Tìm tiêu chí tôn vinh những người làm báo
Nhằm phục vụ việc biên soạn bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam trong lĩnh vực truyền thông, ngày 10/6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Viện Đào tạo báo chí và truyền thông (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng danh mục nhân vật truyền thông”.
Quang cảnh Hội thảo.
Theo đó, việc biên soạn bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam trong lĩnh vực truyền thông không chỉ là sự tiếp nối truyền thống của tiền nhân, mà còn ghi lại, mô tả lại, xây dựng những thước phim tư liệu bằng ngôn ngữ về những sự việc, sự kiện trong lĩnh vực truyền thông đương đại, trong thời đại đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế... Dự kiến, việc chọn các nhân vật báo chí, truyền thông được chia làm các giai đoạn từ 1865-1930; 1930-1945; 1945-1954; 1954-1975 và 1975-1986.
Tại Hội thảo, đã có 14 phát biểu, tham luận của các nhà báo lão thành, nhà khoa học về tiêu chí xây dựng danh mục nhân vật truyền thông qua các giai đoạn. Hầu hết các phát biểu, tham luận đều thống nhất: Nhân vật truyền thông không chỉ có người viết báo mà còn cả những người làm công tác hậu cần; cần quan tâm đến yếu tố báo chí Việt Nam ở nước ngoài chứ không chỉ ở trong nước; tính Đảng, tính cách mạng, tính đại chúng, tính hiện đại trong lựa chọn nhân vật truyền thông...
Đơn cử về giai đoạn “khởi thủy” của báo chí Việt Nam từ năm 1865 đến năm 1930, PGS.TS Trần Viết Nghĩa (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng, ở giai đoạn này báo chí ban đầu là lợi khí của người Pháp nhưng người Việt sau những bỡ ngỡ trước một loại hình văn hóa mới đã nhanh chóng nắm lấy, biến báo chí từ “lợi khí” của kẻ thù thành “vũ khí” đấu tranh chống lại sự cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam, thành “công cụ” để khai dân trí, chấn dân khí. Với những yếu tố trên có 4 tiêu chí để xác định một nhà báo tiêu biểu ở giai đoạn này.
Cụ thể, nhân vật phải có tri thức lớn; có ảnh hưởng đến sự phát triển chung của báo chí Việt Nam; có ảnh hưởng lớn đến sự phát kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam; có ảnh hưởng lớn đến phong trào giải phóng dân tộc. PGS Nghĩa cũng dẫn chứng một số nhân vật tiêu biểu ở giai đoạn này như Trương Vĩnh Ký đi tiên phong trong phát triển báo chí tiếng Việt; Nguyễn An Ninh mở đầu cho dòng báo chí tiến bộ công khai chống chính quyền thực dân; Phan Khôi dấy lên những tranh luận trên báo chí; Phạm Quỳnh phát triển Quốc văn, Quốc ngữ... Hay những nhà báo đã sử dụng báo chí để chống Pháp như Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường, Huỳnh Thúc Kháng...
Nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đề xuất, các tiêu chí cần được thống nhất và xuyên suốt để công trình khoa học này có chiều sâu và nhận được sự ủng hộ. Trong đó, có tiêu chí về nhân vật. Ban biên soạn phải thống nhất tiêu chí, thống nhất thời kỳ, thống nhất nhân vật và khoanh vùng khái niệm để lựa chọn.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Thúy Hằng (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) bày tỏ, một trong những tiêu chí không thể bỏ qua đó là các nhà báo sáng lập các tờ báo tiêu biểu, ghi dấu ấn trong lịch sử báo chí, truyền thông Việt Nam như Hoàng Tích Chu là người đầu tiên nghiên cứu báo chí Pháp và mạnh dạn ứng dụng để đổi mới báo Việt Nam, Giám đốc tờ báo Đông Tây.
Còn theo TS Nguyễn Cẩm Ngọc (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông), một trong những tiêu chí cũng cần được cân nhắc đó là những nhân vật được vinh danh bằng các hình thức như tác phẩm báo chí được giảng dạy trong nhà trường; được đặt tên cho các đường phố; được trao tặng các giải thưởng lớn, các huân huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước hoặc các tổ chức nghề nghiệp uy tín ở tầm quốc gia, quốc tế.
Ngoài ra, cũng tại Hội thảo nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu xét về tiêu chí lựa chọn tấm gương nhà báo đi đầu, tiêu biểu, có nhiều cống hiến còn phải kể đến những người tham gia việc đào tạo các lớp báo chí của Trường Tuyên huấn Trung ương, Hội Nhà báo, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Thông tấn xã Việt Nam... Theo kế hoạch, những đề xuất, đóng góp sẽ được Ban biên soạn tổng hợp, ghi nhận và tiếp tục thảo luận cụ thể để lựa chọn những nhân vật cho bộ Địa chí Quốc gia lĩnh vực truyền thông.