Nhập nhằng tư vấn tuyển sinh
Thay vì nhận được các thông tin khách quan, trung thực và cần thiết trước kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) quan trọng thì hiện nay, thí sinh, phụ huynh gần như chỉ nhận được những lời mời chào, quảng cáo của các trường ĐH.
Đặc biệt với nhiều trường THPT ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa thường xuyên được một số trường ĐH về “tư vấn miễn phí” vào các ngành nghề học của chính trường đó. Nếu các em muốn tìm hiểu thông tin của các trường hay ngành nghề khác thì không có ai tư vấn, buộc phải tự tìm kiếm trên mạng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay các trường ĐH tìm rất nhiều cách để tư vấn tuyển sinh, với mục đích thu hút thí sinh, tìm cách quảng cáo, tiếp cận các học sinh lớp 12 chuẩn bị vào ĐH. Một trong những chiêu thức phổ biến của các trường này là bắt tay với các trường THPT hoặc Sở, Phòng giáo dục địa phương để cho cán bộ tư vấn, chuyên gia tới tiếp xúc với học sinh.
Nhóm người này hầu như không cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về tuyển sinh, cũng như không cung cấp thông tin tuyển sinh chung, thông tin ngành nghề có nhu cầu việc làm cao thực sự… mà chỉ thông tin về trường ĐH bỏ tiền tổ chức tư vấn tuyển sinh. Nói nôm na, tư vấn tuyển sinh hiện nay bản chất là việc quảng cáo của các trường ĐH.
Thậm chí nhóm tư vấn còn đưa ra các gói học bổng, chương trình khuyến mãi tiền ở ký túc xá… để mời chào thí sinh. Vì chính các trường ĐH đứng sau tổ chức nên học sinh gần như chỉ nhận được những thông tin “một chiều”, là những thông tin tốt đẹp của ngành, trường đó mà thôi.
Theo một giáo viên dạy THPT lâu năm ở TP HCM, khoảng 5 năm trở lại đây, các chương trình tư vấn tuyển sinh dù bên ngoài do đơn vị nào đứng ra tổ chức thì bản chất vẫn là các trường ĐH chịu chi phí. Thậm chí còn hình thành một “cuộc đua” tư vấn tuyển sinh khi trường ĐH nào chi nhiều tiền sẽ được các trường THPT chấp nhận cho tư vấn nhiều lần.
Thực tế, đã có nhiều thí sinh bỏ học sau năm đầu tiên học tại trường, lí do là trường ĐH mình đăng ký học không như tư vấn ban đầu. Thậm chí tình trạng thí sinh, sinh viên kiện trường ĐH ra toà cũng không hiếm, với nguyên nhân chỉ vì không nắm đầy đủ thông tin nhưng vẫn đăng ký theo học.
Vẫn biết việc tự chủ của các trường ĐH là chủ trường đúng đắn, cần thiết và buộc phải làm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các trường ĐH được thoải mái núp bóng các chương trình tư vấn chỉ để “nói tốt” cho một vài ngành nghề, một vài trường ĐH nào đó khiến thí sinh vì thiếu thông tin mà quyết định theo học.
Đã đến lúc cơ quan quản lý cần siết lại các chương trình tư vấn, để tư vấn tuyển sinh là nơi cung cấp cho thí sinh một cái nhìn toàn cảnh về tất cả các ngành nghề, của tất cả trường ĐH cũng như chất lượng các trường để tự thí sinh có sự lựa chọn tốt nhất cho bản thân.