Thanh Hóa: Chào đón 34 dự án đầu tư với tổng vốn gần 15 tỷ USD
Chiều ngày 12/6, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao quyết định chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp tại hội nghị.
Sẽ có những “siêu” dự án đổ bộ
Trong những năm qua, trên cơ sở phát huy nội lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực. Với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích của địa phương, cùng sự nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến Thanh Hóa. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2020 Thanh Hóa đã thu hút và chấp thuận chủ trương đầu tư cho 66 dự án với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 1.852 tỷ đồng và 130,7 triệu USD, nằm trong tốp những tỉnh dẫn đầu “đường đua” thu hút đầu tư của cả nước.
Qua đó cho thấy, Thanh Hóa đã và đang hết sức nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư là mục tiêu và là hành động thường xuyên của tỉnh Thanh Hóa trong chiến lược phát triển.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Thanh Hóa 2020, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, đã có 34 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên đến gần 15 tỷ USD.
Các dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần tăng năng lực sản xuất, quy mô nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, đây sẽ là những “siêu dự án”, hứa hẹn làm đậm thêm bức tranh đầu tư tại Thanh Hóa trong giai đoạn mới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thanh Hóa thống nhất lựa chọn định hướng không gian, lãnh thổ và phát triển các ngành, lĩnh vực theo mô hình 4 - 5 - 6 - 6, gồm: 4 trung tâm kinh tế động lực, đó là: TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn; Khu kinh tế Nghi Sơn; Bỉm Sơn; Lam Sơn - Sao Vàng.
5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị. 6 hành lang kinh tế kết nối với Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và nước bạn Lào. Đây cũng là định hướng thu hút đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa trong những năm tới.
“Trải thảm đỏ” cho doanh nghiệp
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương, chúc mừng những thành tựu trong phát triển KTXH và thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa.
Quang cảnh hội nghị.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nói: “Hội nghị hôm nay là sự kiện hết sức quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng và sức lan tỏa lớn trong thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển KTXH, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế trong nước và của tỉnh Thanh Hóa chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, cần nguồn lực rất lớn và tinh thần doanh nhân vượt qua thử thách để thúc đẩy phát triển. Đây là tin vui, tín hiệu tốt đối với KTXH của Thanh Hóa và cả nước”.
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh, Thanh Hoá cần khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Luật Quy hoạch và Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trình Bộ Chính trị. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 của Chính phủ, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau…
Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đề nghị, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân cần thực hiện đúng các cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư; quan tâm, có chiến lược kinh doanh lâu dài tại tỉnh Thanh Hóa; đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; trách nhiệm với xã hội và cộng động, bảo đảm phát triển bền vững. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cũng khẳng định, Chính phủ sẽ nghiên cứu, có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho Thanh Hóa huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà tài trợ, nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực thế mạnh của Thanh Hóa, tạo tiền đề cho tỉnh Thanh Hóa tăng tốc phát triển.