Chật vật triển khai các dự án cao tốc phía Nam

Đoàn Xá 11/06/2020 08:00

Mặc dù rất cấp thiết nhưng vì nhiều lý do khác nhau, việc triển khai các dự án xây dựng đường cao tốc ở khu vực phía Nam vẫn bị chậm trễ. Nhiều dự án cao tốc được quy hoạch từ hàng chục năm trước đến nay vẫn chưa khởi công. Một số dự án dù khởi công, xây dựng nhưng nhiều tháng, nhiều năm qua đi vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.

Chật vật triển khai các dự án cao tốc phía Nam

Tiến độ thực hiện dự án cao tốc ở khu vực phía Nam rất chậm trễ.

Quy hoạch rồi chờ đợi

Thời gian qua tại khu vực phía Nam có rất nhiều các dự án xây dựng đường bộ cao tốc đang được quy hoạch triển khai. Các dự án này được chia theo các tuyến như Dầu Giây - Đà Lạt (dài 220 km); Biên Hoà - Vũng Tàu (76 km); TP HCM - Bình Dương - Bình Phước (69 km); TP HCM - Mộc Bài (55 km) hay Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (200 km); Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (225 km) hay TP HCM - Cần Thơ - Cà Mau… Các tuyến cao tốc này lại được chia ra thành nhiều dự án hay các giai đoạn nhỏ hơn để thực hiện. Như đoạn cao tốc TP HCM - Cần Thơ (dài khoảng 150 km) nằm trong dự án cao tốc Bắc-Nam được chia nhỏ thành 4 dự án riêng biệt gồm Dự án cao tốc TP HCM - Trung Lương (70 km); Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (51 km); Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (23 km) và Dự án cầu Cần Thơ 2 (gần 7 km).

Mặc dù được chia khá nhỏ nhưng những dự án xây dựng này vẫn liên tục chậm tiến độ, không hoàn thành. Cụ thể, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2005 và luôn nằm trong nhóm các dự án “cấp bách” nhưng hiện mới chỉ có hơn 1/3 chiều dài dự án được hoàn thành. Các khu đoạn khác vì nhiều lý do khác nhau vẫn tiếp tục trễ hẹn. Đặc biệt nhất là đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ tới thời điểm này vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa chọn lựa được nhà đầu tư dù nhiều doanh nghiệp tha thiết muốn được xây dựng nhưng không hiểu vì lý do gì cơ quan quản lý chưa quyết định.

Ngoài dự án xương sống có vai trò quan trọng nhất ở khu vực phía Nam là tuyến TP HCM – TP Cần Thơ thì nhiều tuyến cao tốc khác cũng có tiến độ triển khai chậm trễ. Tuyến cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt (220 km) được quy hoạch chi tiết từ năm 2008 nhưng sau 12 năm mới chỉ có một đoạn ngắn từ Liên Khương - Pren dài gần 20 km, nối sân bay Liên Khương tới trung tâm TP Đà Lạt được hoàn thành. Hơn 200km còn lại được chia thành 3 dự án nhỏ với các đoạn từ Dầu Giây - Tân Phú (60 km); Tân Phú - Bảo Lộc (66 km); Bảo Lộc - Liên Khương (73 km) vẫn hoàn toàn trên giấy tờ, chưa bắt đầu xây dựng.

Nếu số phận của những tuyến đường cao tốc được quy hoạch từ hàng chục năm trước đã vậy thì những tuyến cao tốc mới quy hoạch cũng không khá hơn là bao. Đó là tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dài 200 km, vốn 30 ngàn tỷ đồng) được phê duyệt năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa có hạng mục nào được xây dựng. Song song với tuyến trên, tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (dài 225 km, vốn 33 ngàn tỷ đồng) cũng được nhắc đến rất nhiều trong các văn bản, cuộc họp và trên báo chí. Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết cũng như thời điểm khởi công của dự án này vẫn còn bỏ ngỏ.

Càng để lâu càng khó

Từ quy hoạch cho tới khởi công xây dựng và hoàn thành các dự án cao tốc ở khu vực phía Nam thời gian qua là rất lâu, người dân có cảm giác dường như bị bỏ quên. Điều đáng nói, nguyên nhân khiến các dự án bị chậm tiến độ cũng rất nhiều. Một số dự án bị chậm do giải phóng mặt bằng, một số chậm do nguồn vốn, năng lực chủ đầu tư hay thậm chí hiện nay nhiều dự án bị chậm đơn giản chỉ vì thủ tục cơ quan nhà nước. Vì thế, để thúc đẩy cũng như giải quyết và triển khai các dự án cao tốc được nhanh chóng trong thời gian tới là không hề dễ dàng. Đặc biệt khi hầu hết dự án này có nguồn vốn lớn, chịu sự giám sát và chi phối của cơ quan có thẩm quyền khiến thủ tục có thể còn khó khăn hơn nữa.

Đến thời điểm này có thể khẳng định, hầu hết các tuyến cao tốc ở khu vực phía Nam đều đã triển khai và hoàn thành không đúng như dự kiến ban đầu. Hậu quả của tình trạng này là vô cùng lớn. Ngoài việc đội vốn, phát sinh chi phí đầu tư thì còn ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển xã hội. Trong đó một số dự án có sự tham gia đầu tư của các tổ chức, công ty nước vốn nước ngoài thì tính chất pháp lý còn phức tạp hơn. Thậm chí như dự án xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành còn có thể bị nhà đầu tư nước ngoài kiện hay “phạt” vì chậm giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch ban đầu. Nhưng hệ luỵ quan trọng nhất không phải là chi phí mà là ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống người dân.

Tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở các tuyến cao tốc hiện hữu khu vực phía Nam như cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hay TP HCM - Trung Lương gần như tuần nào cũng diễn ra. Nó phản ánh việc hạ tầng giao thông đang thiếu hụt trầm trọng hơn bao giờ hết. Nhu cầu sử dụng hạ tầng đường cao tốc ngày càng cấp thiết. Các phương tiện ô tô cá nhân trở nên phổ biến và nhu cầu sử dụng đường cao tốc không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp vận tải như trước nữa. Vì vậy, việc chậm trễ và thiếu quyết liệt trong triển khai các dự án này đang ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển chung.

Đoàn Xá