Hiệp ước New START: Thế 'tam quốc phân tranh'?
Mỹ và Nga vừa đạt được thỏa thuận về thời gian và địa điểm tổ chức đàm phán về Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (NEW START) trong tháng này. Trong khi đó, dù được mời tham gia, Trung Quốc đã thẳng thừng từ chối.
Tên lửa Avangard của Nga có thể khai hỏa từ xe phóng hoặc từ hầm ngầm.
Nga - Mỹ so kè
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea cho biết, vòng đàm phán mới về kiểm soát vũ khí giữa hai bên sẽ được tổ chức tại Vienna (Áo) vào ngày 22/6 tới. Sự kiện được giới phân tích đánh giá là bước tiến tích cực, cho thấy khả năng chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể đưa ra lập trường mềm dẻo hơn về vấn đề gia hạn Hiệp ước New START.
New START được ký kết giữa Moscow và Washington vào năm 2010 và sẽ hết hiệu lực vào ngày 6/2/2021. START mới cũng có thể được gia hạn không quá năm năm (tức là kéo dài đến 2026) theo thỏa thuận chung của cả hai bên.
Theo các chuyên gia quốc phòng ở Moscow, sau sự sụp đổ của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước này, New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa Washington và Moscow. Nếu New START cũng bị rơi vào trạng thái “chết yểu”, đây sẽ là lần đầu tiên trong 50 năm qua không có một hiệp ước nào giới hạn vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.
Hồi giữa tháng 4, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo nếu New START không được gia hạn, sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Là Tổng thống Nga giai đoạn 2008-2012, ông Medvedev cùng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký Hiệp ước News START, với những điều khoản nhằm giảm thiểu và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược. “New START mới thật sự là một thành tựu mang tính trụ cột của quan hệ Nga - Mỹ, góp phần làm dịu tình hình thế giới”- ông Medvedev nhấn mạnh.
Theo ông Rusten - một chuyên gia kiểm soát vũ khí cho biết Mỹ cũng đang nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, nên cách tiếp cận tốt nhất là gia hạn New START ngay bây giờ. “Cần công bố các nguyên tắc chung Nga - Mỹ để định hướng đàm phán về một thỏa thuận trong tương lai, xây dựng trên nền tảng của New START tiếp tục giảm và giải quyết các loại vũ khí hạt nhân bổ sung khác.
Trung Quốc cự tuyệt
Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán, Mỹ vẫn không chịu từ bỏ lập trường yêu cầu Trung Quốc tham gia vào Hiệp ước. “Những số liệu ước tính cho thấy Trung Quốc hiện có khoảng 300 đầu đạn hạt nhân, đứng thứ 3 thế giới. Số lượng này nhỏ hơn rất nhiều kho vũ khí hạt nhân của Mỹ hay Nga, nhưng vẫn đủ uy hiếp 2 bên còn lại”- ông Rusten nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố mong muốn xây dựng một thỏa thuận hạt nhân 3 bên mới giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc. Trong khi đó Trung Quốc nhiều lần bác bỏ đề nghị này và trong tuyên bố mới nhất, nước này cũng tái khẳng định lập trường không tham gia đàm phán kiểm soát vũ khí 3 bên với Mỹ và Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Triệu Lập Kiên khẳng định: “Mỹ là quốc gia đã thực hiện nhiều thử nghiệm vũ khí hạt nhân nhất. Chúng tôi kêu gọi Mỹ gánh vác trách nhiệm của mình, tuân thủ cam kết, bảo vệ các mục tiêu và mục đích cơ bản của Hiệp ước. Mỹ cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các Hiệp ước giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân”. Nga mặc dù ủng hộ các cuộc đàm phán Hiệp ước START mới nên bao gồm cả Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Nhưng nước này hôm qua tuyên bố không gia tăng sức ép với Trung Quốc tham gia vào đàm phán.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serge Ryabkov, Nga không có ý định sử dụng bất kỳ công cụ nào để thay đổi điều này vì đây là lựa chọn chủ quyền. “Quả bóng đang trên sân của Mỹ và việc Mỹ khăng khăng yêu cầu sự tham gia của Trung Quốc vào các cuộc đàm phán có thể ảnh hưởng đến những nỗ lực cứu vãn thỏa thuận này”- Reuters dẫn lời ông Serge Ryabkov.
Truyền thông quốc tế nhận định sự tham gia của Trung Quốc vào các cuộc đàm phán về một Hiệp ước New START được nhiều chuyên gia kiểm soát vũ khí quốc tế ủng hộ. Nếu có sự tham gia của Trung Quốc, thỏa thuận song phương sẽ trở thành ba bên, mà theo nhiều chuyên gia, sẽ có tác động tích cực đến tình hình chính trị - quân sự thế giới.
Hiện có nhiều thông tin cho rằng Mỹ đang cân nhắc một chiến lược mới. Theo đó, Mỹ có thể chấp nhận gia hạn Hiệp ước này trong thời gian ngắn, có thể là 6 tháng, để Mỹ có thêm thời gian theo đuổi một Hiệp ước tham vọng hơn với sự tham gia của cả Trung Quốc và Nga.