Công tác cai nghiện ma túy: Còn nhiều bất cập
Sáng 11/6 chia sẻ về công tác cai nghiện ma túy hiện nay, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà thẳng thắn cho rằng, tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Các vụ án ma túy lớn với mức độ tinh vi cũng ngày một tăng. Đặc biệt, người nghiện ma túy cũng tăng và ngày một trẻ hóa. Hiện công tác cai nghiện đang gặp nhiều bất cập.
Theo các đại biểu công tác cai nghiện đang đứng trước sự quá tải.
Người nghiện ngày càng trẻ hóa
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, số người sử dụng ma túy mỗi năm ở Việt Nam ngày càng nhiều. Tuy nhiên, tính đến 30/4/2020, cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) công lập và 16 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập và được cấp giấy phép hoạt động; tổng số học viên đang được cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện công lập là 34.982 người.
Về công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, cả nước có 13 tỉnh, thành phố duy trì cách làm này và đã cai nghiện cho 1.711 người; 17 tỉnh, thành phố tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 3.162 người (do ngành LĐTB&XH quản lý). 100% người nghiện sau cai được quản lý tại cộng đồng (23.462 người). Quản lý sau cai tại cơ sở cai nghiện thì chỉ còn thành phố Hà Nội, đang quản lý 03 người nghiện. Con số này so với số người nghiện ma túy thực tế là khá khiêm tốn.
Đồng quan điểm, Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), cũng thừa nhận xu hướng trẻ hóa của tội phạm ma túy, trong đó lo ngại là người nghiện độ tuổi 12-18 có xu hướng tăng.
“Người nghiện ma túy trẻ hóa, nhưng việc xử lý, tổ chức cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn do bất cập về các qui định pháp luật “ - Phó Cục trưởng C04 nói.
Hệ thống pháp luật cần đồng bộ
Mặc dù tình trạng người nghiện ma túy ngày càng gia tăng, song công tác quản lý cũng như cai nghiện ma túy gặp rất nhiều khó khăn cả về nhân lực cũng như nguồn lực.
Dẫn chứng về những khó khăn trong công tác cai nghiện, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà thẳng thắn chia sẻ: Dù theo thống kê, hiện cả nước có gần 100 cơ sở cai nghiện tập trung do Nhà nước quản lý nhưng đa phần những cơ sở này cơ sở vật chất đều quá tải. Có cơ sở chỉ thiết kể cho từ 300-350 người nhưng đang phải tiếp nhận đến 700 người. Sự quá tải này không chỉ áp lực về nguồn nhân lực mà còn không đảm bảo về chất lượng trong cai nghiện.
“Công tác cai nghiện còn khó nữa khi đội ngũ nhân viên, bác sĩ quá mỏng. Ngành lao động phải làm việc với bên y tế để xin bác sĩ về các cơ sở cai nghiện, nhưng việc này cũng chỉ mang tính luân phiên. Bác sĩ mà luân phiên, không có sự gắn bó thì làm sao việc tổ chức cai nghiện cho người nghiện hiệu quả?” - Thứ trưởng Hà chia sẻ.
Thực tế dù Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích công tác cai nghiện tại cộng đồng, gia đình nhằm giảm tải cho cai nghiện công lập, tuy nhiên đánh giá của Bộ LĐTB&XH cho thấy, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn, số người được cai nghiện giảm dần.
Nguyên nhân do người nghiện và gia đình người nghiện ma túy không tự khai báo và đăng ký cai nghiện, không hợp tác để tổ chức cai nghiện, khoảng 70% người nghiện sử dụng ma túy nhóm ATS thường có biểu hiện về tâm thần, loạn thần, có hành vi ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội; một bộ phận người nghiện điều trị thay thế bằng Methadone vẫn sử dụng heroin và ma túy khác hoặc bỏ liều; cán bộ Tổ công tác cai nghiện chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản; cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương chưa quyết liệt triển khai và không bố trí kinh phí để thực hiện.
Từ thực trạng trên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng: Để công tác cai nghiện đạt hiệu quả, hệ thống pháp luật phải đồng bộ, làm sao vừa đảm bảo quyền con người đã được qui định trong Hiến pháp, đảm bảo nhân quyền cho những người yếu thế nhưng cũng phải đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống ma túy, cai nghiện. Trong đó cần tuyên truyền từ gia đình, nhà trường, xã hội để lấy phòng là chính.