Nợ công phải ở phạm vi an toàn
Chiều 8/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Một lần nữa vấn đề trách nhiệm được các ĐBQH nhắc đến liên quan đến những tồn tại hạn chế trong quá trình quản lý điều hành.
ĐBQH phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ngay 8/6. (Ảnh: Quang Vinh).
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xử lý 12 dự án thua lỗ tiến độ chậm
ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) bày tỏ băn khoăn khi những nguyên nhân hạn chế được Chính phủ nêu ra trong báo cáo về kinh tế - xã hội không mới. Nguyên nhân năm sau như nguyên nhân năm trước. Và phải chăng do nguyên nhân không sát thực tế khiến từ đó đưa ra giải pháp không thuyết phục, phù hợp.
Minh chứng cho nhận định trên, ông Xuân đưa ra dẫn chứng: Đơn cử như cổ phần hóa DNNN diễn ra chậm; xử lý 12 dự án thua lỗ chưa có dấu ấn đậm nét; các công trình quốc gia triển khai chậm; Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo chưa được thu hẹp, nhất là miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, giao vốn chậm so với kế hoạch gây khó cho địa phương trong chủ động kế hoạch.
Từ những bất cập trên, ông Xuân đề nghị cần phải kiên quyết hơn trong xử lý, làm cơ sở cho thúc đẩy phát triển. Đặc biệt cần công khai minh bạch trong quá trình điều hành quản lý.
“Như vụ tạm ngưng xuất khẩu gạo, thủ tục xuất khẩu chưa minh bạch, gây khó cho doanh nghiệp. Hàng đưa ra tàu rồi bỗng dưng phải dừng lại gây thiệt hại cho doanh nghiệp, cuối cùng doanh nghiệp ép người nông dân chịu thiệt thòi, từ đó khiến người dân rất bức xúc”- ông Xuân nói.
Than phiền về việc giải ngân vốn đầu tư công đang diễn ra chậm trễ, cùng chung quan điểm, ĐBQH Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, cổ phần hóa DNNN để sử dụng hiệu quả vốn nhà nước. Qua đó Nhà nước chỉ tập trung vào những lĩnh vực tư nhân không làm được. Tuy nhiên thời gian qua, việc cổ phần hóa DNNN nhiều năm còn chậm, nợ nước ngoài gia tăng tạo lên áp lực trả nợ tăng. Do đó theo ông Lâm cần xử lý triệt để những tồn tại diễn ra từ rất lâu này.
Trách nhiệm ở đâu?
Đó là vấn đề được nhiều ĐBQH đề cập trước những bất cập trong quản lý của bộ máy nhà nước hiện nay. Từ thực tế liên tiếp xảy ra phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép tại các đại phương, ĐBQH Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) đặt câu hỏi: “Dù chúng ta có các Ban Chỉ đạo từ Trung ương cho đến cơ sở nhưng không xử lý được vấn đề phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép. Mặc dù đây là vấn đề kỳ họp nào báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp cũng được Mặt trận đề cập đến nhưng đến nay vẫn còn tiếp diễn. Nhiều nơi vi phạm nghiêm trọng, người dân phải đóng cọc tre như thời phong kiến để chống cát tặc, vậy ai chịu trách nhiệm? Quản lý nhà nước ở đâu? Miếng đất xen kẹt ở vùng nông thôn còn biết hết, vậy trách nhiệm người đứng đầu ở đâu trong quản lý rừng, khai thác cát sỏi? Đã đến lúc báo động vì xu hướng này không giảm mà còn tăng lên”.
Khi nhìn nhận về những vấn đề trên, theo ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cần làm đến nơi đến chốn, không để núi rừng ngày càng hoang tàn, đồng bào nghèo ngày càng nghèo hơn còn những người có quyền lực ở đây thì lại về xuôi.
Nợ công phải ở phạm vi an toàn
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Do kết quả phát triển kinh tế- xã hội năm 2019 của nước ta đạt rất tốt, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt, nên 6 tháng đầu năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng chúng ta vẫn có nguồn lực để đầu tư và phát triển. Thực tế cho thấy, những tháng đầu năm nay, khi tăng trưởng kinh tế của nhiều nước âm thì Việt Nam vẫn tăng trưởng 3,82%.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Lần này không trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà chúng ta cố gắng để đạt ở mức cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2020. Dù vậy, trên cơ sở đánh giá diễn biến tình hình những tháng đầu năm và tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, nhất là dù Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 nhưng những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam vẫn đang phải căng mình chống dịch, vấn đề là phải cố gắng để không bị giảm tăng trưởng nhiều.
“Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là không thể nào đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,8% đến 7% năm 2020 như mục tiêu đặt ra. Cũng chắc chắn rằng ngân sách không thể thu được, thậm chí hụt thu hơn 100.000 tỷ đồng”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói. Vì thế, để đảm bảo các yếu tố vĩ mô, theo Chủ tịch Quốc hội, nợ công phải ở phạm vi an toàn. Bội chi năm 2018 theo quyết toán rất thấp, là 2,8% GDP; năm 2019 kiểm soát bội chi ở mức 3,5%; nhưng năm nay chắc chắn bội chi sẽ tăng lên vì hụt chi và vì nhiều khoản chi cấp bách phải thực hiện. Chẳng hạn, vừa rồi chúng ta “tung” ra gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ các trường hợp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây là khoản chi không có trong dự toán chi được thông qua từ đầu năm mà phải sử dụng nguồn tăng thu năm 2019 và cả nguồn dự toán của năm nay, dùng cả ngân sách Trung ương và địa phương.
“Do đó, năm nay, Quốc hội giao Chính phủ có điều chỉnh trong điều hành. Chẳng hạn như điều chỉnh chi tiêu cục bộ, ở địa phương nào, bộ ngành nào mà không giải ngân được vốn đầu tư công làm chậm chễ thì Chính phủ sẽ được quyền điều chỉnh cục bộ”- Chủ tịch Quốc hội cho biết, đồng thời vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm đã tồn tại dai dẳng nhiều năm, không thể đổ lỗi cho dịch Covid-19.
Nói thêm về dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, nhiều đơn vị, tổ chức quốc tế cũng đặt vấn đề không biết Việt Nam có giấu dịch Covid-19 không. Họ tự bình luận, thậm chí tự đi khảo sát một số cơ sở ở Việt Nam, như họ đi khảo sát ở Đài hóa thân Hoàn Vũ và các nhà tang lễ và nhận thấy số người chết trong thời gian chống dịch còn giảm hơn khi chưa có dịch. “Thế nên họ phải khẳng định là không có chuyện Việt Nam giấu dịch”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam có cơ hội đón dòng đầu tư mới. Thủ tướng yêu cầu mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân quyết tâm chấn chỉnh những nhược điểm cố hữu, đặc biệt là chữa cho được căn bệnh trì trệ, sợ trách nhiệm.
Liên quan đến nhiệm vụ giải ngân đầu tư công, Thủ tướng khẳng định, bộ nào, địa phương nào không làm tốt sẽ điều chuyển vốn đi chỗ khác, đồng thời xử lý trách nhiệm.
Lưu ý rằng trong lúc toàn cầu vẫn đang chìm trong khó khăn, Việt Nam vẫn phải đối phó với tình trạng đứt gãy chuỗi cung cầu và mất đi khoảng 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, Thủ tướng mong muốn Quốc hội đồng lòng với Chính phủ để kiên trì giải quyết những tồn đọng cũ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.