Nơi mảnh đất một thời bom đạn
Trở lại Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, chúng tôi ngỡ ngàng về một vùng nông thôn mới (NTM). Nơi đây cách đây 55 năm lần đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ huy động 27 lượt chiếc máy bay chiến lược B-52 ném bom rải thảm xuống ấp Bờ Cảng và Trảng Lớn, xã Long Nguyên (cũ) nhằm hủy diệt căn cứ Tỉnh ủy và các cơ quan quân sự, an ninh tỉnh Bình Dương và Khu Sài Gòn - Gia Định đóng tại “Rừng lịch sử” gần đó.
Ồng Trần Xuân Lễ (bên phải) giới thiệu tuyến đường giao thông nông thôn.
Từ trong ký ức
Men theo bóng mát rừng cao su sau mùa thay lá mới, chúng tôi đến nhà bà Bạch Thị Thu (Bảy Thu) ở ấp Bờ Cảng. Năm 2020, bà Thu cận kề tuồi “bát thọ” nhưng bước đi và giọng nói vẫn rổn rảng như ngày tham gia đánh Mỹ. Bà cũng là nhân chứng sống trong đợt Mỹ đem máy bay B-52 rải thảm xuống ấp Bờ Cảng quê mình.
Bà Bảy Thu kể: Hôm ấy nhằm ngày 18/6/1965, khoảng 9h bà và ba má chuẩn bị lên rẫy thì bất ngờ nghe tiếng bom nổ rần rần, rừng cây cổ thụ sát nhà đổ vật trên mặt đất. Sau loạt bom đầu những người còn sống trong ấp Bờ Cảng và Trảng Lớn hè nhau chạy vô rừng sâu, nơi có những căn hầm tránh bom, tránh pháo đã đào sẵn.
Sau 27 đợt B-52, đến lượt máy bay trực thăng đổ quân xuống Trảng Lớn - Bờ Cảng đặng tìm hiểu mức độ hủy diệt của B.52 và truy lùng quân giải phóng. Chiều tối, thấy tình hình êm, bà con ấp Bờ Cảng -Trảng Lớn đưa nhau về chôn cất những người bị bom sát hại, động viên nhau bám làng, bám rẫy vừa sản xuất vừa phục vụ kháng chiến.
Bà Bảy Thu giải thích: “Trước đây, Long Tân thuộc xã Long Nguyên, huyện Bến Cát; tài liệu viết trận bom B-52 Mỹ rải thảm xuống Long Nguyên là vậy. Năm 2014, xã Long Tân có ấp Bờ Cảng tách từ Long Nguyên, thuộc huyện Dầu Tiếng. Còn xã Long Nguyên có ấp Trảng Lớn thì thuộc huyện Bàu Bàng. Tượng đài chứng tích B-52 mà Bình Dương xây dựng đặt tại ấp Bờ Cảng, Long Tân.”.
Chung tay làm giao thông nông thôn
Là người có uy tín ở ấp Vũng Tây, ông Trần Xuân Lễ hăng hái tham gia các phong trào không những của Hội nông dân mà ông còn là thành viên tích cực của Ban công tác Mặt trận ấp.
Theo ông Lễ, tuyến đường nhựa tứ ngã ba Long Tân vào Khu di tích lịch “Rừng lịch sử” ở xã An Lập kế bên dài chưa tới 10 km, mấy năm trước là đường mòn hình thành sau ngày giải phóng (30/4/1975), nhiều đoạn gốc cây, cỏ rậm che lấp lối đi. Các tuyến giao thông từ Ủy ban xã Long Tân vào khu dân cư các ấp cũng toàn đường mòn mùa mưa khá lầy lội. Ngay ấp Vũng Tây nơi gia đình ông cư ngụ đến năm 2004 mới có 4 tuyến đường đất đỏ, mùa mưa dính sình, mùa khô bụi đỏ quần áo.
Ông Lễ kể: “Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, ấp Vũng Tây được đầu tư 3 tuyền đường trải nhựa và 3 tuyển trải thảm bê tông. Riêng tuyến qua khu dân cư của tôi do thiếu ngân sách nên chưa được xây dựng”.
