Văn hóa phải được chấn hưng

Cẩm Thúy 11/06/2020 08:10

Cách đây 5 năm, khi Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa ra đời, chúng tôi đặt câu hỏi với một nhà nghiên cứu về kỳ vọng chấn hưng văn hóa theo tinh thần Cương lĩnh của Đảng về xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Nhiều nhà nghiên cứu lúc ấy đầy kỳ vọng cùng với chúng tôi, trong đó có GS.TS Ngô Đức Thịnh- người vừa mới qua đời tuần trước.

Có nhiều cơ sở để kỳ vọng, khi Nghị quyết mới ra đời đã không còn chỉ dừng lại ở yêu cầu xây dựng một nền “văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), mà đã có một tầm vóc mới khi văn hóa “thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Như vậy, là với Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), văn hóa là nền tảng tinh thần và phải trở thành sức mạnh nội sinh. Đây là cơ sở để các nhà nghiên cứu kỳ vọng về một cú hích mới mà nhờ sự thay đổi căn bản về quan điểm, văn hóa được đặt đúng vai trò trong sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, như trong Kết luận của Bộ Chính trị vừa được ban hành đã chỉ ra, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW). Trong đó đáng nói là việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Kết luận của Bộ Chính trị cũng cho rằng, đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Và “các đặc trưng cơ bản của nền văn hóa là “dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” cùng quan điểm xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được quán triệt thường xuyên; có dấu hiệu bị buông lỏng trong cả ba môi trường: Gia đình, nhà trường và xã hội”.

Có rất nhiều mặt còn yếu kém về văn hóa được chỉ ra trong Kết luận của Bộ Chính trị, tuy nhiên, chúng tôi chọn đưa ra những vấn đề trên, bởi đó là những điều cho thấy vì sao văn hóa sau suốt 5 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng, văn hóa vẫn chưa thực sự được chấn hưng. Đạo đức, lối sống xuống cấp vẫn đang là lo ngại vào bậc nhất trong đời sống của chúng ta hiện nay. Lần đầu tiên, Đảng đặt ra yêu cầu văn hóa phải ngang hàng với chính trị và kinh tế. Nhưng trong thực tế, như nguyên nhân mà Đảng đã chỉ ra trong Kết luận của Bộ Chính trị, vị trí, vai trò của văn hoá chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Còn trong thực tế, văn hóa rất thường xuyên phải nhường chỗ cho các lợi ích kinh tế.

Văn hóa suy cho cùng để xây dựng đời sống tinh thần, hình thành nhân cách con người. Có một chuyên gia kinh tế từng cho rằng: Trong mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị và cải cách văn hóa thì cải cách văn hóa đóng vai trò quan trọng hơn cả. Lý do là vì văn hóa là môi trường tinh thần, là lá phổi của đời sống mà sự lạc hậu của môi trường tinh thần sẽ là vật cản đối với tiến độ cũng như sự thành công của đổi mới kinh tế và chính trị.

Kết luận của Bộ Chính trị vừa ban hành nêu yêu cầu về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33, trong đó chỉ ra các giải pháp rất cụ thể. Với một Nghị quyết đã mở ra những cánh cửa hội nhập toàn cầu cho văn hóa - văn nghệ Việt Nam, thành hay bại trong thời gian tới tiếp tục phụ thuộc vào việc chúng ta thực hiện như thế nào. Lần đầu tiên khái niệm văn hóa là nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước được đề cập tới trong một văn kiện của Đảng. Nhận thức về văn hóa được kế thừa, bổ sung tiến gần đến giá trị cốt lõi nhất: Hình thành nhân cách con người và cốt cách của một dân tộc, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng để đất nước phát triển bền vững. Nhưng chúng ta đã thực hiện chưa được bao nhiêu.

Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi phủ nhận một số tiến bộ trong thời gian qua như đời sống văn hóa nhân dân cao hơn trước, văn hóa truyền thống được ý thức gìn giữ, dân chủ được phát huy... Nhưng vẫn phải thấy rằng đạo đức, tức là vấn đề hình thành nhân cách con người thì còn nhiều điều phải suy nghĩ. Con người tạo ra văn hóa. Nhưng không phải chỉ là vẻ hào nhoáng bên ngoài rồi đã coi như đời sống văn hóa đã được nâng cao. Bởi vì sự hưởng thụ của người dân về văn hóa phải là điều kiện để giữ đạo đức con người. Chúng ta tự hào có nhiều di sản văn hóa, nhưng nếu nhiều di sản mà đạo đức xuống cấp thì cũng chả giữ di sản để làm gì.

Kết luận của Bộ Chính trị cho thấy một lần nữa thách thức về văn hóa cần được tiếp tục nhận diện lại, trong chiến lược phát triển đất nước ở thời kỳ mới. Phải đảm bảo rằng Nghị quyết chỉ được coi là đi vào đời sống nếu mục tiêu xây dựng con người Việt Nam mới được hình thành. Những người Việt Nam “phát triển toàn diện”, có “hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”. Xây dựng con người Việt Nam có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp với các đặc tính cơ bản “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.

Văn hóa đang được đặt ra trong nhận thức đúng với vị trí của nó, là ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội... Tuy nhiên từ nhận thức tới việc đạt tới mục tiêu vẫn là một quá trình mà thời gian tới khi chúng ta tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 nếu không có sự chuyển biến về nhận thức thì những yếu kém được nêu ra sau 5 năm thực hiện chắc vẫn còn nguyên đấy. Trong khi thực tiễn đất nước đòi hỏi văn hóa phải được chấn hưng.

Cẩm Thúy