Tháng hành động vì môi trường: Lan toả nhiều hoạt động ý nghĩa
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, ngày 5/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã Phát động Tháng hành động vì môi trường. Theo đó nhiều địa phương trên cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả và ý nghĩa.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cùng người dân tham gia phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”.
Ngày hội của những người làm môi trường
Ngày Môi trường thế giới năm 2020 mang một thông điệp mạnh mẽ, đó là “Time for Nature” – Hành động vì thiên nhiên. Theo Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, năm nay là năm quan trọng đối với các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học với việc tăng cường đồng loạt các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước.
Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất.
Ở Việt Nam, từ lâu, Ngày Môi trường thế giới (5-6) đã trở thành sự kiện thường niên, là ngày hội của những người làm công tác môi trường.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Ngày Môi trường Thế giới hàng năm trở thành dịp có ý nghĩa với ngành Tài nguyên và Môi trường, vì đây là dịp bắt đầu Tháng hành động vì môi trường. Trong thời gian này, với sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới các địa phương, các cơ quan, ban ngành và các tổ chức quốc tế, công tác bảo vệ môi trường được cả xã hội quan tâm và tổ chức triển khai đồng loạt nhiều hoạt động rầm rộ có ý nghĩa, thiết thực và hiệu quả vì một môi trường phát triển bền vững.
Thay đổi nhận thức từ phong trào “Ngày chủ nhật xanh”
Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” tại tỉnh Thừa Thiên – Huế là một trong những mô hình tiêu biểu trong việc huy động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.
Đến nay, sau hơn một năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã tổ chức được khoảng 50 đợt ra quân với hơn 612.406 lượt người tham gia, đã tạo ra những sự chuyển biến tích cực trong việc bảo vệ môi trường, không chỉ thế nhận thức về môi trường của người dân ngày càng được nâng lên, phong trào đã thực sự đi vào cuộc sống, từ đó nhiều mô hình, cách làm hay đã hình thành.
Điển hình như mô hình "Tuyến đường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Trật tự trị an"; mô hình "Huế - thành phố 4 mùa hoa" được các địa phương thực hiện bằng việc trồng hoa bằng lốp ôtô; xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, bồn hoa tại các cơ quan, trường học; phong trào “Nói không với rác thải nhựa”; chương trình “Hãy làm sạch biển”… được đông đảo người dân đồng tình, hưởng ứng.
Ngoài ra, phong trào còn tổ chức trồng và chăm sóc hàng trăm nghìn cây xanh tại các điểm công cộng. Hơn 120.000 cây xanh các loại được trồng tại các tuyến đường liên thôn, liên xã.
Em Hồ Thị Minh Trang (học sinh lớp 12 trường THPT Cao Thắng, TP Huế) chia sẻ, “Ngày Chủ nhật xanh” thật sự là một phong trào bổ ích, ngoài việc tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, còn giáo dục các thế hệ trẻ cách ứng xử tốt với môi trường tự nhiên.
“Hình ảnh về môi trường tự nhiên đẹp hay xấu sẽ là tấm gương phản chiếu cho hành động của chúng ta khi ứng xử với chúng”, em Trang nói.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau một năm thực hiện, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã từng bước nâng cao ý thức của người dân tham gia bảo vệ môi trường, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
“Kể từ khi phong trào Ngày Chủ nhật xanh được triển khai, nhiều mô hình, cách làm hay ở nhiều địa phương đã xuất hiện, đã tạo sự lan tỏa trong nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường”, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định.
Có thể nói, chưa có một phong trào nào mà tỉnh Thừa Thiên – Huế lại đón nhận được sự đồng thuận cao từ người dân như Ngày chủ nhật xanh. Phong trào đã thuhút đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên, các tổ chức tôn giáo và nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng.
Thậm chí, trong thời điểm dịch bệnh Covid – 19 bùng phát tại Việt Nam, phong trào Ngày Chủ nhật xanh tại tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn được duy trì thường xuyên, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp trong tình hình mới, với quan niệm lúc dịch bệnh càng phải vệ sinh môi trường sạch sẽ, vì môi trường trong lành sẽ góp phần đẩy lùi bệnh tật.