Không chịu ngồi chờ ngân sách nhà nước, ông Trần Xuận Lễ đến từng gia đình trong khu dân cư tìm hiểu nguyện vọng làm đường đồng thời vận động cô bác hiến đất, góp tiền chung tay mở đường.
Thấy nguyện vọng và khí thế của bà con lên cao, ông Lễ kiến nghị với Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Long Tân giao cho khu dân cư của ông bàn việc hiến đất, góp tiền mở đường nhựa.
Thiết kế ban đầu mặt đường chỉ rộng 4 m nhưng nhân dân hai bên tuyến đường đi qua đồng thuận hiến thêm mỗi bên 0,5m đất theo chiều sâu mở rộng mặt đường lên 5 m. Bản thân gia đình ông Trần Xuân Lễ hiến 20 m2, giá trị trên 20 triệu đồng.
“Ngoài hiến đất mở rộng đường, 14 hộ trong tổ Mặt trận của tôi còn góp 492 triệu đồng đầu tư tuyến đường nhựa dài 332 m. Nhờ có đường nhựa, mùa mưa các cháu đến trường không phải lội sình, mùa nắng không dính bụi” - ông Lễ nói.
Sau 5 năm thành lập, đến cuối năm 2019 Long Tân có 109,4 km đường được nhựa hóa. Tổng kinh phí đầu tư trên 30 tỷ đồng, trong đó nhân dân ngoài hiến đất mở đường còn góp 3,3 tỷ đồng tiền mặt xây dựng GTNT. 100% hộ dân được cấp điện, nước sạch sinh hoạt; 99% hộ được ở trong những ngôi nhà khang trang, diện tích bình quân 26 m2/người....
Không còn hộ nghèo
Ông Nguyễn Ngọc Thạnh Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Long Tân thông tin, năm 2011, xã Long Nguyên (cũ) triển khai Chương trình xây dựng NTM, lúc ấy trên địa bàn Long Tân còn 2,3% hộ nghèo. Năm 2014, Long Tân tách ra từ xã Long Nguyên (cũ) cũng là thời điểm xã Long Tân tập trung huy động mọi người lực xây dựng NTM.
Đến cuối năm 2019, Long Tân cơ bản xóa xong hộ nghèo; 95% lao động có việc làm, trong đó có 65% lao động được đào tạo nghề cơ bản. Thu nhập bình quân tính trên đầu người đạt gần 70 triệu đồng/năm. Toàn xã Long Tân có 30% số hộ khá giàu.
“Chất lượng cuộc sống của nhân dân tốt như hôm nay, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phải kể đến vai trò không thể thiếu của các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc ở Long Tân”- ông Nguyễn Ngọc Thạnh khẳng định.
Đến thăm hộ Hồ Văn Hồng ở ấp Bờ Cảng - nơi hứng chịu 27 lượt B.52 rải thảm 55 năm trước, chúng tôi cảm phục cách sản xuất đa canh theo phương pháp VAC (vườn - ao - chuồng) trong trang trại của anh. Từ 10 ha đất khai phá từ sau ngày giải phóng, vợ chồng Hồ Văn Hồng phá 4 ha cây điều chuyển sang trồng cao su.
Năm 2017, anh tiếp tục đốn tiếp 6 ha điều còn lại, xuống tỉnh Bến tre mua 2.000 cây tre giống điền trúc về trồng trên diện tích 4 ha…
Năm 2019, vợ chồng Hồng đầu tư trên 3 tỷ đồng xây dựng 3 nhà nuôi yến (một nhà đã thu sản phẩm). Phấn khởi vì ăn nên làm ra, anh Hồng nói: “Vụ măng tre năm 2019 thu 30 tấn, lái mua tại vườn 8.000 đồng/kg. Hai trại heo bỏ túi 1 tỷ đồng lãi ròng”.
Theo báo cáo của Hội Nông dân xã Long Tân, giữa năm 2020 xã này có 542 hộ nông dân khá - giàu, đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi trong đó có 3 hộ đạt danh hiệu cấp Trung ương).