Người đam mê gìn giữ văn hóa truyền thống

Tùng Lâm 15/06/2020 08:00

Ông Y Ó Byă (Ama Khoát), dân tộc Ê Đê ở buôn Chàm A, xã Cư Drăm (Krông Bông- Đắk Lắk) là một trong số những người con của núi rừng Tây Nguyên còn giữ được sự đam mê về những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.

Người đam mê gìn giữ văn hóa truyền thống

Ama Khoát (thứ 3 từ trái qua) cùng đội chiêng Kram của buôn Chàm A, xã Cư Drăm.

Là người rất thích nghề đan truyền thống nên Ama Khoát học hỏi và biết đan các loại như: gùi, thúng, rổ rá và một số đồ dùng trong gia đình từ khi còn rất nhỏ. Ông cho biết, trước đây những dụng cụ để sử dụng trong các gia đình của đồng bào Ê Đê, M’nông đều do người đàn ông trong nhà tự làm. Vì vậy, lớp người nam giới tuổi như ông trở về trước trong các buôn làng Ê Đê, M’nông phần lớn đều biết đan lát để phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình.

Việc rèn các dụng cụ lao động như rìu, xà gạc, dao, rựa, cuốc, liềm, ngoằng làm cỏ... của gia đình và một số gia đình người thân đều do Ama Khoát đảm nhiệm. Ông biết nghề rèn và luôn muốn phát triển nghề giúp gia đình mình và những gia đình trong buôn có được công cụ tốt để sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất.

Ama Khoát cũng là người rất đam mê văn hóa cồng chiêng. Ông thuộc và đánh thành thạo nhiều loại nhạc cụ như trống, cồng, chiêng đồng, chiêng K’ram... Trước đây, mỗi khi có gia đình trong buôn tổ chức lễ cúng, ông thường có mặt tham gia đánh chiêng. Hiện nay gia đình ông vẫn còn giữ được trống cái, 1 bộ cồng, 2 bộ chiêng đồng và chiêng K’ram.

Từ khi đảm nhiệm nhiều công việc quan trọng của địa phương như: Bí thư Đoàn xã, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, UBND xã Cư Drăm, Ama Khoát đã dành phần lớn thời gian cho công việc của xã hội. Vậy nên những việc mà ông đam mê phải tạm gác lại. Khi còn công tác, ông luôn quan tâm, động viên đồng bào Ê Đê, M’nông trong các buôn làng của xã Cư Drăm bảo tồn và phát huy những nét đẹp về văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ông nghỉ hưu đã gần 5 năm và giờ lại bận rộn với việc phụ giúp gia đình công việc nương rẫy, chăn nuôi. Gần 4 ha cà phê, ngô lai, lúa nước và đàn trâu, bò, dê hơn 30 con nhưng khi gia đình nào trong buôn và những buôn bên cạnh làm lễ cúng, thiếu người đánh chiêng là ông sẵn sàng có mặt để tham gia cùng đội chiêng. Lúc rảnh, ông tranh thủ lên núi chặt lồ ô, lấy mây về đan gùi và một số vật dụng để dùng trong gia đình, đôi khi có ai trong buôn đặt thì ông cũng đan.

Vừa qua, Ama Khoát đã động viên, khuyến khích anh Dương Văn Tho là người trong buôn mở lớp dạy đánh chiêng K’ram và lớp múa cho hàng chục thiếu niên trong buôn. Ông cũng động viên 2 đứa cháu của mình tham gia lớp học.

Nói về thực trạng những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Ê Đê, M’nông hiện nay ở đây, Ama Khoát trăn trở: “Trong các buôn đồng bào Ê Đê, M’nông của xã Cư Drăm hiện chỉ còn rất ít người biết đan lát, rèn dũa, dệt thổ cẩm hay biết đánh chiêng. Hiện tại các nghệ nhân không còn theo nghề nữa. Phần do họ đã lớn tuổi, phần vì đồ dùng, vật dụng trong gia đình và dụng cụ sản xuất của đồng bào Ê Đê, M’nông giờ sẵn có ở các hàng quán, giá cũng rẻ; lớp trẻ lại không đam mê nghề truyền thống như thế hệ trước nên không có người học để truyền dạy. Vì vậy, ông Ama Khoát luôn tìm cách để truyền lại những đam mê này cho lớp trẻ”.

Tùng Lâm