Chấp nhận rủi ro để đổi đời
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), hiện có khoảng 580.000 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), số tiền gửi về đạt mức 5 tỷ USD/năm, đóng góp đáng kể vào GDP cả nước. Không chỉ vậy, với mỗi người lao động, được ra nước ngoài làm việc cũng là một cách để họ thực hiện ước mơ đổi đời, thoát nghèo. Song, chính vì hoài bão đó mà không ít người chấp nhận rủi ro để đi bằng mọi giá.
XKLĐ sang Hàn Quốc. (Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước).
Mù mờ về thông tin
Thực tế cho thấy, hầu hết những người muốn đi XKLĐ đều không nắm được những thông tin cần thiết về các loại phí dịch vụ, mức phí dịch vụ, doanh nghiệp nào được phép thực hiện XKLĐ, đơn vị môi giới...
Thậm chí truy cập trên chính trang website của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hay website của Bộ LĐTBXH cũng chỉ nắm được danh sách các đơn vị được cấp phép XKLĐ, chứ không tìm thấy danh mục các loại phí và mức phí phải đóng góp cho từng thị trường lao động.
Trong khi đó, thực tế có những đơn vị không được cấp phép XKLĐ, nhưng họ vẫn hoạt động dưới hình thức môi giới, mà môi giới thì không cần giấy phép. Chính điều đó khiến người lao động không thể phân biệt đâu là thật đâu là giả.
Với mỗi người, việc đi XKLĐ là một quyết định lớn mang tính bước ngoặt của cuộc đời. Và tất nhiên sẽ khó có thể đưa ra quyết định sáng suốt khi không có những thông tin chính thống, chính xác, mỗi người phải tự “đào xới” và tự lọc thông tin từ “một núi thông tin”, bao gồm cả thông tin thật và thông tin giả. Chẳng hạn, pháp luật không cấm việc môi giới đi XKLĐ nên vẫn có những đơn vị, doanh nghiệp cò mồi mời chào người lao động. Chỉ có điều họ phải thông qua các đơn vị được Bộ LĐTBXH cấp phép XKLĐ để đưa người đi lao động ở nước ngoài.
Song, làm sao người lao động, nhất là những người nông dân có thể phân biệt đâu là công ty môi giới thật, đâu là công ty môi giới lừa đảo.
Đó chính là lý do mà thời gian qua liên tục có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người sập bẫy các đường dây lừa đảo XKLĐ để chiếm đoạt tài sản. Ngay cả khi đơn vị môi giới là thật, doanh nghiệp được cấp phép XKLĐ “xịn”, thì việc thiếu thông tin của người lao động cũng khiến họ rơi vào thế yếu, phải nộp những khoản phí “trên trời” với mức hàng vài trăm triệu đồng, trong khi pháp luật có quy định về trần mức phí dịch vụ là không được vượt quá 3 tháng lương/hợp đồng/người.
Ví dụ, một người đi làm việc ở Nhật Bản có mức lương là 1.000 USD/tháng, thì các loại phí dịch vụ để đi XKLĐ sẽ không được vượt quá 3.000 USD.
Rủi ro rình rập
Trong bối cảnh mù mờ về thông tin, người lao động chỉ có hai lựa chọn: Một là chấp nhận rủi ro nếu muốn “đổi đời”, hai là chấp nhận phận nghèo từ bỏ ý định đi XKLĐ. Thực tế cho thấy không ít người lao động đã “tặc lưỡi”, “nhắm mắt đưa chân” tới đâu hay tới đó, phó mặc số phận cho may rủi. Họ lựa chọn quyết tâm đi XKLĐ trong bối cảnh thông tin mù mờ, dẫn tới việc xảy ra nhiều vấn đề phát sinh ngoài ý muốn. Không ít người đã phải hối hận vì quyết định của bản thân khi đối mặt với thực tế phũ phàng như: Lương không cao như quảng cáo, bị bóc lột sức lao động, làm việc cực nhọc không có thời gian nghỉ ngơi...
Theo quy định của pháp luật, các công ty được Bộ LĐTBXH cấp phép XKLĐ chính là các pháp nhân phải chịu trách nhiệm với người lao động về mọi mặt. Song, tìm hiểu thực tế cho thấy, trong số 459 doanh nghiệp được cấp phép có không ít đơn vị vẫn chưa thực sự tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đơn cử như việc thu phí người lao động thì hầu hết các doanh nghiệp đều không nghiêm chỉnh chấp hành quy định, thu phí cao hơn mức trần. Hơn nữa, rất nhiều doanh nghiệp cũng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người XKLĐ.
Đúng ra, các công ty này phải sát cánh cùng người lao động Việt Nam ở nước ngoài, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ và bảo vệ họ khi phát sinh những sự cố. Song, có không ít doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, không có sự quan tâm thích đáng đến người đi XKLĐ, dẫn đến một số trường hợp lao động bị ngược đãi, bạo hành...
Đó là còn chưa kể đến các trung tâm XKLĐ “thứ cấp” của các doanh nghiệp được cấp phép của Bộ LĐTBXH đang hoạt động tràn lan với mỗi nơi một mức phí, một cách “quảng cáo” khác nhau về môi trường làm việc, điều kiện lương thưởng, ăn ở... Thực chất thì đây chính là các trung gian, cò mồi, lôi kéo người lao động giúp cho các doanh nghiệp được cấp phép. Và đáng nói là các đơn vị hoạt động XKLĐ không cần giấy phép này sẽ không cần phải chịu trách nhiệm gì với xã hội và người lao động khi có sự cố đáng tiếc xảy ra. Đó cũng là lỗ hổng để phát sinh ra những trung tâm XKLĐ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Về vấn đề này, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm cũng thừa nhận: Lợi dụng nhu cầu của người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài, có những tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đưa ra các thông tin, quảng cáo sai sự thật về việc làm ở nước ngoài, như: làm công việc tốt, có thu nhập cao để lừa đảo tuyển chọn và thu tiền của người lao động. Đặc biệt các tổ chức, cá nhân này đánh vào tâm lý của người lao động muốn được ra nước ngoài nhanh, thủ tục đơn giản, không cần phải học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
“Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với các cơ quan công an xác minh khoảng 60 doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật...” - ông Liêm chia sẻ.