Thi tốt nghiệp THPT 2020: Áp lực từ địa phương
Sáng 9/6, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị tập huấn về thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng tại TP Hồ Chí Minh. Tại đây, Bộ công bố lịch thi chi tiết của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Cần giảm áp lực cho kỳ thi THPT. (Ảnh minh họa).
Hai bài thi tổ hợp diễn ra cùng thời gian
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ chính thức diễn ra trong 2 ngày từ 9/8 đến 10/8. Ngày 8/8, thí sinh làm thủ tục dự thi. Sáng 9/8, thí sinh sẽ tham gia làm bài thi Ngữ văn trong 120 phút theo hình thức tự luận. Chiều cùng ngày, thí sinh sẽ thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm trong 90 phút. Sang ngày thi thứ hai (10/8), vào buổi sáng, thí sinh sẽ làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) và tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH) song song.
Trong đó, bài thi Khoa học tự nhiên sẽ diễn ra tuần tự 3 môn thành phần gồm Vật lý, Hóa học và Sinh học (mỗi môn 50 phút), và bài thi Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân (mỗi môn 50 phút). Chiều cùng ngày, thí sinh sẽ hoàn thành bài thi Ngoại ngữ trong 60 phút.
Điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 là thí sinh chỉ được phép chọn 1 tổ hợp môn nên Bộ GDĐT quyết định sẽ không tách giờ thi của hai tổ hợp môn KHXH và KHTN. Ngoài ra, thí sinh cũng bắt buộc phải có mặt tại phòng thi trong chiều 8/8 để hoàn tất các thủ tục, đính chính các thông tin nếu có xảy ra sai sót. Việc chấm thi hoàn thành chậm nhất ngày 26/8. Các Sở GDĐT, các hội đồng thi công bố kết quả thi vào ngày 27/8/2020. Các trường phổ thông hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp sơ bộ chậm nhất ngày 30/8.
Đối chiếu kết quả thi với học bạ bậc THPT
Một điểm mới trong kỳ thi năm nay là Bộ sẽ thực hiện đối sánh, phân tích mối tương quan kết quả thi với kết quả học tập bậc THPT (học bạ) của thí sinh. Việc xếp thứ tự điểm trung bình của các môn thi của các địa phương (phổ điểm) sẽ tiếp tục được Bộ GDĐT thực hiện. Mặc dù có ý kiến từ phía Sở GDĐT cho rằng việc này bất cập do tỷ lệ tuyển sinh tăng dần, kết quả xếp hạng không có tính thuyết phục. Đồng thời, việc xếp hạng này cũng gây áp lực cho các Sở GDĐT, đặc biệt là người đứng đầu Sở.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay kể cả Bộ GDĐT không làm thì các đơn vị khác cũng thực hiện việc xếp hạng. Sau khi công bố điểm, các phóng viên báo chí cũng làm để phân tích chỗ nào trũng, chỗ nào cao. Chính cái đó mới là cơ sở để xem đâu là việc cần phải lưu ý.
“Chúng ta cần phải chủ động làm tốt. Cứ làm tốt, thực chất, công khai, minh bạch thì chúng ta sẽ có được kết quả đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi. Còn các việc liên quan đến phổ điểm, công bố kết quả thi chỉ là những việc mang tính chất kỹ thuật. Do đó, không phải vì thế mà chúng ta lo ngại, bởi có thể xem là chỉ số để có những giải pháp cải tiến chất lượng dạy và học ở địa phương tốt hơn. Thậm chí, đây cũng là chỉ số để Bộ GDĐT theo dõi nếu như có những tình huống bất thường, để qua đó có những chỉ đạo làm rõ thêm vấn đề”- Bộ trưởng Nhạ thông tin.
Theo các chuyên gia, năm nay kỳ thi giao về cho các địa phương nên gánh nặng trách nhiệm không chỉ đặt lên vai ngành giáo dục mà đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, thông suốt của tất cả các đơn vị có liên quan.
Nói như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân, yêu cầu của tỉnh không phải tất cả học sinh đỗ tốt nghiệp mà là tổ chức kỳ thi tuyệt đối nghiêm túc, học ra học, thi ra thi theo đúng quy chế của Bộ GDĐT.
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt này từ tỉnh sẽ là kim chỉ nam quan trọng để ngành giáo dục mỗi địa phương chuẩn bị và tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 nói riêng và các kỳ thi tiếp đúng pháp luật. Áp lực về kết quả thi THPT quốc gia của các địa phương là không tránh khỏi nhưng quan trọng hơn, đó là một cơ hội đánh giá chất lượng trên diện rộng, để kiểm tra mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của các em học sinh lớp 12 so với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Căn cứ vào kết quả đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của các nhà trường, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.
Xử nghiêm để hạn chế vi phạm
Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020, sẽ buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi vi phạm sau đây: Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; làm lộ số phách bài thi; sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh.
Cũng theo quy định của Quy chế, công chức, viên chức không tham gia tổ chức thi nhưng có các hành động như: Thi hộ, tổ chức lấy đề thi ra và đưa bài giải vào cho thí sinh, đưa thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến kỳ thi, gây rối làm mất trật tự tại khu vực thi - sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị buộc thôi việc.