Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp khó khả thi
Thủ tục hành chính về thuế quá rườm rà, “gánh” thêm nhiều chi phí, đối diện với nhiều vấn đề “nhạy cảm” như thanh tra, kiểm tra, chi phí ngoài luồng... là những lý do khiến cho phần lớn các hộ kinh doanh cá thể không muốn phát triển lên thành doanh nghiệp (DN). Thực tế này đang kéo chậm mục tiêu đạt được 1 triệu DN trong năm nay của các cơ quan quản lý.
Để hộ kinh doanh cá thể muốn phát triển doanh nghiệp, nhà quản lý cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Ảnh: Quang Vinh
Nhiều hộ kinh doanh “sợ” lớn
Đại dịch Covid-19 khiến cho số DN tuyên bố rời khỏi thương trường gia tăng mạnh trong quý I/2020. Tính riêng tháng 4, cả nước có hơn 4.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 68% so với tháng trước, số doanh nghiệp giải thể và chờ giải thể chiếm hơn 3.000. Tính chung 4 tháng đầu năm, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời gian, giải thể hoặc chờ giải thể tăng lên 42.000 doanh nghiệp.
Thực trạng này đưa đến cảnh báo về khả năng khó đạt được con số 1 triệu DN trong năm nay. Nói như Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, mục tiêu đạt 1 triệu DN mới trong năm 2020 là rất khó khăn, thậm chí là không đạt được.
Trước đó, nhiều chuyên gia bày tỏ hy vọng vào con số 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động trên cả nước hiện nay. Theo nhận định của giới chuyên gia, với 5 triệu hộ kinh doanh, gấp 10 lần số DN đang hoạt động, tổng tài sản ước tính khoảng 655.000 tỷ đồng đây chính là cơ sở để chúng ta kỳ vọng vào con số 1 triệu DN đến cuối năm 2020 này.
Số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho biết, trong số 5 triệu hộ sản xuất kinh doanh hiện nay, có tới 11% hộ kinh doanh nằm trong diện có thể chuyển đổi thành DN, tức là sử dụng lao động thường xuyên từ 10 người trở lên. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn dễ dàng và diễn biến như kỳ vọng, bởi chỉ một nửa trong số 11% kia (khoảng 5,6%) có dự kiến sẽ chuyển đổi thành DN, còn lại vẫn chọn mô hình kinh doanh hộ gia đình.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Trần Minh Trung, một chủ cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ở Hà Tây (Hà Nội) cho biết, từ năm 2010 ông đã bắt đầu đăng ký sản xuất theo hộ kinh doanh. Với doanh thu hàng năm 1,5-1,8 tỷ đồng, cơ sở chế biến thực phẩm của ông Trung thường xuyên sử dụng số lượng nhân công trên 10 lao động. Tuy nhiên, khi được hỏi, liệu có ý định chuyển đổi thành DN hay không, ông Trung cho biết, ông không muốn chuyển đổi thành DN, hay nói cách khác rất ngại... lớn.
Nguyên nhân là do, nếu vươn lên thành DN, cơ sở sản xuất của ông sẽ “vướng” vào hàng loạt những thủ tục mà theo ông là “rắc rối”, chẳng hạn như yêu cầu về sổ sách kế toán, rồi mô hình tổ chức và quản lý cũng phức tạp hơn, đặc biệt, ngại nhất là sẽ phải chịu mức thuế cao hơn.
Nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ khác cũng cho biết, mặc dù đã được tư vấn nên phát triển thành DN vì mô hình hoạt động, quy mô vốn, số lượng nhân công đã đủ tiêu chuẩn để phát triển thành DN, song phần lớn các hộ đều chần chừ không muốn thay đổi, không muốn... trưởng thành. Bởi, cũng như ông Trần Minh Trung, phần lớn các hộ đều ngại những thủ tục rườm rà, gánh nặng chi phí, thuế má sẽ bị đội lên.
Chỉ khuyến khích, không thể bắt... lớn
Có thể thấy, với những băn khoăn từ phía các hộ kinh doanh, rõ ràng, nhiều hộ kinh doanh cá thể dù nhìn thấy rất rõ lợi ích của việc chuyển đổi thành DN, nhưng vẫn còn khá nhiều rào cản ngáng chân họ. Câu chuyện liên quan đến rào cản thuế, rồi các vấn đề thủ tục hành chính khác lâu nay vẫn là mối lo lớn đối với các hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, bản thân các hộ kinh doanh cũng chưa nắm rõ quy trình, thủ tục của việc chuyển đổi. Đặc biệt, nhiều hộ kinh doanh lựa chọn mô hình này vì bài toán lợi ích - chi phí.
Trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách đưa ra cần phải là đòn bẩy khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển thành DN, chứ không thể là mệnh lệnh hành chính. Nói như chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, chính sách đưa ra phải khuyến khích động viên, nhà quản lý cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo những điều kiện mà khi các hộ kinh doanh nhìn thấy lợi ích, đơn giản và thuận tiện, họ sẽ tự nguyện “xin lớn”.
Và một vấn đề quan trọng là khi đã trở thành DN, cần phải tạo tâm lý yên tâm sản xuất cho các hộ kinh doanh chứ không thể duy trì tâm lý lo lắng phải dối diện với những gánh nặng chi phí, tiếp những đoàn kiểm tra cũng như hàng loạt các thủ tục rườm rà gây e ngại cho họ.