Tung tiền cứu doanh nghiệp: Không phải là giải pháp hay

Thuý Hằng 09/06/2020 08:00

Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động là những tác động “trễ” mà đại dịch Covid-19 gây ra. Tháo gỡ khó khăn, tiếp sức cho doanh nghiệp là một trong những vấn đề nóng được đề cập hiện nay. Theo giới chuyên gia, giải pháp lúc này không phải là tung tiền ra cứu doanh nghiệp vì sẽ để lại hậu quả lâu dài. Mà thiết thực hơn, doanh nghiệp đang cần giãn, hoãn nợ, miễn giảm một phần phí, bảo hiểm xã hội.

Theo kết quả khảo sát do Bộ Kế hoạch - Đầu tư thực hiện với gần 130.000 doanh nghiệp (DN), khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các DN có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao. Gần 58% số DN bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Theo đánh giá của nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS Trần Đình Thiên, sức bật của nền kinh tế sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng hồi phục của bộ phận doanh nghiệp. Đặt trong bối cảnh 96% số DN hiện tại là nhỏ và siêu nhỏ, không có tính kết nối chuỗi, lại bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19, thì việc hồi phục sức khoẻ của DN là việc cần phải làm ngay. Tuy nhiên với nguồn lực có hạn của nền kinh tế phải lựa chọn phân bổ sao cho hợp lý.

Ông Thiên cho rằng, việc hỗ trợ nên tập trung vào những DN tạo ra hiệu quả và mang tính trụ cột của nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 có thể là cơ hội để nền kinh tế thay đổi, bước sang một trạng thái mới, với một thể trạng mới. Phần lớn giới chuyên gia đều cho rằng, để duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh cho DN cần xác định rõ, thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ: Thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến...

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ TIến Lộc chia sẻ, biết Nhà nước khó khăn, DN không xin tiền, chỉ xin cơ chế. Cụ thể, là cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy đầu tư công để kích hoạt đầu tư tư nhân; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao khả quản trị của DN. Ông Lộc cho rằng, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh luôn đặt lên đầu để phát triển, vì vậy cần thúc đẩy nhanh, mạnh, hiệu quả gói cứu trợ; càng nhanh càng tốt cho DN.

Ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Công ty TNHH Việt Phú Thịnh phân tích, chúng tôi là DN sản xuất cao su nguyên liệu mang tính đặc thù thời vụ, từ tháng 5 là ngưng, giá dầu giảm, giá cao su giảm. Các đối tác ngưng hợp đồng vì lý do bất khả kháng. Với đặc thù là DN xuất khẩu, DN kiến nghị ngân hàng cho phép đi theo giãn thời gian trả nợ rõ ràng, đồng thời không đánh tụt hạng xếp hạng của DN.

Trong khi đó ông Bùi Gia Nên, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNVVN tỉnh Bình Phước nói: “Chúng tôi nhận thức rằng hỗ trợ DN tồn tại, duy trì sản xuất là việc làm đòi hỏi có được sự đồng hành, sẻ chia, tình cảm của ngân hàng ngoài việc giãn các khoản nợ sẽ có thêm những cơ cấu khoản vay mới cho DN để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất”. Ông Nên cho rằng, trên thế giới hiện nay bước vào giai đoạn đầu của giảm phát mong phía ngân hàng có những chủ trương kịp thời tạo chính sách huy động lãi suất ở ngưỡng thấp để cấp mới cho DN với lãi suất thấp hơn lãi suất hiện nay.

Cộng đồng DN cũng thừa nhận rằng, hiện nay có nhiều gói hỗ trợ để tiếp sức cho doanh nghiệp, song các DN mong muốn cơ quan quản lý “nhẹ tay” hơn và đơn giản hoá các thủ tục để DN tiếp cận được hưởng ưu đãi dễ hơn. Giới chuyên gia cho rằng, giải pháp cho các DN lúc này không phải là tung tiền ra cứu DN vì phương án này sẽ để lại hậu quả lâu dài. DN đang cần giãn, hoãn nợ, miễn giảm một phần phí, bảo hiểm xã hội. Cũng theo quan điểm của giới chuyên gia bên cạnh việc tiết giảm chi tiêu, các DN không nên bi quan mà nên tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới để bắt đầu ngay.

Thuý Hằng