1 năm liệu có cấp xong 80 triệu mã số định danh cá nhân?
Chiều 9/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Nhiều ĐBQH đã bày tỏ quan điểm tán thành với việc bỏ sổ hộ khẩu, quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
ĐB Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) cho rằng việc ban hành luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về quyền con người, khắc phục bất cập về quyền cư trú hiện nay. Tuy nhiên trong những quy định cấm như không cho người khác đăng ký vào nơi ở của mình khi người đó không sinh sống tại đó, hay vụ lợi thì cần bổ sung thêm trường hợp khi không đảm bảo diện tích bình quân theo quy định. Liên quan đến việc thực tế có trường hợp cha mẹ có nơi thường trú khác nhau và đăng ký cho con chưa thành niên ở 2 nơi thường trú khác nhau, ông Xuân cho rằng cần quy định con chưa thành niên chỉ được đăng ký ở một nơi theo cha, hoặc mẹ.
Ông Xuân cũng cho rằng, trong quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện thường trú, hạn chế các quy định về nhập hộ khẩu thì hiện số lượng người dân di chuyển đến các thành phố để học tập, sinh sống là rất lớn. Do điều kiện đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề cho nên đây là vấn đề cần nghiên cứu các quy định hiện hành về cư trú gây nhiều khó khăn cho người dân, đặc biệt người lao động. Vì vậy điều kiện đăng ký thường trú quy định như Dự thảo sẽ gây khó khăn nhất là những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, những hộ nghèo, cận nghèo không có đủ diện tích bình quân như quy định. Như vậy không khéo là vi phạm quyền tự do cư trú của công dân. Do đó cần làm sao nghiên cứu để đảm bảo quyền cư trú của người dân. Có thể bỏ quy định này hoặc sửa đổi lại cho phù hợp.
Theo ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang), sổ hộ khẩu đang có nhiều vấn đề phức tạp cho người dân khi đến nơi khác đăng ký thường trú, hay tạm trú. Cho nên bỏ sổ hộ khẩu, quản lý theo mã số định danh là phù hợp với tình hình hiện nay. Bà Lịch cho rằng, điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo quyền tự do cư trú của người dân theo quy định của Hiến pháp. Nhưng cần làm rõ tác động tiêu cực của giải pháp này. Tăng dân số cơ học tại các thành phố gây áp lực cho hệ thống y tế và giáo dục. Như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh các dịch vụ công thường xuyên quá tải. Vậy có nên xem xét quy định bảo đảm diện tích bình quân theo quy định của HĐND hay không? Như vậy giao quyền cho địa phương sẽ quy định diện tích tối thiểu mới được đăng ký thường trú là gây khó khăn cho các gia đình ngoại tỉnh khi đăng ký thường trú.
“Việc mua nhà hay thuê trọ đảm bảo theo quy định sẽ rất khó khăn, do đó dễ xảy ra “lách luật”, mượn chỗ ở của người thân để đăng ký, từ đó làm cho tính khả thi của luật không đảm bảo”- bà Lịch bày tỏ.
Còn ĐB Trần Văn Quý (đoàn Hưng Yên) đặt vấn đề rằng: Dự kiến luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, hiện mã số định danh cá nhân chúng ta mới cấp được 16 triệu dân, vậy trong 1 năm nữa có hoàn thành cấp đủ 80 triệu mã số định danh cá nhân hay không? Rồi nguồn lực sẽ cần 3.500 tỷ đồng để cấp mã số định danh cá nhân cho 80 triệu dân. Vậy có nguồn để thực hiện hay không?
Nói ngay trước khi các đại biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, bỏ hộ khẩu là toàn dân rất mừng, “ông thích quản chặt chẽ người ta là ông công an mà còn suy nghĩ bỏ sổ hộ khẩu là điều rất đáng mừng”.