Lo phương án cân đối vốn
Chiều 11/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Dẫu đồng tình chuyển 3 dự án thành phần (Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây) sẽ chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công, song vấn đề được các ĐB lo ngại là khả năng đáp ứng vốn.
ĐB Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) cho rằng: Việc chuyển 2 dự án thành phần Mai Sơn -Quốc lộ 45; Phan Thiết - Dầu Giây sang đầu tư công không thuyết phục và sẽ nảy sinh những vấn đề mâu thuẫn, đi ngược lại với chủ trương các tiêu chí căn cứ để Quốc hội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bắc-Nam. Bởi 2 dự án này có lưu lượng vận tải và giá trị thương mại cao nhất, cần phải ưu tiên đầu tư PPP. Từ đó, ông Sinh đề nghị, trước khi thông qua Nghị quyết này, Quốc hội cần lấy ý kiến của các ĐBQH để lựa chọn các phương án.
Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội): Phương án cân đối vốn trong tờ trình chưa đảm bảo tính cụ thể. Phần vốn ngân sách nhà nước thiếu khoảng hơn 23 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên Luật Đầu tư công quy định rõ những trường hợp bị cấm, trong đó có việc cấm quyết định chủ trương đầu tư khi không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Nếu không nêu rõ phương án cân đối vốn sẽ chưa đủ căn cứ để Quốc hội quyết định tại thời điểm này. Chính vì vậy, trong tờ trình của Chính phủ cần thuyết minh cụ thể về phương án cân đối vốn để có căn cứ cho ĐBQH quyết định đúng quy định theo luật đầu tư công.
“Trong phương án thu hồi vốn Nhà nước hiện nay mới chỉ tính hình thức thu hồi vốn thông qua hình thức chuyển nhượng thu phí mà chưa có phương án cụ thể. Vì vậy cần làm rõ trách nhiệm thu hồi vốn, lộ trình thực hiện, số thu được nộp 100% về ngân sách Trung ương theo đúng quy định của pháp luật”- bà Mai nêu rõ.
Trong khi đó, theo phân tích của ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ): Báo cáo của Chính phủ cho rằng vốn đã bố trí giai đoạn 2016-2020 là 55 nghìn tỷ đồng, chỉ cần bổ sung 23 nghìn tỷ đồng để hoàn thành dự án là có sự nhầm lẫn về kế hoạch trung hạn với dự toán có thể bố trí được hàng năm. Bởi kế hoạch trung hạn là cam kết chi không phải tiền thật, dự toán hàng năm mới là tiền thật bố trí được phụ thuộc vào nguồn thu cân đối ngân sách và tiến độ thực hiện dự án.