Mang 'thể diện quốc gia' đi khắp toàn cầu
Theo số liệu thống kê, năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 147.387 lao động (trong đó có 49.324 lao động nữ), bằng 103,2% so với cả năm 2018. Tính chung, theo Bộ LĐTBXH, từ năm 2006 đến năm 2019, Việt Nam đã đưa được hơn 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Người lao động ra nước ngoài làm việc thường có thu nhập cao và ổn định hơn so với trong nước cùng ngành nghề, trình độ. Bình quân thu nhập (kể cả làm thêm) của người lao động làm việc ở nước ngoài là 400 - 600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông; 700 - 800 USD/tháng ở thị trường Đài Loan; 1.000 - 1.200 USD/tháng ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Hằng năm, lượng tiền người lao động làm việc ở nước ngoài gửi về khoảng 2-2,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, nguồn lao động của ta vẫn còn yếu về ngoại ngữ. Thêm nữa, vẫn còn gần 50% lao động xuất khẩu là lao động phổ thông, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp. Chưa kể đến việc, một số không nhỏ người lao động Việt Nam cố tình trốn ở lại nước sở tại, rủ nhau làm các công việc phi pháp như nấu rượu, buôn bán động vật hoang dã, lập bè nhóm gây mất đoàn kết, đánh chửi nhau... Rồi là gây mất trật tự, mất vệ sinh, hút thuốc lá nơi ở, nơi công cộng, trốn vé tàu, xe, lừa lách vé cước điện thoại, Internet... Những hiện tượng này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu “đã ảnh hưởng đến sĩ diện quốc gia”.
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 4/2020, ông Giàu đề nghị, “cần kiểm soát tốt việc này, người lao động đạt trình độ, đủ điều kiện mới cho đi”. Tán đồng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu phải xử lý nghiêm những trường hợp lao động Việt Nam trốn ở lại, vi phạm pháp luật Việt Nam và nước ngoài.
Philippines là kiểu mẫu về xuất khẩu lao động. Chính phủ Philippines mở trường đào tạo hàng chục ngàn người giúp việc, tài xế, thợ cơ khí và người làm vườn mỗi năm, với mục đích đưa đi phục vụ lâu dài ở nước ngoài. Đã có nhiều nước như Trung Quốc từng có trào lưu thuê nhân viên dịch vụ hộ gia đình hay nói nôm na là lao động giúp việc người Philippines với mức lương thậm chí lên đến gần 2.000 USD/tháng.
Trên thực tế, không chỉ Trung Quốc mà tại nhiều nơi như Singapore, Canada, Thụy Sĩ… và ngay cả tại Việt Nam, người giúp việc từ Philippines rất được ưa chuộng bởi hai đặc điểm: Tính chuyên nghiệp và kỹ năng sử dụng tiếng Anh tốt. Những người đi lao động ở nước ngoài được người dân Philippines gọi là “bagong baiani”, có nghĩa là những anh hùng mới.
Đi lao động ở nước ngoài không chỉ đơn giản là việc “bay đi làm” và gửi những đồng USD về nhà. Mỗi người lao động còn là đại sứ văn hóa, mang “thể diện quốc gia” đi khắp toàn cầu. Do vậy, cử tri và nhân dân mong muốn, việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không chỉ là hoạt động lập pháp thường quy mà cần xây dựng luật này theo hướng tạo ra những quy định cụ thể nhằm ràng buộc chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhưng lại tạo điều kiện người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhưng phải bảo vệ kịp thời, hỗ trợ người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài trong xu thế chuyển dịch lao động quốc tế, lao động di cư và rủi ro khó lường.
Để xuất khẩu lao động trở thành một ngành kinh tế quan trọng, không chỉ xuất khẩu sức lao động mà còn đưa chất xám, những giá trị nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam ra toàn cầu.