Chờ ngày hết rời rạc kết nối giao thông
Cho đến nay, hạ tầng giao thông các tỉnh thành phía Nam vẫn khá rời rạc, cục bộ thiếu tính kết nối. Tình trạng tắc nghẽn giao thông giữa các địa phương vẫn xảy ra nhiều và đặc biệt, so với quy hoạch từ nhiều năm trước thì những dự án hoàn thành chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Quốc lộ 1A qua TP HCM thường xuyên ùn tắc.
Vấn đề quy hoạch vùng kinh tế đang được nhiều cấp lãnh đạo trăn trở, tìm hướng phát triển. Theo đó, việc thúc đẩy kinh tế - xã hội không chỉ gói gọn trong một tỉnh, thành phố riêng lẻ mà cần có định hướng ở quy mô lớn hơn, với dự án tầm cỡ hơn. Điển hình là vùng kinh tế phía Nam (gồm 19 tỉnh, thành), nơi chiếm 45% GDP của cả nước. Tuy nhiên, cho tới tận bây giờ vùng Nam Bộ vẫn chỉ có quốc lộ 1A là trục đường chính và duy nhất để kết nối toàn vùng.
Chưa nói tới tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của quốc lộ này thì việc thiếu các tuyến đường thay thế đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương. Nhiều dự án đường vành đai kết nối các tỉnh, thành ở khu vực Nam Bộ đã được quy hoạch từ hơn chục năm trước nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Trong đó đường vành đai 3 kết nối TP HCM và Bình Dương, Long An và Đồng Nai có chiều dài gần 90 km từng được kỳ vọng rất nhiều. Tuyến đường này đi qua hầu hết khu công nghiệp, khu chế xuất, cảng biển, khu dân cư… và kết nối với nhiều tuyến đường cao tốc, quốc lộ. Được chia nhỏ thành các đoạn riêng biệt như Tân Vạn - Nhơn Trạch (34 km); Mỹ Phước-Tân Vạn (16 km); Bình Chuẩn-quốc lộ 22 (19 km) và quốc lộ 22-Bến Lức (29 km) nhưng đến nay mới chỉ có đoạn Tân Vạn - Mỹ Phước là hoàn thành. Hầu hết các đoạn khác đều đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và cũng không được triển khai đúng tiến độ.
Việc dự án này nhiều năm giẫm chân tại chỗ khiến cho áp lực giao thông trong khu vực TP HCM và 3 địa phương lân cận là rất lớn. Trong khi đó, dự án đường vành đai 4 có quy mô lớn hơn, dài gần 200 km đi qua 5 tỉnh, thành. Ngoài 4 địa phương như ở dự án đường vành đai 4 thì có thêm tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Đây là một trong những dự án cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa nhưng hiện nay, chưa có bất cứ hạng mục nào được triển khai. Tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy sau nhiều năm quy hoạch.
Nếu như các dự án vành đai kết nối khu vực TP HCM và 4 địa phương lân cận có số phận khá hẩm hiu, chưa định ngày hoàn thành thì các dự án kết nối khác từ TP HCM đi các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng khó khăn. Như đã nói, ngoài tuyến quốc lộ 1A đang xuống cấp thì hầu hết các dự án khác tuyến quốc lộ nối nhiều tỉnh, thành ở khu vực này đều chưa hoàn thành, hoặc quy mô quá nhỏ. Như dự án đường N2 (đường HCM ở khu vực phía Nam) đi qua nhiều địa phương như Tây Ninh, TP HCM, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Dự án này được quy hoạch tới tận mũi Cà Mau, là tuyến đường thứ 2 sau quốc lộ 1A đi dọc chiều dài đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay dự án chỉ có một vài đoạn đã hoàn thành ở TP HCM, Long An, Đồng Tháp nhưng lại chưa kết nối với nhau. Các đoạn đã hoàn thành có quy mô chỉ vừa đủ cho 2 chiếc ô-tô tránh nhau nên rất khó được coi là đủ năng lực kết nối. Trong khi đó, hệ thống cao tốc ở khu vực phía Nam, những dự án được kỳ vọng sẽ thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội cũng gặp nhiều trắc trở. Hiện nay, mới chỉ có vỏn vẹn khoảng 120 km đường cao tốc được hoàn thành nhưng lại không kết nối với nhau.
Dự án cao tốc Long Thành - Bến Lức đi qua 3 địa phương là TP HCM, Long An và Đồng Nai được kỳ vọng rất nhiều nhưng liên tục trễ hẹn. Trong khi đó, dự án cao tốc nối TP HCM và TP Cần Thơ, hai trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất ở khu vực phía Nam cũng chưa biết bao giờ mới hoàn thành. Dự án này được chia làm 4 dự án nhỏ hơn, gồm đoạn TP HCM -Trung Lương (đã hoàn thành) và 3 đoạn khác gồm Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ 2 đang xây dựng. Một đoạn từ Mỹ Thuận tới Cần Thơ chỉ dài hơn 20km nhưng quy hoạch hơn 10 năm vẫn chưa tìm được nhà đầu tư xây dựng.
Đại diện một doanh nghiệp vận tải ở khu công nghiệp Xuyên Á (huyện Đức Hoà, tỉnh Long An) cho biết, nhu cầu vận tải của doanh nghiệp hiện nay đang rất lớn. Việc xuất khẩu nông, thuỷ sản và nhập nguyên liệu khá thường xuyên. Tuy nhiên, chi phí vận tải lại cao hơn bất thường, dù quãng đường di chuyển không quá lớn. Như từ khu công nghiệp Xuyên Á tới cảng biển Cát Lái chỉ hơn 50 km nhưng phải mất 3-4 giờ di chuyển. Thậm chí, các khung giờ di chuyển cũng bị giới hạn rất nhiều, hầu hết ban đêm. Rộng hơn một chút, việc vận chuyển hàng hoá nông thuỷ sản từ vựa lúa gạo Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang… xuất khẩu hầu hết đều qua các cảng biển ở TP HCM, Vũng Tàu… cũng gặp trắc trở vì đường sá chưa đáp ứng được.
Ngược lại, doanh nghiệp nhập hàng từ các cảng biển cũng chịu chung số phận. Doanh nghiệp này ước tính, chi phí vận chuyển một container từ Hàn Quốc về tới cảng Cát Lái xấp xỉ bằng chi phí từ cảng Cát Lái đi Tiền Giang. Ngoài vận tải doanh nghiệp, so với khoảng 10 năm trước, phương tiện giao thông đã có sự thay đổi rất nhiều và rất lớn. Người dân cũng sở hữu nhiều phương tiện giao thông hơn khiến nhu cầu sử dụng hạ tầng tăng vọt. Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường bị chia nhỏ, chưa kết nối khiến ùn tắc, kẹt xe thường xuyên xảy ra.
Theo giới chuyên gia hạ tầng giao thông, việc không nhất quán giữa các địa phương là nguyên nhân khiến quy hoạch giao thông vùng hiện nay bị chậm trễ nhiều so với dự kiến. Các địa phương cũng chưa coi trọng việc phát triển chung, thiếu một tầm nhìn rộng để có quy hoạch hạ tầng tốt nhằm đáp ứng các nhu cầu kinh tế - xã hội.