẽ không theo sự giảng dạy của nhà trường. Chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất để tôi vượt qua mọi bất công, khó khăn lúc đó là cha tôi, đó cũng là những nhận định sáng suốt của các bác Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Văn Cao… về quan điểm nghệ thuật, và trên hết là lòng yêu nghề, quyết tâm của tôi để vượt qua mọi bất công, thử thách trong thời kỳ đất nước còn chưa mở cửa. Để trở thành Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, các bác Nghiêm, Liên, Sáng, Phái nhất định ký đơn cho tôi vào Hội Mỹ thuật thời đó. Nghĩ lại bây giờ tôi thật vinh dự, có hẳn tứ trụ trong nền hội họa Việt Nam quan tâm, ủng hộ mình.
“Những bất công và khó khăn tôi gặp phải đã hun đúc cho tôi lòng quyết tâm, vượt qua tất cả, tôi vẫn kiên trì, nghị lực say mê sáng tác không ngừng. Đây là thời kỳ khó khăn nhưng càng khó khăn tôi càng quyết tâm say mê sáng tạo. Thời kỳ khó khăn vất vả nhất, chậm lụt nhất đó là lúc tôi xây dựng gia đình - lấy chồng, sinh con, phải hy sinh rất nhiều để dành thời gian chăm lo cho chồng con, làm một người phụ nữ - đàn bà cho cơm áo gạo tiền để lo cho gia đình - làm mạch nước ngầm, giỏ giọt tí tách cho dòng chảy không có tận cùng của cuộc đời nghệ thuật của tôi”- họa sĩ Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.
PV: Dự định bày triển lãm vào cuối năm nay, hẳn chị có ngụ ý riêng?
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền: Bộ tranh “Chân dung bạn bè và những người cùng thời” tôi thực hiện, tôi dự định triển lãm vào cuối năm nay nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha tôi, nhà văn Kim Lân. Trong bộ tranh này, tôi vẽ bạn của cha tôi đồng thời là bạn và cũng là những người thầy của tôi; tôi vẽ bạn tôi và bạn tôi cũng là bạn của ông - là thế hệ kế tiếp thế hệ ông và các bạn của ông nữa. Đó là một sợi dây gắn kết liền mạch của dòng văn hóa nghệ thuật không bao giờ dừng.