Sổ tay: Kéo dài nghỉ lễ để đi du lịch
7h sáng hôm qua, khi tôi đi qua một Trung tâm dịch vụ việc làm trên phố Trung Kính ở Hà Nội, nhìn số người đi đăng ký hồ sơ làm trợ cấp thất nghiệp đã xếp thành một hàng dài, trong đầu liên hệ với đề xuất của Tổng cục Du lịch về việc kéo dài kỳ nghỉ 2-9 để kích cầu du lịch, bỗng thấy cám cảnh.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, trong 4 tháng đầu năm 2020, hơn 5 triệu lao động trên cả nước bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm và giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Và 67% doanh nghiệp phải cho nhân viên tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, tạm thời nghỉ việc...
Bởi vậy mà trong đầu khá hoang mang bởi câu hỏi: Hơn 5 triệu lao động trên cả nước bị mất việc làm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ đào đâu ra tiền để kích cầu du lịch cho dù được nghỉ lễ tới 5 ngày?
Đã đành ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Đã đành kích cầu du lịch, nhất là du lịch nội địa trong bối cảnh hiện nay là giải pháp đang được tính đến. Nhưng nó không thể bằng đề xuất tăng ngày nghỉ để đi du lịch. Bằng giải pháp này, du lịch chỉ nghĩ đến du lịch trong khi ngành du lịch có khoẻ lại hay không lại nằm trong tổng thể nội tại của nền kinh tế. Nghỉ lễ kéo dài làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các ngành khác thì không thể coi là giải pháp kích cầu du lịch.
Thay vì đề ra các giải pháp tái cấu trúc, nâng cao chất lượng dịch vụ, tìm phân khúc thị trường, ngành du lịch khơi khơi đề xuất một giải pháp chỉ biết đến quyền lợi của một ngành, một lĩnh vực.
Tất nhiên, đề xuất chỉ là đề xuất. Nhưng đề xuất của ngành du lịch một lần nữa cho thấy chất lượng tham mưu, ban hành văn bản của một số cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều đề xuất sau khi đưa ra của các bộ ngành, địa phương đã vấp phải sự phản ứng của dư luận và thậm chí đã phải thu hồi văn bản.
Kéo dài kỳ nghỉ lễ để đi du lịch, tìm giải pháp kích cầu du lịch mà dễ thế thì kinh tế thế giới đã hồi phục lâu rồi.