Cần có lộ trình
Cần sớm “bỏ hộ khẩu”, nhưng xem ra việc “bỏ hộ khẩu”, hay thay thế việc quản lý bằng hộ khẩu bằng mã số định danh cũng còn cần phải có lộ trình. Mọi chính sách đề ra phải đảm bảo tốt hơn cho xã hội, phải thuận lợi hơn cho người dân.
Quốc hội kỳ này đang thảo luận để rồi đi đến thông qua Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), trong đó vấn đề bỏ sổ hộ khẩu- một vấn đề đang được người dân, cử tri đặc biệt quan tâm. Sổ hộ khẩu giấy, một hình thức quản lý đã lỗi thời trong thời đại 4.0. Đa số đồng tình việc bỏ sổ hộ khẩu, tuy nhiên, không ít ý kiến cũng còn băn khoăn, rồi đây khi không còn sổ hộ khẩu, việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân sẽ được thực hiện ra sao? Liệu đến tháng 7/2021, mọi sự chuẩn bị đã được hoàn tất để Luật thực sự đi vào đời sống?
Ai cũng thấy rằng, chủ trương, bỏ cuốn sổ hộ khẩu giấy ở thời đại hiện nay là đúng đắn và cần sớm được tiến hành.
Nói kiểu dân dã như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Đến như ông thích quản chặt chẽ người ta là ông Công an mà còn suy nghĩ bỏ hộ khẩu là điều rất đáng mừng. Đa số người dân thì hoan nghênh, đồng tình. Bởi lâu nay, cuốn sổ hộ khẩu dù có lúc đã là niềm tự hào của mỗi cá nhân, gia đình nhưng cũng nảy sinh không ít sự phiền hà cho dân, nảy sinh nhiều tiêu cực.
Từ tháng 10/2008, Bộ Công an đã công bố Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của dân.
Ý kiến của Bộ Công an đưa ra rõ ràng thuyết phục được nhiều người. Rằng nếu bỏ sổ hộ khẩu giấy, mỗi năm có thể tiết kiệm được hơn 1.600 tỷ đồng.
Và rồi hơn một chục đầu mối mà người dân thường đùa “hành dân là chính” bị bãi bỏ.
Người dân không phải chuyển, đổi, cắt, nhập… mỗi khi di chuyển nơi cư trú.Rồi những việc như kết hôn, giao dịch, mua bán, đăng ký quyền sử dụng đất, mua bán xe… không còn cần đến sổ hộ khẩu, không phải mang theo sổ hộ khẩu.
Mọi việc liên quan đến cái sổ hộ khẩu trước đó sẽ do cái mã số định danh cá nhân đảm nhiệm.
Việc để mã số định danh cá nhân gánh vai trò của sổ hộ khẩu đã là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại, xã hội công nghệ phát triển. Việc sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư cũng sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân, phương tiện điện tử, phát triển chính phủ điện tử...
Mã số định danh sẽ được tích hợp thông tin từ nhiều lĩnh vực, từ nhiều ngành. Mọi số liệu của các công dân từ nhân thân, quan hệ, công việc, khả năng, hạn chế… đều được tích hợp.
Như áp dụng trong lĩnh vực y tế, người dân khi đi khám bệnh, không cần mang theo sổ y bạ, thẻ BHYT… Mọi thông tin về tiền sử bệnh tật, điều trị, nhóm máu… đều đã có trong dữ liệu ở mã số định danh, rất thuận lợi cho các y bác sĩ khám, điều trị.
Hay trong lĩnh vực an ninh, một cá nhân khi vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng chỉ cần tra trong số định danh sẽ biết rõ cá nhân ấy về nhân thân, quan hệ, ý thức, việc thực hiện pháp luật…
Những thông tin ấy giúp cho cơ quan chức năng rất nhiều trong việc quản lý, xử lý…Từ việc áp dụng mã số định danh, rất nhiều các công đoạn trung gian sẽ được cắt bỏ, xã hội, người dân sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian, tiền bạc. Đặc biệt, giúp cho xã hội phát triển đồng bộ trong thời đại công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Nói thì như vậy, nhưng để có cái mã số định danh của trên 96 triệu dân với đầy đủ thông tin tích hợp quả là không dễ dàng. Sau 4 năm triển khai, việc cấp mã số định danh cũng mới được hơn 18 triệu dân.
Đó là chưa nói đến việc tích hợp các thông tin, chất lượng các thông tin trên mọi lĩnh vực. Ngay cả những vấn đề như việc cung cấp thông tin, chia sẻ thông tin, khai thác thông tin, nhất là với thông tin cá nhân như thế nào để đảm bảo quyền công dân, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho công dân cũng cần có các quy định rõ ràng…
Việc bãi bỏ, thay thế một chế định pháp quy sẽ liên quan đến hàng loạt các chế định, pháp quy khác. Đúng như các đại biểu Quốc hội trao đổi: Cuốn sổ hộ khẩu rất mật thiết với người dân. Chỉ là vấn đề cư trú nhưng nó liên quan với rất nhiều luật khác như Luật Lý lịch tư pháp, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch, Luật Thủ đô, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.v.v.
Sửa đổi, thay thế một chế định là phải sửa đổi các chế định liên quan. Như việc bỏ hộ khẩu, đương nhiên ở Thủ đô sẽ không còn phân biệt trường hợp thường trú hay tạm trú, nhiều vấn đề quản lý di dân tự do, người lao động tự do, các chính sách liên quan cần phải đặt ra như hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế...
Nếu như Dự thảo Luật Cư trú sửa đổi được Quốc hội thông qua, nếu như tháng 7/2021, khi luật có hiệu lực đương nhiên cái sổ hộ khẩu sẽ không còn giá trị. Khi ấy, nếu việc cấp số định danh, việc cập nhật các thông tin chưa đầy đủ, thì những việc liên quan sẽ phải xử lý ra sao?
Bên cạnh đó là việc phải nâng cao trình độ cán bộ quản lý từ trung ương đến địa phương, nâng cấp trang thiết bị…
Với thời gian 1 năm liệu khoảng 80 triệu số định danh có được hoàn thiện? Chỉ nói một giao dịch nhỏ cần hộ khẩu, khi hộ khẩu đã bỏ, nhưng việc truy cập theo mã số định danh chưa kịp thời thì phải giải quyết ra sao? Nếu mọi sự chuẩn bị chưa đầy đủ, những bất cập có ảnh hưởng đến người dân, đến sự quản lý xã hội?
Cần sớm “bỏ hộ khẩu”, nhưng xem ra việc “bỏ hộ khẩu”, hay thay thế việc quản lý bằng hộ khẩu bằng mã số định danh cũng còn cần phải có lộ trình. Mọi chính sách đề ra phải đảm bảo tốt hơn cho xã hội, phải thuận lợi hơn cho người dân.
Việc thay đổi, cập nhật cái mới như bỏ sổ hộ khẩu giấy là một chính sách quan trọng, liên quan mật thiết với việc quản lý, với người dân. Nếu như sự chuẩn bị chưa đầy đủ, cỗ máy hoạt động chưa trơn tru, luật chưa thể đi vào đời sống.
Khi pháp luật ban ra chưa được thực hiện, thực hiện không đúng, pháp luật không khả thi, sẽ ảnh hưởng đến tính nghiêm minh, tính thượng tôn pháp luật, ảnh hưởng đến việc quản lý xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Bởi vậy rất cần có sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ với những lộ trình cụ thể. Các cơ quan có trách nhiệm cần khẩn trương, quyết liệt trong việc chỉ đạo, thực thi, để một chính sách mới, chính sách tốt sớm đi vào cuộc sống.