Không đánh đổi môi trường
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần khẳng định: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Điều đó có nghĩa, một mặt vẫn phải phát triển nhanh kinh tế - xã hội, song phải đảm bảo phát triển bền vững, gìn giữ môi trường.
Nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường khu dân cư.
Trong buổi thảo luận tại tổ (Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV) ngày 11/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định: Ô nhiễm môi trường đang đe dọa cuộc sống của người dân. Coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm.
Thủ tướng cho rằng, bảo vệ môi trường không thể chỉ dùng khẩu hiệu suông, mà phải xuất phát từ những hành động cụ thể, từ việc làm nhỏ nhất của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Trong nghị quyết của từng chi bộ đừng nói chuyện “trên trời, dưới biển”, mà cần bàn vào những vấn đề sát sườn như bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống. Việc bảo vệ môi trường cần có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền ở đâu, vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ như thế nào...
Thảo luận về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đều thống nhất quan điểm: Ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn thách thức không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Hiện, nhận thức của người dân, thậm chí cả một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên về vấn đề môi trường chưa đúng mức, chưa cương quyết, nên ở nhiều nơi, môi trường còn là vấn đề nhức nhối. Do vậy, việc hoàn thiện các quy định pháp luật là rất quan trọng để góp phần thay đổi về nhận thức, tư duy, đảm bảo phát triển bền vững đất nước.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, về quản lý nhà nước không thể một bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa cấp phép vừa kiểm tra, giám sát dễ phát sinh tiêu cực, tạo cơ chế xin - cho. Thực tế, đôi khi, ở một số nơi còn có biểu hiện vô cảm, thiếu trách nhiệm, lợi ích nhóm dẫn đến việc “làm lấy được”, “nhắm mắt, nhắm mũi” phê duyệt dự án, không cần quan tâm đến hệ lụy khôn lường về môi trường. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ cương quyết chấn chỉnh, không để tái diễn thực trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tất nhiên, việc phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm trong các dự án làm ô nhiễm môi trường chỉ là thiểu số. Hầu hết đều do nhận thức về môi trường của địa phương còn hạn chế, hơn nữa lại bị bệnh thành tích nên bằng mọi giá phát triển nhanh kinh tế - xã hội, bất chấp tác động ô nhiễm môi trường. Do tăng trưởng “nóng” kinh tế mà chưa coi trọng vấn đề xử lý rác thải, nước thải dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại một số địa phương. Để khắc phục thực trạng này, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm người đứng đầu khi để ra ô nhiễm môi trường.
Trong bối cảnh Quốc hội vừa phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), làn sóng đầu tư FDI sẽ tràn vào Việt Nam rất nhanh và nhiều. Đây vừa là cơ hội phát triển nhanh kinh tế, nhưng cũng là thách thức về môi trường không hề nhỏ. Nếu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương không thực sự nhận thức được tầm quan trọng của môi trường, đảm bảo phát triển đất nước bền vững thì sẽ nhanh chóng khiến môi trường sống trở nên vô cùng tồi tệ. Khi đó, dù cho có giàu cỡ nào, chi ra bao nhiêu tiền cũng không thể đổi lại được môi trường sống trong lành, thận thiện.
Làm sao để có giải pháp bảo đảm phát triển bền vững đất nước là vấn đề trăn trở của nhiều đại biểu Quốc hội. Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, phát triển kinh tế là hết sức cần thiết nhưng cần tránh lặp lại “vết xe đổ” của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã phải trả giá đắt cho vấn đề ô nhiễm môi trường. Đó là cứ “say sưa” phát triển “nóng” kinh tế - xã hội, không quan tâm bảo vệ môi trường sống. Đến khi môi trường xuống cấp nghiêm trọng mới đưa ra cảnh báo thì đã quá muộn, không thể khắc phục được nữa.
Để kết thúc bài viết, xin được dẫn lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại một hội nghị về môi trường gần đây: Đã đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân. Thực trạng môi trường đặt ra những thách thức, bộc lộ sự yếu kém trong quản lý nhà nước mà chưa có giải pháp giải quyết căn cơ ở các địa phương cũng như cơ quan Trung ương. Do vậy, tới đây cần phải có một bộ máy quản lý nhà nước mạnh, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, có kiến thức, phương tiện, công cụ kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển đất nước bền vững.