Trong năm 2020, hưởng ứng Ngày môi trường thế giới với chủ đề “Hành động vì thiên nhiên”, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” tại Thừa Thiên – Huế vẫn sẽ tiếp tục được duy trì và bước vào giai đoạn mới, đi vào chiều sâu từng bước nâng cao nhận thức của người dân “từ nhặt rác sẽ tiến thêm một bước nữa là không xả rác”.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã trồng 10.000 hecta rừng phòng hộ trên cát chống cát bay, cát lấp; trồng hơn 150 hecta rừng ngập mặn và nhiều hoạt động khác để tạo môi trường thuận lợi cho các loài động, thực vật phát triển đảm bảo sự đa dạng sinh học góp phần bảo vệ môi trường.
Sôi nổi các hoạt động vì môi trường
Nhằm tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã kêu gọi Mặt trận và các đoàn thể cấp tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ra quân trồng cây xanh, dọn dẹp vệ sinh và tổ chức các mô hình chống rác thải nhựa.
Các huyện, thành phố tổ chức “Tháng hành động vì môi trường” kết hợp tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2020.
Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum cũng kêu gọi các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh cùng tổ chức các hoạt động thiết thực như: tổ chức rà soát, đánh giá lại thiết bị, công nghệ sản xuất và xử lý môi trường; đầu tư nâng cấp, thay thế các thiết bị máy móc các công trình xử lý môi trường không đáp ứng yêu cầu…
Người dân thành phố Hạ Long, Quảng Ninh dọn rác bên bờ biển. Ảnh: Trần Thanh.
Tại TP Hạ Long, Sở Du lịch Quảng Ninh cũng đã tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6 với chủ đề “Vì một hành tinh xanh và đa dạng sinh học”.
Tại lễ ra quân, Sở Du lịch Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị phổ biến, tuyên truyền đến gần 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch về các hoạt động bảo vệ môi trường như: Sử dụng tiết kiệm điện, nước; ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; hạn chế sử dụng túi ni lông, không thải rác thải nhựa ra môi trường…
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải tàu du lịch, nhà hàng ăn uống trên địa bàn TP Hạ Long cũng đã chia sẻ những giải pháp cụ thể của đơn vị nhằm bảo vệ môi trường một cách hiệu quả nhất.
Ngay sau lễ ra quân, các đại biểu, đoàn viên thanh niên Sở Du lịch đã tiến hành dọn vệ sinh môi trường tại Bãi tắm Công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long.
Tại Đồng Tháp, các địa phương cũng triển khai phát triển các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học gắn với hoạt động xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường trong xã hội và của mỗi người dân…
Các hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương, ngăn chặn ô nhiễm nhựa bảo vệ môi trường và khuyến khích các giải pháp đổi mới vì một đại dương khỏe mạnh.
Đoàn viên thanh niên và nhân dân trên đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị tiến hành dọn vệ sinh các trục đường quanh đảo. Ảnh: Lê Tài.
Cũng trong Tháng hành động vì môi trường, huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) đã tổ chức Lễ phát động phong trào “Nói không với túi ni lông”, “Chống rác thải nhựa”. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5-6, Ngày Đại dương thế giới 8-6 và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020.
Tại buổi lễ, các đại biểu, đoàn viên, thanh niên được phổ biến các nội dung hoạt động hè gắn liền với công tác bảo vệ môi trường; tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo; ký cam kết về hạn chế sử dụng rác thải nhựa... Dịp này, Ban tổ chức trao tặng túi vải cho người dân nhằm đẩy mạnh phong trào sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường tại Cồn Cỏ.
Ngay sau lễ phát động, hàng trăm đại biểu, cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên và nhân dân trên đảo đã tiến hành dọn vệ sinh môi trường biển, các trục đường quanh đảo.