TP HCM: Lý giải nguyên nhân ngập kinh niên vào mùa mưa
Ngày 9/6, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình chống ngập trên địa bàn TP HCM trong một năm qua.
TP HCM lập hệ thống cống kiểm soát triều và đê kè trên sông Sài Gòn để giảm ngập cho trung tâm thành phố.
Tại buổi họp báo, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP đưa ra một số đánh giá nguyên nhân ngập trên địa bàn thành phố. Trong đó, chỉ tính từ đầu năm đến nay thành phố xảy ra 3 trận mưa lớn (từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6) khi mùa mưa bắt đầu, gây ngập nặng ở 22 tuyến đường trên địa bàn.
Nguyên nhân chính là do một số quận, huyện phát triển hạ tầng nhanh, vào thời điểm gặp điều kiện thời tiết cực đoan như những trận mưa lớn vũ lượng cao, thời gian mưa ngắn, dẫn đến ngập nội bộ một số điểm trong khu đô thị.
Cũng theo ông Vũ Văn Điệp, hiện nay hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP HCM nói chung cũng như công tác thoát nước đô thị nói riêng đã được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, một số hạ tầng cũ, duy trì từ sau giải phóng cho tới nay đã bộc lộ các nhược điểm do thiết kế không đủ đáp ứng được năng lực tiêu thoát nước. Cụ thể, các trận mưa lớn, với vũ lượng nước đã vượt quá thiết kế (cống thoát nước) gây quá tải hệ thống thoát nước tại một số nơi.
Chẳng hạn, khi so sánh các trận mưa vào những năm 2008, với cường độ mưa 112,3 mm, thì thành phố đã giảm được 105 điểm ngập, và về chiều sâu ngập cũng giảm xuống duy trì ở mức 0,1-0,3 m.
Về hệ thống bơm giảm ngập, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP HCM cung cấp số liệu hệ thống bơm có công suất từ 27.000 m/giờ đến 96.000 m³/giờ để tăng cường khả năng thoát nước.
Tại dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (khởi công từ tháng 10/2019), kết hợp sử dụng máy bơm thông minh đang được triển khai hiệu quả. Các tuyến đường xuất hiện tình trạng ngập còn tồn đọng cũng được thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai nhanh các dự án chống ngập để nhanh chóng xóa các điểm ngập hiện nay.
Đối với tình trạng ô nhiễm và xả thải, san lấp kênh rạch, theo Sở Xây dựng TP HCM, toàn thành phố có 67 vị trí lấn chiếm sông, kênh rạch và vừa qua Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan đã phối hợp xử lý 34 vị trí. Riêng Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP đã kiểm tra, thống kê từng vị trí và có văn bản gửi các quận, huyện, phường để giải tỏa các vị trí lấn chiếm này. Tuy nhiên, Sở Xây dựng cũng thừa nhận công tác xử lý các vị trí này rất khó khăn nên tiến độ giải quyết các điểm lấn, chiếm này rất chậm và gây ảnh hưởng đến hiệu quả thoát nước.
Tại buổi họp báo, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP cũng đề xuất giải pháp để giải quyết ngập cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo ông Vũ Văn Điệp, hiện trạng của sân bay Tân Sơn Nhất hiện có hai hướng thoát nước chính là kênh A41 (hướng thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè qua đường Út Tịch) và kênh Hy Vọng (hướng thoát ra kênh Tham Lương). Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại kênh A41 bị lấn chiếm nên dẫn đến khả năng thoát nước của kênh này bị giảm rất nhiều.
Hướng chống ngập cho sân bay chủ yếu tập trung giải quyết tình trạng lấn chiếm, khôi phục trả lại kênh A41, bởi vì nếu trả lại nguyên trạng kênh này như ban đầu thiết kế sẽ không còn ngập nặng. Hiện nay, Ban Quản lý Hạ tầng đô thị TP cũng đang có dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực đường Phan Huy Ích, cũng như kênh Hy Vọng để cải thiện tình trạng ngập tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Trung tâm Báo chí TP HCM và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP cũng tổng kết, tiếp thu nhiều ý kiến kiến nghị, góp ý liên quan đến xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến xử lý các điểm lấn chiếm tồn tại hiện nay và chế tài xử lý, với những điểm lấn chiếm trái phép; trách nhiệm người đứng đầu về cưỡng chế để hoàn trả lại mặt bằng đã lấn chiếm; về trách nhiệm tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng để khôi phục lại hiện trạng.