Không dồn gánh nặng lên người học
Mùa tuyển sinh đại học (ĐH) 2020, nhiều thí sinh và gia đình phải cân nhắc kỹ khi chọn trường bởi lý do, hàng loạt trường ĐH trên cả nước công bố học phí mới năm học 2020-2021 với các mức tăng khác nhau. Đáng chú ý là khối ngành y dược phía Nam với mức tăng cao nhất gấp 5 lần so với năm học trước ở một số chuyên ngành trọng điểm khiến nhiều người ngỡ ngàng.
PGS Nguyễn Văn Sơn, nguyên Hiệu trưởng ĐH Y Dược, ĐH Thái Nguyên cho biết, đào tạo y khoa tương đối tốn kém vì không thể đào tạo chạy.
Hơn nữa, khi đi thực tập tại bệnh viện, những chi phí như bông băng, kim tiêm..., nhiều khi trường cũng phải thanh toán cho bệnh viện. Vì vậy, mức học phí hơn 1 triệu đồng/tháng mà không có sự hỗ trợ thêm của Nhà nước do trường thực hiện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên thì trường không thể bù lỗ nổi.
Khi đó, giải pháp tăng học phí là tất yếu. Song, tăng bao nhiêu, lộ trình tăng như thế nào lại là câu chuyện cần phải bàn.
Trong trường hợp cụ thể của Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo nhà trường mong muốn làm sao để dư luận xã hội, người dân hiểu hết được chi phí đào tạo các nhóm ngành trong lĩnh vực y tế. Thứ hai, làm sao để nhà trường có thể duy trì đứng ở vị trí số 1 ở khu vực phía Nam về chất lượng giáo dục và đào tạo trong khối sức khỏe. Xa hơn, trường không chỉ duy trì, mà còn phải phấn đấu là nơi đào tạo lĩnh vực y tế, khoa học sức khỏe tương đương với các nước trong khu vực.
Chia sẻ quan điểm rằng trường không thể để bị tụt hậu do không có kinh phí đào tạo, kinh phí đầu tư như PGS. TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh bày tỏ. Song nếu tất cả đổ dồn vào việc tăng học phí thì lại không phải phương án khả thi. Bởi khi tính giá dịch vụ, các trường phải cân đối theo tình hình chung, đảm bảo người học chịu đựng được. Nếu để học phí trở thành rào cản với những HS nghèo học giỏi, thậm chí những gia đình có thu nhập trung bình khá cũng không dám theo đuổi ước mơ học trường y trị bệnh cứu người chỉ vì gánh nặng học phí quá sức thì đó lại là điều không nên, nhất là với trường ĐH công lập đã được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân là một trong những trường đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ, từ một phần cho đến toàn phần.
Theo PGS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường, muốn có ĐH đẳng cấp quốc tế, không thể trông mong vào nguồn học phí mà chắc chắn phải đầu tư nhiều vào nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Như vậy vai trò của Nhà nước, của các doanh nghiệp trong việc hợp tác với nhà trường, phát triển nhà trường thế nào là điều chính yếu.
Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nội dung còn vướng mắc hiện nay đối với các trường đã và đang thực hiện tự chủ. Cụ thể, theo luật, cơ chế đầu tư của Nhà nước, chính sách tài chính của giáo dục ĐH của Nhà nước là thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, theo cơ chế cạnh tranh.
Đơn cử, trong lĩnh vực đào tạo y khoa, PGS Trần Diệp Tuấn đề xuất: Với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhưng học giỏi, mong muốn trở thành thầy thuốc hay nhân viên y tế, Nhà nước có thể chi trả kinh phí, đặt hàng nhà trường đào tạo những sinh viên này, còn trường thì chỉ hỗ trợ một phần.
Thứ hai, các trường mong muốn Nhà nước nhanh chóng có cơ chế, có những chính sách rõ để khuyến khích hỗ trợ, tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào các trường ĐH.
Theo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và Nghị định hướng dẫn thực hiện luật này (có hiệu lực từ tháng 7-2019), các cơ sở giáo dục ĐH công lập sẽ thực hiện thu học phí theo Điều 65 của Luật. Theo đó, các trường ĐH đáp ứng được Khoản 2 Điều 32 Luật Giáo dục ĐH sửa đổi về các điều kiện để được tự chủ, đồng thời tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên thì sẽ được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.
Tuy nhiên, để hài hòa giữa nhà trường và sinh viên, giới chuyên gia cũng đề xuất Nhà nước cần sớm ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục đào tạo để làm căn cứ để các trường ra được quyết định mức thu học phí. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội có căn cứ để giám sát việc thực hiện của các trường về vấn đề thu học phí.
Về phía người học, giới chuyên gia đề xuất cần thay đổi chính sách tín dụng cho sinh viên phù hợp với học phí mới. Hiện theo Quyết định 1656, mức cho vay tối đa mới là 2,5 triệu đồng/tháng/sinh viên. Giới chuyên gia phân tích, vay để học rồi đi làm sẽ trả là xu thế chung của thế giới hiện nay. Người học và xã hội cũng nên thay đổi nhận thức, coi học ĐH là một sự đầu tư xứng đáng. Sinh viên cần phải có trách nhiệm tương ứng trong quá trình học.
Bên cạnh đó, cũng cần những cam kết cụ thể của nhà trường khi thực hiện tự chủ đó là không bỏ rơi người học. Không để những sinh viên giỏi phải nghỉ học vì học phí cao trong khi có những chương trình học bổng, dự án kêu gọi hỗ trợ dành cho sinh viên…